A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng cục Quản lý thị trường hội đàm với Đoàn công tác của Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc

Sáng ngày 19.9.2023, tại trụ sở Tổng cục QLTT, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh và đại diện Lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng thuộc Tổng cục đã có chương trình Hội đàm với Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc. Buổi Hội đàm nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Bản ghi nhớ đã được ký kết ngày 26/6 giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước.

Tham gia Hội đàm, về phía Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc có ông Huống Húc, Cục trưởng Cục Thanh tra thực thi pháp luật –Trưởng đoàn; bà Vương Bách Cầm, Hàm Phó Vụ trưởng Vụ Kinh doanh thực phẩm; ông Ngô Liên Tồn, Phó Chánh Văn phòng Kiểm tra, Đảng ủy cơ quan, Hàm Phó Vụ trưởng; ông Chu Dũng, Trưởng phòng, Phòng Chống xâm phạm quyền SHTT và hàng giả, Cục Thanh tra thực thi pháp luật; ông Vương Nhất, chuyên viên chính Phòng Tổng hợp, Vụ Điều phối ATTP.

Nhằm triển khai cụ thể Biên bản Ghi nhớ đã ký kết, tại Hội đàm hai Bên đã tập trung trao đổi về 05 nội dung chính, gồm: Bảo vệ quyền SHTT, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác xây dựng Đảng và kế hoạch hành động triển khai Biên bản Ghi nhớ."

Chia sẻ tại Hội đàm, ông Huống Húc, Cục trưởng Cục Thanh tra thực thi pháp luật, Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc cho biết, hiện nay, Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc có 600.000 nhân viên hoạt động theo phân cấp.

Ông Huống Húc, Cục trưởng Cục Thanh tra thực thi pháp luật 

Chia sẻ nội dung liên quan đến vấn đề Bảo vệ quyền SHTT, ông Huống Húc cho biết, Trung Quốc hiện có những chính sách, chiến lược xây dựng về SHTT, gây dựng thị trường mang tính quốc tế hóa, chú trọng cơ chế tương tác với nhau. Năm 2011, Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc thành lập tổ công tác dẫn đầu phòng chống hàng giả, Tổ công tác có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền SHTT. Mới đây, Tổ đã được đổi tên và nâng cao vị trí, vai trò so với trước với 30 thành viên, ngang tầm với Bộ. Đối với việc tăng cường thực thi pháp luật. Năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành cải cách, xác định quyền lực và thực thi pháp luật của quyền SHTT.

Đối với vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một công việc trong mảng giao dịch pháp lý của Cục Thanh tra thực thi pháp luật. Ở Trung Quốc có thành lập Trung tâm bảo vệ quyền người tiêu dùng về thực phẩm; triển khai Tổng đài khiếu nại với hơn 16 triệu người tiêu dùng đang đăng ký và sử dụng; phát hiện hơn 74,5 triệu vụ, giúp người tiêu dùng khắc phục tổn thất khoảng 2 tỷ đô. Song song với việc tham gia giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng, Tổng cục quản lý giám sát thị trường nhà nước Trung Quốc cũng đẩy mạnh giải quyết tranh chấp qua mạng, Trung Quốc có cơ chế giải quyết tranh chấp online với 114.000 DN tham gia vào cơ chế này, theo đó khoảng 13,6% các vụ tranh chấp được giải quyết thông qua online. Trung Quốc cũng triển khai chiến dịch “trả hàng hóa không cần lý do”, Cụ thể, trong vòng 07 ngày, người tiêu dùng mua sắm thông qua hình thức online có thể trả lại mà không cần bất cứ lý do gì. Hiện có 640.000 cửa hàng đã tham gia vào cơ chế này. Theo đó, từ khi triển khai cơ chế này, tại Trung Quốc đã có 770 triệu lượt người tiêu dùng trả lại hàng hóa thông qua hình thức này.

Đánh giá cao các nội dung mà phía Trung Quốc chia sẻ tại Hội đàm, theo Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh, Việt Nam và Trung Quốc khá tương đồng bởi chức năng của Tổng cục QLTT Việt Nam có những điểm tương tự như Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường nhà nước Trung Quốc.

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh

Theo Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh, hiện  nay, Tổng cục QLTT là lực lượng chủ yếu của Chính phủ Việt Nam trong xử phạt VPHC. Có đến 60% quy định về xử phạt hành chính thuộc thẩm quyền của QLTT. Trung bình 1 năm, lực lượng QLTT kiểm tra 80.000-100.000 vụ, xử lý 60.000-70.000 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 30 triệu USD.

Liên quan đến vấn đề SHTT, có thể nói vi phạm về SHTT và hàng giả đang là trách nhiệm chính của lực lượng QLTT. Ở Việt Nam hiện nay, việc xâm phạm SHTT và hàng giả rất lớn, hàng giả tại Việt Nam xuất hiện dưới hai hình thức: sản xuất trong nước và nhập lậu.

Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn lực lượng QLTT xử lý gần 17.000 vụ việc liên quan đến hàng giả. Hiện, đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến SHTT bởi thẩm quyền của QLTT Việt Nam không được bao trùm và rộng như Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường nhà nước Trung Quốc, làm cho chất lượng xử lý các vụ việc chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang ký nhiều Hiệp định thương mại tư do với các nước, qua đó đòi hỏi công tác bảo vệ quyền SHTT rất cao, đi cùng với đó trách nhiệm của lực lượng QLTT đối với lĩnh vực này là rất lớn Trong thời gian qua, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã chủ động đề xuất với Tổng cục QLTT trong việc phòng chống hàng giả, nhất là khi TMĐT đang phát triển. Trong vòng 3-4 năm trở lại đây, đặc biệt sau dịch Covid-19, tốc độ mua hàng trên online rất lớn, đi cùng với đó là vấn nạn xâm phạm quyền SHTT trên thị trường mua bán online. Đây là khó khăn lớn nhất của lực lượng QLTT.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án chống hàng giả trên thương mại điện tử. Bộ Công Thương là Tổ trưởng của Tổ công tác triển khai đề án này. Hiện nay Tổ công tác đang gấp rút xây dựng chương trình, hành động để ngăn chặn xâm phạm quyền SHTT trên môi trường TMĐT.

Liên quan đến lĩnh vực ATTP, cũng giống như Trung Quốc, hiện công tác ATTP được Chính phủ, các bộ ngành của Việt Nam đặc biệt quan tâm. Việc quản lý ATTP tại Việt Nam trách nhiệm chính được giao cho Bộ y tế. Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương là thành viên có trách nhiệm tham gia cùng. Do Tổng cục QLTT có chức năng đi xử phạt vi phạm hành chính, vì thế là lực lượng chủ yếu đi kiểm tra và xử phạt đối với lĩnh vực này.

Minh chứng cho thông tin này, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, trong 3 năm gần đây, lực lượng QLTT đã xử lý 42.000 vụ việc vi phạm về ATTP. Tổng cục QLTT cũng thường xuyên có kế hoạch triển khai chuyên đề về ATTP: Tháng an toàn thực phẩm, cao điểm kiểm tra về ATTP như Trung Thu, trước, trong và sau Tết nguyên đán…

Liên quan đến công tác bảo vệ người tiêu dùng, theo Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh, ở Việt Nam hiện nay có Ủy ban Cạnh tranh quốc gia chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên Uỷ ban này chủ yếu xây dựng chính sách, tuyên truyền vận động giải quyết thắc mắc của người tiêu dùng. Vấn đề xử phạt lại là trách nhiệm của QLTT. Bắt đầu từ năm 2018, Tổng cục QLTT triển khai và đẩy mạnh hoạt động của Tổng đài hotline trong tiếp nhận thông tin cũng như tố giác của người tiêu dùng. Mỗi địa phương đều có hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng. “Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến công tác này nhằm lành mạnh thị trường, tạo niềm tin cho DN, nhất là DN đầu tư nước ngoài” Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nói.

Bên cạnh đó, theo Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh, giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn do vậy hàng hóa giữa hai nước thông thương rất nhiều, công tác chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ ATTP giữa hai Tổng cục rất quan trọng.

Hiên nay, Tổng cục có Vụ Thanh tra Kiểm tra, một trong những nhiệm vụ chính là kiểm tra nội bộ qua đó phát hiện ra những sai phạm để xử lý. Có nhiều cơ quan kiểm tra, giám sát giám sát hoạt động của Tổng cục QLTT. Đơn cử như, Bộ Công Thương có đơn vị Thanh tra chuyên kiểm tra hoạt động nghiệp vụ của Tổng cục QLTT.

Kế hoạch triển khai MOU, Tổng cục QLTT hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Tổng cục quản lý giám sát thị trường nhà nước Trung Quốc, ngay sau khi được ký kết, Bộ trưởng đã chỉ đạo rất cụ thể đề nghị Tổng cục QLTT làm đầu mối xây dựng kế hoạch chi tiết. Theo đó, hai bên sẽ chia sẻ thông tin lẫn nhau trong nhận diện vi phạm về hàng giả; hàng năm sẽ tổ chức họp, cập nhật thông tin. Tổng cục QLTT hoàn toàn nhất trí về việc thành lập Tổ công tác. Liên quan đến công tác đào tạo, đây là mong muốn của Tổng cục QLTT mong muốn được cập nhật những kiến thức về phòng chống vi phạm SHTT, hàng giả và ATTP.

Chương trình Hội đàm diễn ra trong không khí cởi mở, các trao đổi chia sẻ đều được hai Bên tiếp thu, nắm bắt kịp thời làm tiền đề vững chắc cho việc triển khai MOU trong thời gian tới. Kết thúc Hội đàm tại Trụ sở Tổng cục QLTT, Đoàn công tác Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc đã có chuyến thăm và làm việc trực tiếp tại 02 doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thanh Bình đại diện Lãnh đạo Tổng cục tham gia Chương trình làm việc.

Đoàn công tác làm việc tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương

Ông Nguyễn Duy Hồng (ảnh giữa), Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương chia sẻ với Đoàn Công tác về tình hình hoạt động của DN

Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thanh Bình thay mặt Lãnh đạo Tổng cục tham gia Đoàn làm việc

Ông Huống Húc, Cục trưởng Cục Thanh tra thực thi pháp luật, Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường nhà nước Trung Quốc đang tìm hiểu sản phẩm của Công ty cổ phẩn Thực phẩm Minh Dương

Bà Vương Bách Cầm, Hàm Phó Vụ trưởng Vụ Kinh doanh thực phẩm (ngoài cùng bên phải) cùng thành viên Đoàn công tác đang tìm hiểu về sản phẩm của Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương

Đoàn Công tác chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương

Đoàn làm việc tại Công ty TNHH Medicon

Theo kế hoạch, Đoàn sẽ tiếp tục làm việc với Cục QLTT thành phố HCM vào thứ 5, ngày 21/9. Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thành Nam sẽ chủ trì buổi làm việc.


Nguồn:Tổng cục Quản lý thị trường Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website