A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thách thức trong tận dụng cơ hội từ các FTA

Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đặc biệt là việc rốt ráo ký kết, thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích thiết thực, nhất là thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, "nội soi" vào công cuộc tham gia FTA thời gian qua, phải thừa nhận, hiệu quả tận dụng ưu đãi từ các FTA vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Thời gian qua, Việt Nam tham gia hàng loạt FTA. Trong khi các DN đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa thì kết quả XK đạt được vẫn còn những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, điểm đáng lưu ý, cắt giảm thuế quan theo lộ trình cam kết trong các FTA đã tác động mạnh mẽ tới số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động XNK.

Xuất khẩu chưa như kỳ vọng

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước tham gia khá nhiều FTA khi có tới 16 FTA. Trong đó, 10 FTA đã ký kết, có hiệu lực. Liên quan tới tận dụng cơ hội từ các FTA, đặc biệt là tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi đối với các mặt hàng XK, số liệu của Cục Xuất nhập khẩu và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy: Nửa đầu năm nay, các tổ chức cấp C/O đã cấp 458.285 bộ C/O ưu đãi với trị giá 22,7 tỷ USD, tăng 36% về trị giá và tăng 33% về số lượng hồ sơ so với cùng kỳ năm 2017. Tổng kim ngạch hàng hóa XK sử dụng các loại C/O ưu đãi trong 6 tháng đầu năm đạt 20,4 tỷ USD, chiếm 38% tổng kim ngạch XK sang các thị trường ký FTA. Trong khi đó, những năm đầu thực hiện FTA, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi chỉ là 10%.

Việc tham gia các FTA là chủ trương đúng đắn bởi trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu, muốn phát triển, Việt Nam không thể đứng ngoài "cuộc chơi". Tuy nhiên, nhìn xuyên suốt cả quá trình tham gia các FTA, dễ thấy, Việt Nam chưa thực sự tận dụng tốt những ưu đãi, cơ hội mở ra.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho hay: Trước tiên cần khẳng định rằng, FTA mở ra nhiều cơ hội XK, song Việt Nam chưa khai thác hết được những ưu đãi về thương mại hàng hóa. Các mặt hàng sản xuất, XK truyền thống như dệt may, da giày... được đẩy mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu làm gia công, chi phí lao động cao. Các mặt hàng truyền thống khác như gạo, tiêu, điều, cà phê…, với những ưu đãi thuế quan, các FTA mở ra cơ hội chế biến sâu hơn cho ngành hàng nhưng Việt Nam chưa làm được.

"Mở cửa cho mặt hàng XK là ích lợi lớn nhất từ các FTA. Tuy nhiên, đến nay, XK của Việt Nam mới lớn lên về số lượng còn chưa thay đổi về cơ cấu, tính chất mặt hàng để tham gia sâu hơn, bền vững hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Gia tăng XK theo kiểu 1 cộng thêm 1 chứ không phải phát triển theo cấp số nhân", ông Huỳnh nói.

Ở khía cạnh thứ hai, ông Huỳnh cho rằng, Việt Nam chưa khai thác được hết các thị trường XK. Kỳ vọng mở rộng thị trường với các FTA rất lớn. Tuy nhiên, trong khi XK sang các thị trường mới chưa làm được thì ở các thị trường XK truyền thống, Việt Nam cũng chưa khai được lợi thế để thúc đẩy XK một số sản phẩm có tiềm năng, điển hình như câu chuyện XK ớt, tỏi, hành... "Với các thị trường XK quen thuộc, Việt Nam chỉ có lợi thế "đi trước đón đầu" nhờ ký kết FTA trước, song chưa tìm được các thị trường nhỏ, ngách trong thị trường truyền thống. Ví dụ như chưa tận dụng được đồng bào Việt Nam ở nước ngoài để khai thác thị trường. Những điều như vậy tuy nhỏ nhưng tôi cho rằng sẽ giúp ích nhiều, tận dụng tốt, từ đó Việt Nam mới có thể phát triển sản xuất lớn", ông Huỳnh nêu quan điểm.

Xoay quanh câu chuyện thúc đẩy XK nhờ các FTA, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) phân tích: Tính tổng giá trị, thời gian qua, FTA giúp XK hàng hóa của Việt Nam tăng mạnh, song chủ yếu tăng ở khối DN FDI. DN FDI xuất siêu thì Việt Nam xuất siêu và ngược lại. Như vậy, với Việt Nam, mục tiêu tham gia FTA để gia tăng XK đã đạt được, song đối tượng hưởng lợi chính là DN FDI, còn DN nội địa chưa đáp ứng được những yêu cầu của FTA nên khả năng tận dụng còn thấp. "Cách đây khoảng 10 năm, DN FDI chỉ chiếm khoảng 40% tỷ trọng XK thì đến nay con số này là trên 70%. Suốt từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến nay, xu hướng là tỷ trọng XK của DN nội địa đi xuống và DN FDI liên tục đi lên. Tôi cho rằng, với FTA, Nhà nước mất rất nhiều công sức để tham gia đàm phán, khá tốn kém, song lợi ích đem lại chưa như kỳ vọng”, TS. Lê Quốc Phương nhấn mạnh.

Cạnh tranh gay gắt ở "sân nhà"

Với XK, Việt Nam chưa tận dụng được hết những cơ hội, còn ngay tại nội địa, việc mở cửa hoàn toàn thị trường theo đúng cam kết tại các FTA lại đặt DN Việt, hàng Việt vào tình thế khó khăn.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá: Sức cạnh tranh của DN Việt, hàng Việt còn thấp, dễ bị lấn át trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại, DN ngoại. Các FTA luôn có sự bất cân bằng trong các ưu đãi về thuế, mức cắt giảm dòng thuế với các nhóm đối tượng khác nhau. Điều này sẽ tạo ra những nhóm đối tượng "bị tổn thương". Với Việt Nam, ngành dịch vụ nói chung đóng cửa quá lâu, sức chống chịu thấp nên khi mở cửa nền kinh tế tạo ra cú sốc cho toàn ngành. Mở cửa, hội nhập kinh tế càng sâu rộng, các lĩnh vực dịch vụ như bán lẻ, logistics, du lịch… sẽ bị ảnh hưởng, tác động càng nhiều.

Liên quan tới vấn đề này, TS. Lê Quốc Phương chia sẻ thêm: Với các FTA, Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn thị trường cho DN nước ngoài vào bán hàng và đầu tư với những ưu đãi. Trong các FTA thế hệ mới, nhà đầu tư được trao quyền rất rộng, giảm mạnh quyền của Chính phủ, thậm chí có thể nói là “bó tay” Chính phủ. Khi DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nếu pháp luật Việt Nam đưa ra hạn chế nhất định mà phía DN cho rằng ảnh hưởng, DN có quyền kiện ra tòa án quốc tế khu vực hoặc thế giới do DN lựa chọn. DN thắng kiện thì Chính phủ Việt Nam phải bồi thường. Có thể thấy, các DN ngoại tham gia đầu tư vào Việt Nam được trao quyền rất lớn. Trong khi đó, nhiều ngành kinh tế như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ tài chính, đầu tư, nông nghiệp… đều còn kém, cũng như như năng lực cạnh tranh của DN Việt, hàng Việt còn yếu kém, rõ ràng các ngành kinh tế của Việt Nam rất dễ thua trên “sân nhà”.

Tốc độ tăng thu ngân sách đi xuống

Ngoài câu chuyện tận dụng cơ hội XK cũng như sự cạnh tranh tại thị trường nội địa, ở góc độ số thu ngân sách nhà nước qua hàng hóa XNK do ngành Hải quan thực hiện, việc thực hiện các cam kết thuế quan đã ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ tăng thu ngân sách. Nếu như giai đoạn 2007-2014, tốc độ thu trung bình tăng trên 10%/năm thì đến năm 2015 tốc độ này chỉ tăng khoảng 3,6%. Con số này ở năm 2016 là 3,8%.

Theo bà Trần Kim Hà, Phó trưởng Phòng Dự toán- Quản lý thu ngân sách, Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan): Xét số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan trong giai đoạn 2007-2017 cho thấy, số thu từ hoạt động XNK tăng lên nhưng số thu thuế NK chiếm tỷ trọng giảm dần. Nếu như năm 2007, số thuế NK chiếm 31% trong tổng thu của ngành Hải quan thì đến tháng 11/2017 chỉ chiếm 21,6% trong tổng thu.

Bà Hà phân tích: Việc thực hiện các cam kết quốc tế hội nhập về thuế quan nhằm thu hút và góp phần gia tăng đầu tư nước ngoài, giảm chi phí đầu vào cho DN, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó làm gia tăng kim ngạch XNK, có tác động lan tỏa trong toàn bộ nền kinh tế trong việc tăng thu ngân sách nhà nước từ các sắc thuế nội địa khác như thuế Thu nhập DN, Thu nhập cá nhân... Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết FTA cũng khiến số thu ngân sách từ thuế NK sụt giảm, ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách nhà nước nói chung. Các FTA tác động giảm thu trực tiếp từ lượng và trị giá hàng hóa NK từ các nước đã ký kết. Ngoài ra, FTA còn gây giảm thu gián tiếp từ việc “chuyển hướng thương mại”, nghĩa là các nhà NK chuyển hướng sang nhập từ các nước có cam kết FTA để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt thay vì NK từ các nước ngoài FTA như trước đây.

Theo tính toán của Tổng cục Hải quan, cập nhật tới hết tháng 7/2018, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động XNK giảm khoảng 16.400 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến còn phải hoàn từ mặt hàng xăng dầu 5.000 tỷ đồng do DN xuất trình C/O form AK và form D. Mặt hàng thứ hai là ô tô nguyên chiếc, 7 tháng đầu năm giảm khoảng 2.970 tỷ đồng. Với lộ trình cắt giảm thuế quan, việc giảm thu thuế do thực hiện các cam kết khi tham gia các FTA năm 2018 sẽ làm số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan giảm khoảng 30.150 tỷ đồng. Dự báo thời gian tới, các FTA sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đối với số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan.

Theo Bộ Công Thương: Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 10 FTA, kết thúc đàm phán 2 FTA, đang đàm phán 4 FTA khác. Trong 10 FTA đã ký kết và thực thi có 6 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN (gồm AFTA, 5 FTA giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và New Zealand), 4 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập (Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu). 2 FTA đã kết thúc đàm phán là FTA với Liên minh châu Âu và Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 4 FTA còn lại đang được đàm phán bao gồm: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA ASEAN- Hồng Kông, FTA với Israel và FTA với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA).

 

Tác giả: Nguyễn Thanh - Bài đăng trên Báo Hải quan ngày 25/9/2018

Tác phẩm đạt giải Khuyến khích - Giải báo chí 70 năm ngành Công Thương


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website