A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP. Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động trạm trung chuyển hàng hoá nông sản

Trung tâm trung chuyển hàng hóa nông sản đặt tại bãi xe container chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP. Thủ Đức) hoạt động từ 17 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, dự kiến sẽ trung chuyển 1.500 - 2.000 tấn rau củ quả mỗi đêm, phục vụ nhu cầu người dân TP. Hồ Chí Minh trong thời gian giãn cách xã hội.

Trạm trung chuyển hàng hóa này là giải pháp tạm thời của TP. Thủ Đức triển khai nhằm bổ sung thêm nguồn cung rau củ quả tươi cho người dân TP. Hồ Chí Minh sau khi 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức lần lượt đóng cửa để thực hiện phòng chống dịch Covid-19.

TP. Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động trạm trung chuyển hàng hoá nông sản
Trung tâm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức

Ngay trong đêm 11/7, những chuyến xe tải đầu tiên chở nông sản từ tỉnh Lâm Đồng đã vào đúng vị trí tại trung tâm trung chuyển hàng hóa ở bãi xe container chợ đầu mối Thủ Đức. Liền sau đó, hàng hoá được bốc dỡ sang xe tải nhỏ để đưa đi phân phối cho các siêu thị, bếp ăn tập thể phục vụ công nhân.

Khu vực bãi xe container rộng gần 10.000 m2 phía sau chợ đầu mối Thủ Đức được chia làm 18 ô riêng cho 18 thương nhân làm điểm trung chuyển hàng hoá từ các tỉnh về cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh. Trong đêm đầu tiên mở cửa, có 6 thương nhân dự kiến chuyển khoảng 250 tấn hàng về tiêu thụ.

Bà Nguyễn Ngọc My - chủ vựa nông sản Đà Lạt tại chợ đầu mối Thủ Đức - cho hay, các nhà cung cấp ở tỉnh Lâm Đồng hiện đang duy trì nguồn hàng nông sản ổn định về cho các vựa. Tuy nhiên, do chợ đóng cửa nên hiện đặt hàng qua điện thoại, zalo. Sau khi chốt số lượng theo ngày thì đưa ra các nhà xe gửi về thành phố. Nay có trung tâm trung chuyển này đi vào hoạt động sẽ giúp các vựa phân phối nhanh hơn, kịp thời hơn.

Theo ông Nguyễn Nhu - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức - khu vực này được kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt, chỉ có xe tải chở hàng từ các tỉnh về và xe tải nhỏ vào nhận hàng đã đăng ký trước với Ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức mới được ra vào, tuyệt đối không có xe ba gác hay xe máy đến chở hàng. Hàng hoá về đến điểm trung chuyển phải bốc xếp lên xe tải nhỏ chở đi ngay, không được ở lại trong khu vực bãi. Tất cả tài xế bên giao lẫn bên nhận hàng, nhân viên bốc xếp làm việc tại điểm trung chuyển đều phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ, phải tiến hành khai báo y tế...

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho hay, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thành phố, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã nhanh chóng phối hợp cùng các quận, huyện, TP. Thủ Đức tạo điều kiện cho tiểu thương và thương nhân tại 3 chợ đầu mối tổ chức tiếp nhận hàng hoá thông qua các chành, vựa, trung bình khoảng 4.500- 5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống/ngày đêm. Đồng thời tham mưu hình thành các điểm trung chuyển hàng hoá từ các tỉnh về TP. Hồ Chí Minh nhằm bảo đảm nguồn nông sản thực phẩm phục vụ nhu cầu người dân thành phố trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn cũng đã trình UBND huyện Hóc Môn phương án lập trạm trung chuyển hàng hoá cũng trong khuôn viên chợ, dự kiến sẽ triển khai thực hiện trong vài ngày tới và đảm bảo phòng chống dịch cao nhất khi hoạt động.

Bên cạnh đó, từ phía các tỉnh thành hiện nay cũng nỗ lực đảm bảo nguồn cung hàng hóa nông sản tươi cho thị trường TP. Hồ Chí Minh nhất là trong bối cảnh các chợ đầu mối ngưng hoạt động.

Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đánh giá, hiện mỗi ngày đơn vị vẫn duy trì ổn định khoảng 4.000 tấn rau, củ, quả các loại từ Lâm Đồng đưa đi tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh. Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị các đơn vị trong tỉnh hướng dẫn người dân chủ động, thống nhất với thương nhân tại các chợ đầu mối về hình thức vận chuyển, phương thức điều phối, giao nhận hàng hóa. Trong đó ưu tiên điều phối trực tuyến, giao nhận tận nơi cho khách hàng.

TP. Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động trạm trung chuyển hàng hoá nông sản
Các tỉnh thành đảm bảo nguồn cung nông sản tươi cho thị trường TP. Hồ Chí Minh

Theo ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ, các mặt hàng nông sản nhất là trái cây như xoài, măng cụt, chôm chôm, cam, quýt, nhãn, sầu riêng đang tìm phương án an toàn để cung ứng cho thị trường TP. Hồ Chí Minh. Đơn vị này cũng đang kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại giao hàng hóa tận nơi.

Sở Công Thương Đồng Tháp cũng vừa công bố các chương trình ứng dụng thương mại điện tử giúp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tỉnh Đồng Tháp. Ngoài website chuyên về nông sản, đặc sản Đồng Tháp, gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, Sở Công Thương còn kết nối hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm, tăng cường bán hàng trực tuyến, ứng dụng các phần mềm hỗ trợ livestream bán hàng, xây dựng thông tin, website, quản trị bán hàng đa kênh... Từ các kênh bán hàng đa dạng này sẽ giúp các nhà cung cấp tại các tỉnh thành kết nối trực tiếp với các nhà phân phối tại thành phố, thực hiện phương án giao hàng trực tiếp nhằm đảm bảo nguồn cung và an toàn phòng chống dịch.


Nguồn:Báo Công Thương Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website