Tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức về Hiệp định RCEP tại các địa phương
Với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở Công Thương nhiều địa phương đã phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức để hướng dẫn doanh nghiệp có thêm kỹ năng trong quá trình tiếp cận, gia nhập thị trường, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định RCEP với thị trường rộng mở.
Ngày 30/10, tại xã Tam Đa (Phù Cừ), Sở Công Thương Hưng Yên phối hợp với Hội Nông dân huyện Phù Cừ tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế với chủ đề: “Tổng quan về việc thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) – Xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc”.
Tại hội nghị, các đại biểu được giới thiệu tổng quan về hội nhập kinh tế quốc tế; tình hình xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc; những cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam, của tỉnh vào thị trường Trung Quốc trong điều kiện thực hiện Hiệp định RCEP; những vấn đề đặt ra và giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của tỉnh Hưng Yên sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, các đại biểu được giải đáp những ý kiến liên quan về thông tin về thị trường; quy tắc xuất xứ; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật; cam kết về nhãn hiệu; quy định nhập khẩu nông sản của Trung Quốc...
Liên quan đến tuyên truyền về Hiệp định RCEP, trước đó, ngày 15/8, Sở Công Thương Hưng Yên phối hợp với Hội Nông dân huyện Khoái Châu tổ chức hội nghị phổ biến kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho 230 hội viên Hội Nông dân huyện Khoái Châu.
Hội viên Hội Nông dân huyện Khoái Châu tham dự Hội nghị phổ biến kiến thức ngày 15/8 (Ảnh: Báo Hưng Yên)
Sáng 02/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến về “Tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP và các giải pháp thực hiện".
Hội nghị đã thông tin đến đại biểu về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia-New Zealand; quy định của một số thị trường đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ Việt Nam; quản lý chất lượng nông sản thực phẩm xuất khẩu vào thị trường EU, RCEP và những vấn đề cần lưu ý; giới thiệu công nghệ sơ chế, bảo quản một số sản phẩm nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường; giải pháp đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh, động thực vật khi xuất khẩu nông sản thực phẩm.
Đây là những thông tin có giá trị, hữu ích, đặt ra nhiệm vụ, yêu cầu đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân, từ đó có những giải pháp phù hợp để hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu, cách tiếp cận thủ tục tham gia xuất khẩu vào các thị trường lớn.
Văn phòng SPS Việt Nam trước đó cũng đã tổ chức hội nghị Phổ biến các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật trong Hiệp định RCEP tại Lạng Sơn, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh lân cận cùng hơn 30 đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản.
Cuối tháng 7/2024, Sở Công Thương Phú Yên tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP), thị trường, quy tắc xuất xứ hàng hóa đối với thị trường giữa các nước trong hiệp định cho hơn 40 đại diện doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Tại đây, đại diện Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực TP Hồ Chí Minh đã phổ biến về nội dung truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, quy định về chế độ thuế quan phổ cập (GSP) cho đại diện lãnh đạo, bộ phận chuyên môn của các doanh nghiệp, cơ sở. Đồng thời hướng dẫn cách chọn FTA, chọn form C/O để mang lại lợi thế tối ưu cho hàng xuất khẩu; quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP tập trung cho các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh như thủy, hải sản, tinh bột sắn, nông sản, gỗ...
Các hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức đã giúp doanh nghiệp và người dân tại các địa phương hiểu hơn về Hiệp định RCEP nói riêng và các FTA nói chung. Nhờ đó, các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN và các đối tác; mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất - nhập khẩu hàng hóa và nhập khẩu máy móc thiết bị với công nghệ hiện đại; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan; góp phần gia tăng nguồn vốn FDI vào Việt Nam.