Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ban hành công điện khẩn
Ngày 23/11, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã ký ban hành công điện khẩn liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế kiểm tra, chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine trên địa bàn thành phố Huế. Ảnh: Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế |
Hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm trên địa bàn liên tục tăng nhanh. Tuy nhiên, công tác quản lý, giám sát công dân tại địa phương một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; tình trạng tụ tập đông người vẫn còn diễn ra, một số người dân còn biểu hiện chủ quan, lơ là, thiếu ý thức trong phòng, chống dịch.
Riêng ngày 23/11, tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận 159 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó tại cộng đồng 93 ca. Như vậy, tính đến nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 2.555 F0. Hiện đang điều trị 1.085 ca; 1.465 ca đã được điều trị khỏi; 5 ca tử vong; F1 đang cách ly tập trung là 589 người, F1 đang cách ly tại nhà là 6.301 người và 13 người có triệu chứng nghi ngờ đang cách ly tại Trung tâm Y tế địa phương.
Để ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thích ứng linh hoạt với tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bám sát tình hình diễn biến ở cơ sở; huy động lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại địa phương; nắm chắc các quy trình, biện pháp, hướng dẫn phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh, Sở Y tế để triển khai đồng bộ. Chủ động, tích cực phối hợp với ngành y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vaccine, nhất là bảo đảm các điều kiện để tiêm phòng vaccine cho học sinh; sẵn sàng kích hoạt các trạm y tế lưu động để phục vụ điều trị F0.
Tập trung chỉ đạo toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên các cơ quan, đơn vị nghiêm túc, gương mẫu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn trụ sở cơ quan, đơn vị.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân chủ động tầm soát, xét nghiệm để kịp thời phát hiện, kiểm soát nguồn lây. Đánh giá, dự báo thường xuyên; rà soát toàn bộ các quy trình phòng, chống dịch để triển khai các biện pháp thích hợp. Phát huy vai trò, trách nhiệm, năng lực của các lực lượng tại cơ sở, nhất là công an cấp xã, các tổ COVID cộng đồng, cán bộ thôn, xã… Khẩn trương chấn chỉnh những biểu hiện lơ là, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ làm công tác chống dịch. Đồng thời, kịp thời, động viên khen thưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân làm tốt nhiệm vụ.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 5K trong phòng, chống dịch; không được chủ quan, lơ là trước nguy cơ dịch bệnh phức tạp hiện nay, nhất là tránh tụ tập đông người, hạn chế các hoạt động giao lưu không cần thiết. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ, thông tin kịp thời, rõ ràng đến người dân về những yếu tố, trường hợp liên quan đến các ca bệnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy nếu để xảy ra vi phạm quy định về phòng, chống dịch.