A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều địa phương tăng cường công tác chống dịch

Căn cứ Nghị quyết 128 của Chính phủ, Quyết định 4800 của Bộ Y tế và tình hình thực tế khi số ca nhiễm không ngừng tăng, một số địa phương đã điều chỉnh cấp độ dịch COVID-19 với quyết tâm không để dịch bùng phát và lây lan mạnh, ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống cho người dân.

TP HCM: Số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng

Theo thông tin từ Cổng thông tin Covid-19 TP HCM, trong tuần qua, số ca mắc mới có xu hướng tăng lên. Cụ thể, ngày 2/11, thành phố chỉ ghi nhận 687 ca Covid-19, nhưng sang ngày 3/11, ca mắc mới lên 991 người. Ngày 4 và 5/11 có giảm nhưng vẫn ở mức cao, lần lượt là 912 ca và 986 ca. Đến ngày 6/11, số F0 tăng lên 986 ca và tiếp tục tăng vọt trong các ngày 7, 8, 9/11, vượt lên trên 1.000 ca/ngày, lần lượt là 1009 ca, 1.326 ca và 1.276 ca. Các ca mắc mới chủ yếu tập trung ở các quận, huyện vùng ven và địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp như: Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12, Tân Phú, Bình Tân, TP Thủ Đức...

Sau 5 tháng dừng hoạt động, ngày 28/10 TP HCM cho phép quán hàng bán tại chỗ, chủ cơ sở phải đáp ứng tiêu chí an toàn trong phòng, chống Covid-19 và đảm bảo điều kiện: đóng cửa trước 21h, công suất phục vụ tối đa 50%. Thế nhưng rất nhiều nhà hàng, quán cà phê trên địa bàn TP vẫn vi phạm các tiêu chí phòng, chống dịch. Với số ca mắc mới tăng khiến cho cấp độ dịch của các quận, huyện có sự thay đổi. Cụ thể, huyện Cần Giờ từ cấp độ 1 (vùng xanh, nguy cơ thấp) chuyển sang cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao); huyện Nhà Bè từ cấp độ 1 lên cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình); quận 12, huyện Bình Chánh và Hóc Môn ở cấp độ 2.

Đồng Nai lập trạm y tế lưu động ứng phó với dịch COVID-19

Các trạm y tế lưu động được tỉnh Đồng Nai thiết lập tại các khu công nghiệp, những vùng nguy cơ cao, rất cao về dịch COVID-19, nhằm triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng.

Tỉnh Đồng Nai yêu cầu mỗi huyện, thành phố phải xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động. Các trạm này phải luôn trong tư thế sẵn sàng đưa vào vận hành khi số ca mắc COVID-19 vượt quá khả năng chăm sóc của các Trung tâm y tế cơ sở. Mỗi xã, phường, thị trấn thành lập ít nhất một Trạm Y tế lưu động có năng lực phục vụ từ 50-100 ca mắc COVID-19. Mỗi khu công nghiệp thành lập ít nhất một trạm y tế lưu động có thể phụ trách từ 500-1.000 ca mắc COVID-19.

Đồng Nai hiện là một trong 3 tỉnh, thành có ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước. 10 ngày qua, trung bình mỗi ngày tỉnh ghi nhận 950 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có khoảng 25% ca mắc ngoài cộng đồng. Hầu hết ca bệnh ở Đồng Nai có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Các tỉnh miền Tây liên tục “đổi màu, tăng nhiệt”

Tại tỉnh Hậu Giang: Ngày 10/11, Sở Y tế Hậu Giang thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 của tỉnh (cập nhật đến 7 giờ ngày 10/11) với số lượng địa bàn cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao) và cấp độ 4 (vùng đỏ, nguy cơ rất cao) đều tăng. Theo thông báo, toàn tỉnh Hậu Giang vẫn ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình). Trong 75 đơn vị cấp xã của tỉnh, có 58 xã (390 ấp) ở cấp độ 2, 5 xã (24 ấp) là địa bàn cấp độ 3, 12 xã (111 ấp) ở cấp độ 4. Các xã, ấp mới nâng cấp độ dịch (từ cấp 2 lên cấp 3 hoặc cấp 4), từ 7 giờ ngày 12/11 sẽ thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng theo từng cấp độ dịch quy định tại quyết định và công văn mà UBND tỉnh đã ban hành trước đó.

Cùng ngày, Chủ tich UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký văn bản về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch rên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu mọi người dân hạn chế tối đa việc ra đường khi không cần thiết, nhất là việc ra đường từ 21 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Chấp hành tốt các yêu cầu, quy định về công tác phòng chống dịch nhất là việc tham gia lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch khi được yêu cầu. Các hàng quán, nhất là các quán giải khát, quán ăn uống, cơ sở kinh doanh phục vụ tại chỗ thức uống có cồn không được kinh doanh sau 21 giờ, thời gian thực hiện từ ngày 10/11 đến khi có văn bản thông báo cụ thể.

Theo quyết định cấp độ dịch của tỉnh Bạc Liêu, hiện cấp tỉnh thuộc cấp 3 (nguy cơ cao). Đối với cấp huyện, áp dụng cấp độ 4 - nguy cơ rất cao (vùng đỏ) đối với TP Bạc Liêu và thị xã Giá Rai. Áp dụng cấp độ 3 - nguy cơ cao đối với huyện Đông Hải. Áp dụng cấp độ 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng) với huyện Hòa Bình, huyện Hồng Dân, huyện Vĩnh Lợi, huyện Phước Long.

Như vậy, ở Hậu Giang và Bạc Liêu đã không còn “vùng xanh” (cấp 1, bình thường mới) ở cấp xã. Tương tự, từ 0 giờ ngày 10/11, tỉnh Cà Mau cũng không còn vùng xanh ở cấp xã. Cụ thể, toàn Cà Mau có 9 xã vùng đỏ, 31 xã vùng cam và 61 xã vùng vàng.

Còn tại Sóc Trăng, tỉnh đang triển khai từng bước các giải pháp chống dịch theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế gồm: Cách ly, điều trị F0 tại nhà và thành lập các trạm y tế lưu động. Tình hình dịch ở Sóc Trăng hiện đang rất phức tạp, tỉnh cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp để có thể ứng phó được. Hiện trong công tác điều trị dịch bệnh có Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM tham gia hỗ trợ cho tỉnh.

Về công tác tiêm vaccine ngừa Covid-19, tỉnh nhận được sự hỗ trợ của Quân khu 9 và TP HCM, Trường Đại học Y dược Cần Thơ, tổng số nhân lực được hỗ trợ là 300 người. “Sóc Trăng hiện đã được phân bổ đủ vaccine mũi 2 và quyết tâm trong khoảng 10 ngày tới sẽ tổ chức tiêm cho các trường hợp được tiêm chủng theo quy định” - ông Khải nói.

Tại TP Cần Thơ, ngày 10/11, thành phố Cần Thơ phát hiện 579 ca F0, cao nhất từ khi chuyển về trạng thái “bình thường mới” và từ đợt dịch lần thứ tư đến nay, nâng tổng số ca mắc lên 10.989 ca. Trong đó, quận Ô Môn có ca mắc mới trong ngày nhiều nhất với 153 ca, quận Thốt Nốt 134 ca, Ninh Kiều 116 ca.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành công văn thay đổi cấp độ dịch Covid-19 từ cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) sang cấp độ 3 (nguy cơ cao) toàn thành phố để phòng, chống dịch. Công văn có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11/11. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ yêu cầu ngành y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 2 cho người dân thành phố nhằm tăng độ phủ vaccine, sớm tạo miễn dịch cộng đồng; tăng cường tầm soát, xét nghiệm sàng lọc có trọng tâm, trọng điểm những nơi nguy cơ cao, rất cao. 

Các quận, huyện chủ động phối hợp ngành y tế củng cố tuyến y tế cơ sở, nhất là nhân lực, trang thiết bị các trạm y tế lưu động để thí điểm điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà, ở những nơi đủ điều kiện, để giảm tải cho tuyến trên.

Đến nay, thành phố Cần Thơ đã tiêm hơn 1,2 triệu liều vaccine, đạt tỷ lệ hơn 73% dân số, trong đó tỷ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt hơn 95%, tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt hơn 34%.

Tại tỉnh Bến Tre, ngày 10/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh sẽ dỡ bỏ 3 chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cửa ngõ ra, vào tỉnh, gồm: Chốt kiểm soát cầu Rạch Miễu (giáp tỉnh Tiền Giang), chốt kiểm soát cầu Cổ Chiên (giáp tỉnh Trà Vinh) và chốt kiểm soát phà Đình Khao (giáp tỉnh Vĩnh Long) để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới. Dự kiến, đến ngày 11/11, Bến Tre sẽ hoàn thành việc dỡ bỏ 3 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ này; đồng thời, xem xét thiết lập lại các chốt kiểm soát tại cơ sở, đặc biệt là tại các vùng dịch đang diễn biến phức tạp.

UBDN tỉnh Bến Tre cũng chỉ đạo các địa phương lập chốt tại cơ sở nhưng không gây cản trở việc đi lại đúng quy định của người dân; chỉ nhắc nhở về khai báo y tế; nếu cần, cho xét nghiệm đối với các trường hợp cần thiết để kịp thời phát hiện bóc tách F0...

Đà Nẵng sẵn sàng dạy và học trực tiếp tuỳ theo cấp độ dịch

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thành phố Đà Nẵng tiếp tục xác định cấp độ dịch làm căn cứ tổ chức dạy và học trực tiếp. Đến nay, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, hoàn thiện các phương án phòng dịch tại các trường ở thành phố hoàn tất.

Theo dự kiến, ngày 15/11 tới, tất cả học sinh ở thành phố Đà Nẵng sẽ đến trường. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch còn khá phức tạp nên thành phố sẽ xác định cấp độ dịch để làm căn cứ tổ chức dạy và học trực tiếp. Đến nay, gần 46.000 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 ở thành phố này đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19. Phần lớn các trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh và giáo viên đến trường.

Nam Định khẩn trương chống dịch ở các điểm "nóng mới"

Chiều 10/11, trực tiếp xuống chỉ đạo huyện Nam Trực về các biện pháp khẩn trương ứng phó dịch Covid-19 đang bùng phát trên địa bàn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nam Định yêu cầu huyện thiết lập ngay vùng cách ly y tế với toàn bộ xã Nam Mỹ từ 18 giờ cùng ngày.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị của huyện Nam Trực vào cuộc chống dịch với tinh thần phong tỏa gọn nhất để phát hiện sớm F0, không để lây lan dịch bệnh ra các địa bàn lân cận; tập trung phòng tránh lây nhiễm chéo và chuẩn bị hậu cần tốt nhất cho người dân  trong vùng cách ly, phong tỏa. Đồng thời, đồng chí yêu cầu Sở Y tế tỉnh Nam Định cần tăng cường đội ngũ y tế về địa bàn, tăng cường phân bổ vaccine để huyện khẩn trương triển khai tiêm cho người dân, ưu tiên trước hết cho người ở vùng dịch. Đến nay, huyện Nam Trực đã tiêm được trên 33.100 mũi vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên, 27.000 người đã tiêm 1 mũi và 3.350 người tiêm đủ 2 mũi.

Trong khi đó, ngày 10/11, huyện Giao Thủy, một “điểm nóng” khác về dịch Covid-19 của tỉnh Nam Định cũng ghi nhận thêm 9 ca Covid-19, đều là người dân xã Hồng Thuận trong khu cách ly. Như vậy, từ chiều 6/11 đến nay, huyện ghi nhận 89 ca Covid-19 mới có yếu tố dịch tễ từ chùm ca bệnh xã Hồng Thuận (chưa rõ nguồn lây); trong đó có 50 ca là học sinh trường THCS của xã.

Theo Sở Y tế tỉnh Nam Định, những ngày qua tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt ở các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc, Trực Ninh và Hải Hậu, với tất cả các xã, thị trấn từ “vùng vàng” đã trở lại là “vùng xanh”. Ổ dịch tại TP Nam Định cũng đã cơ bản được kiểm soát. Hiện toàn tỉnh chỉ còn 13 xã, phường, thị trấn là “vùng vàng”; 3 xã “vùng cam” và 3 xã “vùng đỏ”.

Hà Nội sẽ điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch

Tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 10/11, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà trao đổi về công tác cách ly F1 của Hà Nội. Theo bà Hà, hiện tại Nghị quyết 28, Quyết định 4800 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh, năng lực y tế, năng lực triển khai các khu cách ly tập trung, xem xét các điều kiện cách ly tại nhà, từng địa phương sẽ chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp về công tác phòng, chống dịch bệnh, với mục đích là đảm bảo an toàn sức khỏe tốt nhất cho người dân và phòng chống sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. “Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác cách ly, điều tra truy vết, quản lý người đi từ vùng có dịch về và quản lý cách ly F1”, bà Hà nói.

Theo bà Hà, trong mấy ngày gần đây, Hà Nội liên tục phát sinh những ca F0 trong cộng đồng, không rõ nguồn lây, đặc biệt trong ngày 9/11, thành phố ghi nhận 222 ca bệnh, trong đó có 105 ca ngoài cộng đồng. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dự báo tình hình dịch bệnh của Hà Nội sẽ diễn biến rất phức tạp và khó lường. Trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh, Hà Nội sẽ tiếp tục có những điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, các biện pháp cách ly đảm bảo vừa thực hiện đúng các quy định tại Nghị quyết 128, vừa phù hợp thích ứng linh hoạt với tình hình cụ thể của địa phương.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, dự kiến, Hà Nội sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, trong đó có 20 trạm y tế xã được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Thời gian qua, nhiều trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố đã được kích hoạt và tổ chức diễn tập với các tình huống giả định khi xuất hiện các chùm ca COVID-19 trong khu dân cư.Với các tình huống giả định được đặt ra, các buổi diễn tập diễn ra thành công, đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, theo dõi và chăm sóc người nhiễm COVID-19; đáp ứng khi công nhân có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19; phản ứng khi người dân mắc vi rút SARS-CoV-2 có diễn biến nặng cần xử lý kịp thời; khám, chữa bệnh thông thường cho người dân…

Hải Dương ghi nhận nhiều ca mắc mới COVID-19 chưa rõ nguồn lây

Kể từ 0 giờ ngày 10/11, thành phố Hải Dương tạm dừng tất cả các hoạt động bán hàng rong, hàng quán bày bán vi phạm vỉa hè, lòng đường, trật tự đô thị. Do đó, lãnh đạo thành phố Hải Dương quyết định áp dụng thêm một số biện pháp để tập trung phòng, chống dịch trên địa bàn.

Cụ thể, lãnh đạo thành phố Hải Dương đề nghị các cơ quan đơn vị, các xã, phường trên địa bàn tăng cường kiểm soát người ho sốt; người từ tỉnh ngoài hoặc vùng có dịch về thành phố; khách đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm việc, liên hệ phải khai báo đầy đủ, kịp thời, trung thực với trạm y tế các xã, phường, Tổ giám sát, tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng, Tổ an toàn COVID-19.

Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị người dân có trách nhiệm báo cho chính quyền địa phương khi phát hiện các trường hợp ho sốt, đi về từ tỉnh ngoài về mà không khai báo, vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Kể từ 0 giờ ngày 10/11, thành phố Hải Dương tạm dừng tất cả các hoạt động bán hàng rong, hàng quán bày bán vi phạm vỉa hè, lòng đường, trật tự đô thị. Ủy ban Nhân dân các phường, xã chỉ đạo Ban/Tổ quản lý các chợ đầu mối, chợ dân sinh tái lập các chốt kiểm soát dịch bệnh, đồng thời được phép hạn chế số lượng người vào chợ nếu không bảo đảm giãn cách; yêu cầu người đến từ tỉnh ngoài không tiếp xúc trực tiếp khi khai báo, giao nhận hàng hóa. Đồng thời, hạn chế mức thấp nhất hoạt động tại các khu vực vườn hoa, công viên, khu vui chơi, giải trí phục vụ phải đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.

Thành phố cũng tạm dừng việc dạy học trực tiếp ở các trung tâm, cơ sở dạy thêm, kỹ năng sống, ngoại ngữ ngoài nhà trường.


Tác giả: An Nhiên

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website