A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Ninh: Đảm bảo dự trữ, cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu trường hợp giãn cách xã hội 1 tháng

Theo thông tin Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh, ngày 12/8, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Công văn số 5398/UBND-TM1 về việc đảm bảo công tác dự trữ, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hoá thiết yếu tại các huyện, thị xã, thành phố trong trường hợp giãn cách xã hội một tháng trên địa bàn tỉnh.

Công văn được ban hành trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, khó dự báo, tiếp tục xâm nhập sâu vào cộng đồng, trực tiếp đe doạ đến sức khoẻ, tính mạng nhân dân và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo. Tỉnh Quảng Ninh đang đứng trước nguy cơ, thách thức rất lớn về mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn, lây lan, bùng phát, khó khăn hơn trong việc kiểm soát.

Hưởng ứng lời kêu gọi phòng, chống dịch Covid-19 ngày 29/7/2021 của Tổng Bí thư và thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy tại văn bản số 283- KL/TU ngày 3/8/2021 về việc tập trung triển khai một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong tình hình mới; với quyết tâm giữ vững địa bàn "An toàn - ổn định trong trạng thái bình thường mới" kiên trì thực hiện “mục tiêu kép"; để đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu được ổn định, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ, cụ thể:

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo dự trữ đủ số lượng, chủng loại hàng hoá lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hoá thiết yếu và vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường hợp giãn cách xã hội một tháng trên địa bàn theo chỉ tiêu được giao (phụ biểu chi tiết kèm theo). Có phương án kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo lưu thông đối với hàng hóa thiết yếu trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp. Rà soát, bố trí các điểm tiếp nhận hàng hóa thiết yếu trong trường hợp thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.  Đồng thời, đăng tải danh sách các điểm bán thực phẩm thiết yếu (địa chỉ, số điện thoại, mặt hàng...) trên các phương tiện truyền thông của địa phương, qua tổ trưởng tổ dân khu phố, để người dân nắm bắt thông tin, chủ động mua hàng hóa thiết yếu nơi gần nhất giảm nguy cơ tập trung đông người. Yêu cầu các địa phương có trách nhiệm phối hợp với Sở Công thương để điều tiết lượng hàng hóa còn dư thừa sang địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Sở Công Thương Quảng Ninh được giao chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị, UBND các địa phương trên địa bàn tỉnh đảm bảo lưu thông lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu, nhu yếu phẩm về số lượng, chủng loại, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bình ổn giá cho nhân dân mua sắm; đảm bảo nguồn cung ứng bổ sung lượng thiếu hụt các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu, nhu yếu phẩm tại các địa phương trong tỉnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang có 133 chợ; 27 siêu thị; 4 trung tâm thương mại lớn. Tình hình dự trữ hàng hoá dồi dào, phong phú, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, như lương thực, thực phẩm, nước... đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh, kể cả trong điều kiện dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về nguồn nhu yếu phẩm trong mọi điều kiện diễn biến của dịch.

Theo thống kê của Sở Công Thương, tổng năng lực cung ứng của các đơn vị trong thời gian 30 ngày vẫn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Cụ thể: Gạo: 3.075 tấn; gia vị, dầu ăn: 13.891 tấn; thịt các loại 1.136 tấn; trứng các loại: 23,98 triệu quả; thủy sản các loại (chủ yếu hàng cấp đông): 421.959 tấn; rau xanh các loại: 1.906 tấn… Sở Công thương cũng đã thống kê về khả năng cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh nếu thực hiện giãn cách xã hội 30 ngày trên địa bàn tỉnh.


Tác giả: Ngọc Hân

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website