VEAM công tác tái cơ cấu đã mang lại kết quả tích cực
Nhờ làm tốt công tác tái cơ cấu, VEAM đã đạt được những kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2022.
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM, MCK: VEA) ghi nhận những kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2022 nhờ làm tốt công tác tái cơ cấu khi mà lãi ròng trong 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp đạt 4.673 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch cả năm 2022.
Giảm lỗ tại các công ty con
VEAM mới đây đã công bố báo cáo sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 với nhiều tín hiệu khả quan và tích cực.
Giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tổng công ty ước 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.956 tỷ đồng đạt 54% kế hoạch năm, doanh thu ước đạt 2.498 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và đạt 49% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế ước đạt 4.787 tỷ vượt 2% kế hoạch cả năm 2022.
Không chỉ hoàn thành kế hoạch về lợi nhuận cả năm trước thời hạn 6 tháng, bên cạnh đó, Công ty mẹ cũng có những bước tăng trưởng ổn định, đặc biệt một số công ty con của VEAM sản xuất kinh doanh kém hiệu quả trong những năm trước đã bắt đầu giảm lỗ và từng bước hoạt động có hiệu quả trong 6 tháng đầu năm 2022. Hầu hết các công ty con đều đạt kết quả khá tốt về doanh thu. Điều này cho thấy những giải pháp tái cơ cấu sản xuất từng bước tháo gỡ khó khăn của Tổng công ty đã mang lại những thay đổi tích cực.
Ông Nguyễn Khắc Hải- Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM - chia sẻ: “Hiện đã có 9/13 chi nhánh, công ty con của Tổng công ty làm ăn có lãi, còn lại 4 đơn vị tiếp tục lỗ tuy vậy số tiền lỗ cũng đã giảm dần so với các năm trước. Đặc biệt giá trị xuất khẩu đã đạt 24,3 triệu USD/43 triệu USD theo kế hoạch. Đây là điểm sáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng công ty trong bối cảnh dịch bệnh và bất ổn về chính trị tại một số thị trường xuất khẩu chủ lực của chúng tôi”.
Ông Nguyễn Khắc Hải- Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM khẳng định các công ty con của Tổng công ty bắt đầu làm ăn có lãi |
Điển hình như: Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu tăng lần lượt 11% và 6% so với cùng kỳ 2021 và đều đạt trên 50% kế hoạch cả năm, giảm lỗ 1,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021; Công ty TNHH MTV cơ khí Trần Hưng Đạo có giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2021, giảm lỗ 0,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó Viện Công nghệ giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu đều lần lượt đạt 104% và 95% so với cùng kỳ và đạt trên 50% so với kế hoạch cả năm, giảm lỗ 0,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, Nhà máy ô tô VEAM cũng đã bắt đầu có lãi với lợi nhuận 4,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022…
Trong khi đó nhóm 4 công ty TNHH MTV Diesel Sông Công, Công ty SVEAM, Công ty Cổ phần Phụ tùng máy số 1, Công ty Cơ khí Phổ Yên tiếp tục vai trò dẫn dắt với doanh thu lớn, đóng góp trên 80% doanh thu của Tổng công ty.
Lãi ròng 4.673 tỷ đồng
Đáng chú ý, trong báo cáo được doanh nghiệp công bố giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của Công ty mẹ đạt 284,2 tỷ đồng bằng 59% kế hoạch cả năm và tương đương với 110% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi doanh thu bán hành và cung cấp dịch vụ đạt 322,4 tỷ đồng bằng 50% kế hoạch cả năm và bằng 94% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu tài chính vẫn là lĩnh vực mang lại nguồn thu lớn cho Tổng công ty khi mà 6 tháng đầu năm con số này đạt 4.777 tỷ đồng bằng 89% kế hoạch cả năm và tương đương với 91% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt 4.673 tỷ đồng bằng 104% kế hoạch cả năm 2022.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều khó khăn vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, điển hình là quá trình xử lý hàng tồn kho tại Nhà máy ô tô VEAM, đây được xem là tồn tại rất lớn của Tổng công ty.
Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM - cho biết, thời gian qua những khó khăn mà đơn vị gặp phải đó là thiếu linh kiện phục vụ sản xuất do dịch bệnh cũng như chi phí sản xuất tăng cao do giá thành nguyên nhiên vật liệu đầu vào. Cùng với đó là vấn đề hàng tồn kho đã 3 lần được tổ chức đấu giá nhưng chưa xử lý được do giá thành còn quá cao. Do vậy, chúng tôi mong rằng Tổng công ty sớm có quyết định đấu giá hàng tồn kho lần thứ 4.
Đối với việc tiêu thụ xe tồn kho lâu năm tại Nhà máy ô tô VEAM, ông Nguyễn Khắc Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty - cho biết: Hiện chúng tôi đã báo cáo, xin ý kiến Bộ Công Thương về việc tổ chức đấu giá lần thứ 4. Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương, Tổng công ty sẽ chỉ đạo Nhà máy để có phương án triển khai thực hiện.
Chia sẻ về sự tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2022, ông Phan Phạm Hà -Tổng giám đốc VEAM - chia sẻ: “Tiếp đà tăng trưởng trong quý I/2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm của Công ty mẹ tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính đạt tỷ lệ cao nhờ ghi nhận khoản lợi nhuận được chia chủ yếu từ Honda Việt Nam và các công ty có vốn góp VEAM khác. Lợi nhuận sau thuế tạm thời ghi nhận vượt 4% so với kế hoạch năm do nhiều khoản thu nhập tài chính đã được thực hiện trong nửa đầu năm 2022 trong khi nhiều khoản chi phí chưa được thực hiện”.
Ông Phan Phạm Hà - Tổng giám đốc VEAM khẳng định sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên |
Cũng theo ông Phan Phạm Hà thì các mục tiêu kế hoạch năm 2022 của Công ty mẹ vẫn là tập trung và các việc tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết hàng tồn kho, công nợ… tìm kiếm đối tác, đưa ra các giải pháp phù hợp đối với các Chi nhánh và từng bước cải thiện hoạt động kinh doanh thương mại của công ty mẹ.
Bên cạnh đó, Tổng công ty tiếp tục rà soát để thực hiện công tác quyết toán cổ phần hóa của đơn vị tại thời điểm chính thức chuyển giao sang công ty cổ phần để báo cáo Bộ Công Thương.
Đẩy mạnh hợp tác nội bộ
Một trong những hoạt động nổi bật của Công ty mẹ VEAM trong những năm qua Công ty mẹ đã xây dựng được các chương trình hợp tác về sản xuất nội bộ, dựa trên thế mạnh của từng đơn vị thành viên, qua đó giúp các đơn vị thành viên nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh dựa trên lợi thế của từng đơn vị.
Là đơn vị luôn nằm trong top các đơn vị dẫn đầu của VEAM về doanh thu, lợi nhuận, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công, ông Hoàng Văn Minh cho biết: “Việc đầu tư đúng hướng đã giúp cho công ty trong thời gian qua nâng cao năng lực sản xuất, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Thời gian tới, đơn vị cam kết sẽ tích cực tham gia chương trình hợp tác sản xuất nội bộ và thực hiện chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sản xuất với các đơn vị thành viên trong Tổng công ty”.
Tuy nhiên ông Minh cũng cho rằng để hợp tác thành công thì ngoài tính chủ động của các đơn vị thì cũng cần phải dựa trên sở trường, lợi thế của từng đơn vị. Đơn cử như đối với lĩnh vực thiết kế sản phẩm, chúng tôi hoàn toàn có thể hợp tác ngay được, còn lĩnh vực sản xuất lại phụ thuộc vào thế mạnh của từng đơn vị cũng như các yêu cầu về dây chuyền sản xuất, năng lực sản xuất, giá thành sản xuất, tiến độ giao hàng, chất lượng sản phẩm… Đơn vị nào đáp ứng được thì hoàn toàn có thể hợp tác.
Ông Nguyễn Văn Hiền- Giám đốc của Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp - chia sẻ, chương trình hợp tác sản xuất nội bộ của VEAM đã có từ nhiều năm nay, hiện đang có 3 đơn vị trong Tổng công ty hợp tác với chúng tôi. Thông qua chương trình hợp tác, chúng tôi đã có thêm việc làm đồng thời được hỗ trợ cả về kỹ thuật, kinh nghiệm đây là điều rất đáng quý.
Ông Hiền cũng đề xuất Tổng công ty sẽ làm đầu mối trong các hoạt động hợp tác bởi hiện trên thị trường số lượng và chủng loại phụ tùng rất lớn, cần sự tham gia định hướng và điều phối của Tổng công ty để các đơn vị có thể tập trung thực hiện công việc theo chiến lược phát triển sẵn có. Tổng công ty sẽ hỗ trợ các đơn vị thực hiện nghiên cứu thị trường, nhu cầu của từng loại sản phẩm, năng lực của từng đơn vị qua đó để có chương trình điều phối cụ thể và phù hợp đến từng đơn vị.
Năm 2021, chương trình hợp tác sản xuất nội bộ của Tổng công ty đã đạt được doanh số 74,3 tỷ đồng và có thể khẳng định xu hướng hợp tác nội bộ đang là xu hướng của nhiều các Tập đoàn, Tổng công ty ở Việt Nam và trên thế giới.
Ông Lê Việt Hùng - Giám đốc Công ty SVEAM - cho rằng bên cạnh việc hợp tác sản xuất các sản phẩm mới thì còn cần nghiên cứu, phát triển các sản phẩm truyền thống đã có thị trường vốn là thế mạnh của VEAM như máy động lực, động cơ diesel.
Ông Lê Việt Hùng đóng góp ý kiến tại chương trình hợp tác sản xuất nội bộ |
“Năm vừa rồi chúng tôi đã đóng góp vào doanh số hợp tác nội bộ của VEAM lên đến 24 tỷ đồng nhưng chủ yếu vẫn dừng lại ở các sản phẩm về động cơ mới, động cơ điện…. Hiện chúng tôi đang phát triển động cơ diesel từ 36-38 mã lực tuy nhiên đây là sản phẩm đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao nên để tìm kiếm được đơn vị hợp tác cũng cần một lộ trình và phương thức phù hợp”, ông Hùng cho biết.
Chia sẻ về kinh nghiệm thành công, ông Nguyễn Đức Chung- Giám đốc Công ty Cổ phần cơ khí Phổ Yên - cho biết, đơn vị đã tập trung vào công tác tiết giảm chi phí và tăng cường hiệu quả quản trị nội bộ, chỉ trong 6 tháng đầu năm chúng tôi đã có 155 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các đề tài, sáng kiến đã làm lợi cho công ty hơn 10 tỷ đồng. Đồng thời, chúng tôi cũng nâng cao năng suất lao động thông qua tự động hóa trong sản xuất, nếu trước kia 01 lao động /máy, thì qua cải tiến 01 người có thể đứng được 2-3 máy”.
Đánh giá về hiệu quả mà chương trình hợp tác nội bộ mang lại ông Phan Phạm Hà - khẳng định, các đơn vị mạnh của Tổng công ty như Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công đã phát huy vai trò dẫn dắt hỗ trợ các đơn vị thành viên trong quá trình hợp tác. Nhờ đó, các đơn vị nhỏ của VEAM đã vượt qua khó khăn. Ngoài ra, những chia sẻ, trao đổi giữa các đơn vị cũng là kinh nghiệm quý báu để chúng ta tiếp thu, tạo cơ sở cho công việc hợp tác và phát triển trong thời gian tới.
“Đơn cử như bài học từ Nhà máy Đúc VEAM từ việc dây chuyền sản xuất dừng hoạt động đột ngột, cho thấy việc tổ chức kiểm tra bảo hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa máy móc định kỳ là rất quan trọng. Đây là bài học không chỉ cho Đúc VEAM mà các đơn vị khác nhìn vào đó để chủ động có kế hoạch trong bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị, đảm bảo công tác sản xuất được ổn định”, ông Hà cho biết.
Ông Phan Phạm Hà cũng khẳng định, Tổng công ty sẽ thực hiện đánh giá, xem xét lợi thế, năng lực từng đơn vị, từ đó điều phối các chương trình hợp tác phù hợp nhằm phát huy tối đa lợi thế của các công ty thành viên để cùng nhau phát triển vì mục tiêu chung.
Sản phẩm máy kéo 2 bánh của VEAM khó cạnh tranh về giá với sản phẩm của Trung Quốc |
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Khắc Hải chỉ ra rằng các đơn vị thành viên cần có sự quan tâm đối với công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đây đang là hạn chế của nhiều công ty trong hành trình nâng cao sức cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tiểu Ban hợp tác sản xuất tại Tổng công ty cũng cần có những hoạt động cụ thể và bám sát thực tiễn để đảm bảo các chương trình hợp tác đi vào thực chất tránh lại trở thành gánh nặng cho các đơn vị khác. 6 tháng cuối năm, đề nghị Ban điều hành, các nhà quản lý, đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty tiếp tục với tinh thần trách nhiệm cao trong chỉ đạo, điều hành các đơn vị để thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đã được đề ra”, ông Nguyễn Khắc Hải chỉ đạo.
Trong 6 tháng cuối năm Tổng công ty tiếp tục tập trung tìm giải pháp về pháp lý, về thị trường, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh tiêu thụ lượng xe tồn tại Nhà máy ô tô VEAM cũng như xe Changan và máy kéo ISEKI. Theo đó, Nhà máy ô tô VEAM sẽ tiếp tục thực hiện phương án bán đấu giá xe tồn giải phóng hàng tồn kho nhanh chóng, hiệu quả, đúng trình tự tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo từ đại diện Bộ Công Thương và Hội đồng quản trị Tổng công ty, thay mặt cho Ban điều hành, ông Phan Phạm Hà - Tổng Giám đốc đã phát biểu cam kết tiếp tục nỗ lực, cố gắng thực hiện chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị chức năng thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra và từng bước cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động của Tổng công ty trong thời gian tới.