Bộ Công Thương thực hiện nhiều giải pháp cải thiện thị trường trong nước trong 2 tháng đầu năm 2023
Sáng ngày 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự và phát biểu tại phiên họp.
Cùng tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Theo chương trình, tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới; thực trạng tình hình thị trường quốc tế và trong nước, các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, TTCP bám sát tình hình quốc tế và trong nước trong 02 tháng đầu năm 2023
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Hai tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo thấp hơn năm 2022 khoảng 0,5-1%. Kinh tế Mỹ và EU tăng trưởng dưới 1% và không loại trừ khả năng suy thoái. Các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển phục hồi khó khăn hơn, tăng trưởng giảm. Lạm phát vẫn còn ở mức cao tại nhiều quốc gia khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ - lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2023. Giá năng lượng vẫn có thể biến động do xung đột tại Ukraina và sự phục hồi khá mạnh của nền kinh tế Trung quốc. Thị trường bất động sản tại nhiều quốc gia suy giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực SX, làm gia tăng rủi ro lên thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp... dẫn tới các hệ luỵ khiến tổng cầu thế giới giảm sút; nhu cầu các thị trường XK lớn suy yếu… Ở trong nước, do tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu dẫn tới sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Cán cân thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát xu hướng tăng ảnh hưởng đến hồi phục và phát triển kinh tế.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, TTCP bám sát tình hình quốc tế và trong nước, dự báo được tình hình từ cuối năm 2022 và đã thực hiện nhiều giải pháp như: Tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; Kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua các kênh xúc tiến thương mại, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; Hỗ trợ thông tin ở từng thị trường xuất khẩu, duy trì thị trường truyền thống; Tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới; Triển khai nhiều hoạt động và các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ sản phẩm…
Bộ trưởng đánh giá, việc suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động đến sản xuất và xuất khẩu nhanh hơn dự kiến: 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số SXCN giảm 6,3% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập giảm khoảng 13% (xuất khẩu ước đạt 49,45 tỷ USD, giảm 10,4%; nhập khẩu ước đạt 46,6 tỷ USD, giảm 16%). Tuy nhiên, cán cân thương mại tiếp tục ở mức xuất siêu 2,82 tỷ USD). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13% so với cùng kỳ, quy mô và tốc độ tăng đang dần bắt kịp với với tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chính của sự suy giảm đến từ cả yếu tố bên trong và bên ngoài, trong đó các yếu tố bên ngoài là: Cạnh tranh chiến lược các nước lớn, xung đột tại Ukraine khiến giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng và logistics toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước; Lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng, xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm; Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Và các yếu tố bên trong bao gồm: Sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm; Thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất; Sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ như: ô tô, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép…; Các DN còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.
Bên cạnh đó, dự báo tình hình quốc tế thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp như: Kinh tế thế giới đang ở giai đoạn khó khăn, hồi phục chậm, tổng cầu giảm; lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm tại các quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Âu - châu Mỹ; Xung đột tại Ucraina tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực và rất khó đoán định khiến đầu tư giảm và gián đoạn; Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu; Một số quốc gia dự định áp đặt thêm các quy định cho hàng hóa NK như thu phí cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu…; Việc Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường XK của Việt Nam... Ngoài ra, ở trong nước sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao; Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới; Thị trường bất động sản suy giảm và nhu cầu thế giới giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan như: ngành thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…
Tuy nhiên, Bộ trưởng đã chỉ ra những dấu hiệu tích cực bao gồm: một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo; Một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, Asean tăng trưởng khả quan; Thị trường xuất khẩu chủ lực ở các nước khu vực châu Âu vẫn duy trì ở mức tăng trưởng dương trừ LB Nga; Các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ DN của nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất; Cam kết của Việt Nam hướng tới sản xuất sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường tại COP26 sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu các sản phẩm này ở khu vực châu Âu - châu Mỹ gia tăng; Theo công bố của S&P Global ngày 1/2/2023: sản lượng số lượng đơn đặt hàng mới của khu vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục giảm nhưng với tốc độ chậm hơn; số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên trong 3 tháng…
Các giải pháp cần tập trung
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra các giải pháp cần tập trung trong thời gian tới bao gồm:
Một là, tập trung phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa, theo đó: (i) Thực hiện có hiệu quả các Chương trình XTTM thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. (ii) Tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước (iii) Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động XTTM phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường (iv) Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động XTTM; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam (v) Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống (vi) Xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn lậu, hàng giả, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển trên thị trường nội địa.
Hai là, đẩy mạnh phát triển thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, theo đó: (i) Tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản.. ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho CP các phản ứng chính sách phù hợp (ii) Phát triển các thị trường khu vực bắc Âu, đông Âu, Mỹ La Tinh còn nhiều dư địa khai thác. Thúc đẩy đàm phán các FTA mới như: FTA với các nước khối Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) để đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường Mỹ La Tinh. Tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực Asean và một số nước châu á để đẩy mạnh xuất khẩu (iii) Đánh giá toàn diện các biện pháp mở cửa trở lại của Trung Quốc, tranh thủ, tận dụng cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa không phải kiểm nghiệm covid. Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan tại cửa khẩu và thực hiện hiệu quả đề án XK chính ngạch (v) Triển khai hiệu quả “Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” (vi) tập trung xây dựng Chiến lược phát triển các thị trường đến năm 2030 để có định hướng tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường: (i) Triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong XTTM; (ii) Tiếp tục tổ chức giao ban XTTM định kỳ với các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thông tin thị trường, tư vấn chính sách, quy định và nhu cầu thị trường cho các nhà XNK của Việt Nam; (iii) Tăng cường hỗ trợ DN, nâng cao nhận thức: về SX và tiêu dùng bền vững đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển; Xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa trong các ngành tiêu dùng, thời trang của EU; Các quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của các quốc gia EU đối với các ngành hàng xuất khẩu...
Ba là, đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước: (i) Rà soát các tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành; bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới và tạo chủ động nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu, phát triển bền vững sản xuất. (ii) Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và DN lớn toàn cầu. (iii) Xây dựng chương trình hỗ trợ, hợp tác đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp.
Các kiến nghị và đề xuất
Để thực hiện được các giải pháp nêu trên, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ:
Một là, sớm phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới; đồng thời bảo đảm tự chủ một phần nguồn cung nguyên liệu cho các ngành luyện kim, vật liệu trong nước.
Hai là, sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (QH điện 8), ngoài việc phát triển điện lực còn giúp tạo dựng thị trường cho các ngành cơ khí năng lượng (như chế tạo các thiết bị điện gió, điện mặt trời, điện khí…) phát triển mạnh trong thời gian tới.
Ba là, để tăng cường sức mua nhằm phục hồi thị trường ô tô, duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp trong ngành và một số địa phương (như của UBND tỉnh Quảng Nam), đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu, tiếp tục trình ban hành một số chính sách hỗ trợ về tài chính cho ngành: (i) Tiếp tục ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023. (ii) Tiếp tục ban hành chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời hạn nhất định (06 tháng hoặc đến hết năm 2023).
Bốn là, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách điều hành tín dụng sao cho nguồn vốn tín dụng chảy vào khu vực sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo để tiếp sức cho doanh nghiệp; Xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay đối với sản xuất và tiêu dùng để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân.
Đối với các địa phương, Bộ trưởng cũng đề nghị phối với các Bộ, ngành đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu. Tham dự Hội nghị giao ban XTTM với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hàng tháng và các buổi đối thoại doanh nghiệp.