Ngành lâm nghiệp chủ động ứng phó với Quy định của EU về chống mất rừng
Bên cạnh những thách thức lớn từ Quy định chống phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU), đây cũng có thể là “cú hích” lớn để các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tái cấu trúc sản xuất, kinh doanh theo hướng minh bạch, trách nhiệm và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngành lâm nghiệp của Việt Nam đã chủ động có sự chuẩn bị, sẵn sàng với quy định EUDR.
EUDR - “Cú hích” lớn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ
Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng một hệ thống pháp luật toàn diện về quản lý lâm sản. Ngay từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 - 2020 nhằm “quản lý chặt chẽ việc khai thác gỗ rừng tự nhiên, hạn chế tình trạng khai thác gỗ trái pháp luật, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường” (mục tiêu chung); và “nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, sau năm 2020 sẽ tạo được những khu rừng sản xuất có chất lượng tốt đủ điều kiện khai thác bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu gỗ rừng tự nhiên cho tiêu dùng trong nước và từng bước thay thế gỗ nhập khẩu”. Ngày 22/7/2016, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 191/TB-VPCP của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên. Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc gia (Vietnam Forest Certification Scheme - VFCS) được thiết lập trên cơ sở Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 1/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.
Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng một hệ thống pháp luật toàn diện về quản lý lâm sản
Ngày 30/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 24/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 895/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu tổng quát là xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển bền vững; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc tham gia các thỏa thuận quốc tế như Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) và Thỏa thuận kiểm soát khai thác, thương mại gỗ bất hợp pháp với Hoa Kỳ đã khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc chống lại khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp. Bên cạnh đó, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 50 của Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC). Nhờ đó, Việt Nam đang ngày càng được quốc tế công nhận là một quốc gia có quản lý rừng bền vững.
Việc tuân thủ EUDR không chỉ giúp các sản phẩm gỗ Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam là một quốc gia sản xuất gỗ bền vững. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Hàn Quốc. EUDR còn mở ra cơ hội để Việt Nam tiếp cận nguồn lực kỹ thuật và tài chính từ EU và các nước thành viên; qua đó, giúp cải thiện hệ thống quản lý rừng, nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước và thúc đẩy phát triển bền vững ngành lâm nghiệp.
Hơn nữa, EUDR giúp doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững theo một chiến lược bài bản về vùng trồng và nguồn nguyên liệu hợp pháp (nguồn gốc và vị trí đất đai, truy xuất nguồn gốc, chia sẻ thông tin và phối hợp nhận hỗ trợ của cơ quan quản lý, hiệp hội nhằm đáp ứng tuân thủ...), nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nguồn cung và đảm bảo là sự lựa chọn ưu tiên đối với bạn hàng châu Âu.
Đồng thời, doanh nghiệp đáp ứng EUDR sẽ xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xanh, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng môi trường sống xanh, giảm thiểu biến đổi khí hậu, xây dựng nền tảng để sẵn sàng đáp ứng cho các quy định xanh khác của EU, như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), thực hiện đầy đủ từ năm 2026.
Sẵn sàng thích ứng với EUDR
Về triển khai thực hiện các quy định EUDR, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam và ban hành Thông tư số 22/2023/TT-NNPTNT ngày 15/12/2023 về sửa đổi, bổ sung một số thông tư ngành lâm nghiệp, trong đó có Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, đã đáp ứng và cam kết của Chính phủ Việt Nam về tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu là hợp pháp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của EUDR trong hoạt động xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, việc quản lý rừng bền vững và các chứng chỉ rừng đóng vai trò nền tảng. Với những tiêu chuẩn toàn diện về kinh tế, xã hội và môi trường, các hệ thống chứng chỉ rừng hiện hành đã tạo ra một nền tảng vững chắc để doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc đáp ứng yêu cầu của EUDR.
Để đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu, Cục Lâm nghiệp đã chủ động xây dựng và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Tài liệu hướng dẫn tạm thời cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu thực hiện thí điểm tại một số tỉnh phía Bắc, ban hành kèm theo Quyết định số 2260/QĐ-BNN-LN. Sau khi đánh giá kết quả thí điểm, việc cấp mã số vùng trồng sẽ được nhân rộng trên toàn quốc.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Cục Lâm nghiệp và các đối tác liên quan để lựa chọn 6 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ sang EU, khảo sát và đánh giá toàn diện nhằm xác định khoảng trống mà doanh nghiệp cần thực hiện để đáp ứng yêu cầu EUDR. Dựa trên kết quả khảo sát, Hiệp hội sẽ xây dựng tài liệu hướng dẫn chi tiết và tổ chức các buổi tập huấn để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý theo đúng yêu cầu của EUDR.
Diễn giả thông tin về tình hình thực hiện EUDR ở Việt Nam tại “Chương trình đào tạo, nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh” do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức vào ngày 16/8/2024
Xoay quanh EUDR, Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch hành động, liên tục tổ chức các chương trình đào tạo để doanh nghiệp Việt Nam từng ngành hàng đang được tổ chức liên tục bởi nhằm nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh trong bối cảnh áp dụng EUDR. Thông tin tại “Chương trình đào tạo, nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh” do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức vào ngày 16/8/2024 vừa qua, đại diện Bộ Công Thương dẫn chứng kinh nghiệm của Peru. Quốc gia này là nơi xuất khẩu các mặt hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR, bao gồm cà phê, ca cao, gỗ và dầu cọ chiếm khoảng 12% tổng lượng hàng xuất khẩu sang EU.
Đối mặt với EUDR, Peru đã đẩy mạnh hợp tác và phối hợp giữa các Bộ, ngành. Khu vực tư nhân có sự hỗ trợ nhanh chóng và thiết thực từ cả người mua quốc tế và chính phủ để xác định vị trí địa lý của các khu vực sản xuất, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc và xác minh rằng luật pháp địa phương đã được tuân thủ. Hợp tác quốc tế cũng được Peru ưu tiên, theo đó nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đang phát triển các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp Peru tuân thủ EUDR.
Trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Chương 13 (Thương mại và Phát triển bền vững) bao gồm các cam kết về quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, chống khai thác, thương mại gỗ bất hợp pháp và không gây mất rừng. Do vậy, việc chuẩn bị và thực thi EUDR khẳng định cam kết phát triển bền vững của Việt Nam, góp phần thúc đẩy thực hiện Hiệp định EVFTA. |