Đàm phán Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc
1.Quyết định khởi động đàm phán:
Tại công văn số 4296/VPCP-QHQT ngày 14 tháng 6 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế thành lập Nhóm đàm phán FTA Việt Nam – Hàn Quốc trực thuộc Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, bao gồm đại diện từ Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan.
2. Cơ quan chủ trì đàm phán:
Bộ Công Thương – Nhóm đàm phán FTA Việt Nam – Hàn Quốc
3. Đối tác đàm phán: Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc
4. Khởi động nghiên cứu khả thi:
Tháng 10 năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Park đã ra Tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc, trong đó nêu “Hai bên nhất trí trong năm 2009 sẽ bắt đầu trao đổi ý kiến về việc thành lập Nhóm Công tác chung để nghiên cứu khả năng thúc đẩy và tính khả thi của “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc” nhằm mở rộng hợp tác kinh tế thương mại đầu tư.”
Thực hiện chỉ đạo trên, tháng 3 năm 2010, hai nước đã thành lập Nhóm Công tác chung về FTA Việt Nam – Hàn Quốc với thành phần là đại diện các cơ quan Chính phủ, cơ quan nghiên cứu của hai nước với mục đích thực hiện các nghiên cứu chung về tính khả thi của việc ký kết một hiệp định FTA song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Sau hơn một năm tích cực nghiên cứu, Nhóm Công tác chung đã hoàn thành Báo cáo chung trình lên Lãnh đạo Cấp cao hai nước xem xét, cho ý kiến chỉ đạo vào tháng 11 năm 2011.
Nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc vào cuối tháng 3/2012 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, hai Bên đã khẳng định “Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế cùng có lợi, hai Bên sẽ tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do FTA song phương sau khi hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết tại mỗi nước”.
5. Tóm tắt kết quả nghiên cứu khả thi:
Báo cáo chung gồm 5 chương, với các nội dung chính như sau:
Chương I: Giới thiệu
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992 đến nay, Hàn Quốc và Việt Nam đã phát triển mối quan hệ trên tinh thần xây dựng và hướng tới tương lai dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Trên cơ sở phát triển quan hệ hợp tác, hai nước đã nhất trí nâng cấp mối quan hệ lên thành quan hệ "đối tác hợp tác chiến lược" tại Hội nghị Cấp cao song phương năm 2009.
Hai nước cũng đã và đang hợp tác chặt chẽ trong các khuôn khổ đa phương như ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN +3, ASEAN + 6, APEC, ASEM, WTO, … Đặc biệt, năm 2007, Việt Nam và các nước ASEAN khác đã ký một FTA với Hàn Quốc (AKFTA), trong đó Hiệp định thương mại hàng hóa (TIG) có hiệu lực từ tháng 6 năm 2007, Hiệp định thương mại dịch vụ (TIS) có hiệu lực từ tháng 5 năm 2009, và Hiệp định đầu tư (IA) có hiệu lực từ tháng 9 năm 2009.
Hiệp định AKFTA dự kiến sẽ trở thành một bước đệm đưa quan hệ thương mại ASEAN - Hàn Quốc lên một tầm cao mới toàn diện hơn. Tuy nhiên, do nền tảng đa dạng, cơ cấu kinh tế và mức độ phát triển khác nhau của các nước thành viên ASEAN nên đòi hỏi một số lĩnh vực cần được tự do hóa hơn hoặc cần mở ra khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn nữa.
Nhân dịp Hội nghị cấp cao song phương năm 2009, hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Hàn Quốc đã nhất trí sẽ bắt đầu thảo luận về việc thành lập Nhóm Công tác chung để nghiên cứu khả năng và tính khả thi của một FTA song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai nước, các cơ quan hữu quan của hai nước đã thành lập Nhóm Công tác chung vào đầu năm 2010 và nhất trí tổ chức các phiên họp luân phiên, sau đó trình Báo cáo chung vào năm 2011.
Chương II: Tổng quan về quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc
Trong hợp tác thương mại và đầu tư song phương đã có sự gia tăng đáng trong hai thập kỷ qua. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ 500 triệu đô la Mỹ năm 1992 lên 13 tỷ đôla Mỹ năm 2010, tăng 26 lần trong 18 năm qua. Năm 2010, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Hàn Quốc.
Đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp. Tuy nhiên, Việt Nam luôn chịu nhập siêu từ Hàn Quốc, mặc dù tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc luôn cao hơn tăng trưởng nhập khẩu.
Việt Nam là nước nhận viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Hàn Quốc và Hàn Quốc cũng là nước cung cấp ODA lớn thứ 2 cho Việt Nam. Việt Nam đã nổi lên như một đối tác chiến lược cho các công ty Hàn Quốc và như một điểm đến quan trọng cho đầu tư của Hàn Quốc. Tính đến tháng 7 năm 2010, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam với 2570 dự án tính theo số lũy kế và vốn đăng ký đạt trên 22,9 tỷ USD. Hơn 2.500 công ty Hàn Quốc tại Việt Nam, thuê khoảng 400.000 lao động với các cơ sở sản xuất quy mô lớn như thiết bị điện tử và thép.
Mối liên kết giữa Thương mại và Đầu tư
Qua nghiên cứu mối liên hệ giữa thương mại và đầu tư giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, Nhóm nghiên cứu rút ra một số kinh nghiệm để xây dựng chính sách về đầu tư và thương mại. Thứ nhất, cần hoàn thiện chiến lược phát triển kinh tế trung và dài hạn cần. Thứ hai, cần đánh giá một cách cân bằng các lợi ích của đầu tư nước ngoài (FDI), có tính đến các khía cạnh đa chiều của đầu tư FDI, đặc biệt là đóng góp của khu vực này vào phát triển xuất khẩu. Thứ ba, Việt Nam cần xây dựng một chính sách rõ ràng để thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Chương III: Tác động của Hiệp định AKFTA đối với quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc
Hiệp định AKFTA bao gồm 3 cấu phần chính là Hiệp định thương mại hàng hóa - TIG (ký tháng 8/2006, có hiệu lực từ tháng 6/2007), Hiệp định thương mại dịch vụ - TIS (ký tháng 11/2007, có hiệu lực từ tháng 5/2009), và Hiệp định đầu tư - IA (ký tháng 6/2009, có hiệu lực từ tháng 9/2009).
Sau khi thực hiện TIG, trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc được cải thiện mạnh mẽ, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng. Xuất khẩu của cả Việt Nam và Hàn Quốc đều tăng, trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn. Cùng với đó, cán cân thương mại cũng có xu hướng mất cân bằng lớn hơn. Thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam từ Hàn Quốc tăng từ mức 2,1 tỷ USD năm 2003, lên 4 tỷ USD năm 2007 và 6,7 tỷ USD năm 2010. Tuy nhiên, tỷ lệ thâm hụt thương mại của Việt Nam trên tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đã giảm từ 433,3% năm 2003 xuống còn 325,7% vào năm 2007, và 215,7% vào năm 2010.
Cho đến nay, hiệp định AKFTA là văn bản pháp lý toàn diện nhất điều chỉnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc thông qua thực hiện tự do hóa và thúc đẩy thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư theo lộ trình đã được hai bên thống nhất.
Hiệp định AKFTA đã có một số tác động tích cực với cả hai nước. Tuy nhiên mức độ tác động với mỗi nước khác nhau, phụ thuộc vào trình độ phát triển, cơ cấu và khả năng hấp thụ của từng nền kinh tế. Trong khi các tác động của TIG trong AKFTA đã được phản ánh qua sự phát triển mạnh mẽ trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc; thì tác động của TIS và IA vẫn chưa rõ ràng do hai hiệp định này mới có hiệu lực không lâu.
Hiệp định AKFTA cũng có những hạn chế trong việc cân bằng thương mại song phương, do bị ảnh hưởng phần lớn bởi cấu trúc kinh tế khác nhau và việc gia tăng đầu tư của Hàn Quốc sang Việt Nam; sự hiệu quả của các quy tắc thương mại và sự mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ hợp tác khu vực về SPS, TBT và các vấn đề khác, việc hợp tác song phương hơn cần được thúc đẩy hơn nữa để mang lại kết quả thiết thực hơn.
Chương IV: Lượng hóa các tác động kinh tế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc
Nhóm nghiên cứu của Việt Nam và Hàn Quốc đã thực hiện hai nghiên cứu độc lập sử dụng hai mô hình định lượng khác nhau để mô phỏng các tác động có thể có về kinh tế của một FTA song phương đối với hai nền kinh tế. Nhìn chung, hai nghiên cứu này đều đưa ra các kết quả tương tự nhau. Theo đó, FTA song phương sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho cả hai nền kinh tế. Các tiêu chí như GDP, phúc lợi xã hội, thu nhập của người lao động… đều được cải thiện đáng kể. Trong khi Việt Nam sẽ được hưởng tốc độ tăng trưởng GDP tăng thêm cao hơn so với Hàn Quốc, thì phúc lợi xã hội của Hàn Quốc sẽ được cải thiện nhiều hơn của Việt Nam.
Trên cơ sở cơ cấu thương mại hiện tại và đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam, nghiên cứu cũng gợi ý rằng một FTA song phương nếu có có thể đặt ra một số thách thức như khả năng mở rộng sự mất cân bằng thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc, mặc dù Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc và phần còn lại của thế giới có thể tăng. Việt Nam sẽ giảm được sự phụ thuộc vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu từ Hàn Quốc, tùy thuộc vào sự phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam như thế nào.
Báo cáo chung cũng lưu ý rằng kết quả của nghiên cứu này không phải là bất biến do các nội dung của FTA Việt Nam – Hàn Quốc vẫn chưa được thảo luận cụ thể.
Chương V: Kết luận và kiến nghị về chính sách
Trên cơ sở phân tích trong các chương từ 1 đến 4, Nhóm Công tác chung đã đánh giá đầy đủ về những lợi ích và thách thức mà một FTA song phương có thể sẽ mang lại cho cả hai nền kinh tế. Nhóm cũng đưa ra nguyên tắc cơ bản, dự kiến khung nội dung có thể có của môt FTA song phương trong trường hợp khởi động đàm phán, đồng thời kiến nghị Chính phủ hai nước chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền hoàn thành các thủ tục nội bộ và xem xét thời điểm thích hợp để chính thức khởi động đàm phán.
6. Các hiệp định, thỏa thuận mở cửa thị trường tiêu biểu mà Hàn Quốc đã ký với bên thứ 3
• Các FTA đã có hiệu lực
o Hiệp định FTA Hàn Quốc - Chi Lê
o Hiệp định FTA Hàn Quốc-Singapore
o Hiệp định FTA Hàn Quốc-EFTA
o Hiệp định FTA Hàn Quốc-ASEAN
o Hiệp định CEPA Hàn Quốc-Ấn Độ
o Hiệp định FTA Hàn Quốc-EU
o Hiệp định FTA Hàn Quốc-Pê ru
o Hiệp định FTA Hàn Quốc-Hoa Kỳ
• Các FTA đã ký
o Hiệp định FTA Hàn Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ ( ※ Hiệp định khung và Hiệp định về Hàng hóa)
o Hiệp định FTA Hàn Quốc-Cô lôm bi a
• Các FTA đang trong quá trình đàm phán
o Hiệp định FTA Hàn Quốc-Ca na đa
o Hiệp định FTA Hàn Quốc-Mê xi cô
o Hiệp định FTA Hàn Quốc-GCC
o Hiệp định FTA Hàn Quốc-Ốt tray li a
o Hiệp định FTA Hàn Quốc-Niu Di lân
o Hiệp định FTA Hàn Quốc- Trung Quốc
o Hiệp định FTA Hàn Quốc- Việt Nam
o Hiệp định FTA Hàn Quốc- In đô nê xi a
• Các FTA đang xem xét đàm phán
o Hiệp định FTA Hàn Quốc-Nhật Bản
o Hiệp định FTA Hàn Quốc-Trung Quốc-Nhật bản
o Hiệp định FTA Hàn Quốc-MERCOSUR
o Hiệp định FTA Hàn Quốc- Israel
o Hiệp định FTA Hàn Quốc- Trung Mỹ
o Hiệp định FTA Hàn Quốc-Ma lay xi a
Tham khảo theo đường link:
http://www.mofat.go.kr/ENG/policy/fta/status/overview/index.jsp?menu=m_20_80_10
7. Các Hiệp định, thỏa thuận mở cửa thị trường tương đương của Việt Nam:
Các FTA, Việt Nam tham gia với tư cách là thành viên trong ASEAN
a. CEPT/AFTA
b. Hiệp định FTA ASEAN – Trung Quốc (ACFTA)
c. Hiệp định EPA ASEAN – Nhật Bản (AJEPA)
d. Hiệp định FTA ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA)
e. Hiệp định ASEAN – Ân Độ (AIFTA)
f. Hiệp định FTA ASEAN – Ốt xây li a – Niu Di lân (AANZFTA)
Các FTA, Việt Nam đàm phán song phương
g. Hiệp định EPA Viet Nam – Nhật Bản
h. Hiệp định FTA Việt Nam – Chi Lê
8. Các tài liệu liên quan:
Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc cung cấp thông tin về quá trình nghiên cứu chung và khởi động đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc
9. Hoạt động dành riêng cho doanh nghiệp bên lề đàm phán: Hiện chưa có