A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Luật Dầu khí sửa đổi bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế

Giải trình, tiếp thu ý kiến đối với Luật Dầu khí sửa đổi sáng 16/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự thống nhất cao với Báo cáo của Ủy ban Kinh tế, đồng thời nhấn mạnh dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý bảo đảm sự thống nhất, tương thích, đồng bộ của dự án Luật với hệ thống pháp luật hiện hành và các dự án Luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đồng thời bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Hai luồng ý kiến về phê duyệt hợp đồng dầu khí

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi, sáng ngày 16/8/2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về phê duyệt hợp đồng dầu khí (Điều 24 dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí và có 02 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất: Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí có cấu trúc nội dung phức tạp do đặc thù của hoạt động dầu khí. Trong bối cảnh hiện nay thực hiện hoạt động dầu khí ngày càng hội nhập và đã có nhiều thay đổi so với thời điểm ban hành Luật Dầu khí năm 1993, cần có cơ chế mới về phê duyệt hợp đồng dầu khí bảo đảm tính chủ động cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong quá trình triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, việc giao PVN phê duyệt hợp đồng dầu khí không bảo đảm khách quan trong trường hợp PVN tham gia với tư cách nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí.

Vì vậy, đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng: Quy định Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt nội dung chính của hợp đồng dầu khí; giao Bộ Công Thương phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí, trên cơ sở đó, PVN ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí (Phương án 1 khoản 1 Điều 24 dự thảo Luật); đồng thời, bỏ quy định về Chính phủ ban hành hợp đồng dầu khí mẫu để bảo đảm sự thống nhất về chính sách.

Loại ý kiến thứ hai: Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thoả thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn với nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển...

Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí. Ngoài ra, dự thảo Luật đã được thiết kế theo tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định một số nội dung quan trọng như: phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nội dung hợp đồng dầu khí…; các nội dung khác giao Bộ Công Thương và PVN thực hiện.

Đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng giữ quy định như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (Phương án 2 khoản 1 Điều 24 dự thảo Luật)“Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến thứ nhất” - ông Vũ Hồng Thanh nói.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp tục rà soát căn cứ, đánh giá tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ ưu, nhược điểm của 2 loại phương án để xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và các Đoàn đại biểu Quốc hội, lựa chọn phương án phù hợp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, theo phương án 1 chưa rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền giữa Thủ tướng và Bộ Công Thương. Một việc mà hai chủ thể phê duyệt. Thủ tướng phê duyệt khung, Bộ Công Thương lại phê duyệt bước thứ 2. Thế sau này có chuyện gì ai chịu trách nhiệm?

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, một hợp đồng dầu khí mà tiến hành 2 bước phê duyệt như phương án 1 thì không đúng nguyên tắc “1 việc chỉ giao cho 1 người” để cải cách thủ tục hành chính. Quá trình chuẩn bị xin ý kiến các bộ rồi lên Thủ tướng lại xin ý kiến lần nữa. Chắc chắn là khi Thủ tướng phê duyệt phải có ý kiến chính thức của các bộ, sau đó, lên Bộ Công Thương phải phê duyệt lần nữa rồi mới tới Tập đoàn Dầu khí.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ hợp đồng dầu khí. Còn nếu phân cấp thì quy định nguyên tắc cơ bản của hợp đồng trong luật và để Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, trong hoạt động dầu khí thì hợp đồng là quan trọng nhất. Tất cả các tranh chấp đều liên quan đến hợp đồng. Đây là cái quyết định cho tất cả, nhà đầu tư chỉ biết cái này. Chính phủ bị ràng buộc cũng chỉ bởi cái này. Do đó, nên để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

“Tôi nghĩ hai bên cùng phê duyệt 2 nấc thì không biết phê duyệt cái gì cả, mất rất nhiều thời gian. Hoạt động dầu khí liên ngành, đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ Công Thương không thể tự quyết được và muốn quyết phải có hội đồng” - ông Ngọc kiến nghị.

Tạo cơ chế đột phá mang tính khả thi để khai thác tận thu tài nguyên dầu khí

Giải trình, tiếp thu ý kiến đối với Luật Dầu khí sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương bày tỏ sự thống nhất cao với Báo cáo của Ủy ban Kinh tế.

Thời gian qua, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật nhằm giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021.

“Đến nay, hầu hết các điều khoản của dự án Luật đã được cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại phiên họp sáng 16/8.

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 68 điều (bỏ 5 điều, bổ sung 9 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3).

Theo đó, đã thể chế hóa cơ bản đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý bảo đảm sự thống nhất, tương thích, đồng bộ của dự án Luật với hệ thống pháp luật hiện hành và các dự án Luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đồng thời bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Về 2 vấn đề Ủy ban Kinh tế báo cáo xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, Thứ nhất, về phê duyệt hợp đồng dầu khí (Điều 24 dự thảo Luật), Bộ Công Thương đề nghị thực hiện theo phương án 2 khoản 1 Điều 24 dự thảo Luật là giữ nguyên như phiên bản Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung của hợp đồng dầu khí. Đồng thời, Chính phủ ban hành hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.

Lý do là, tại dự thảo Luật, Chính phủ đã phân cấp nhiều nội dung cho Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chỉ còn một số nội dung rất quan trọng thuộc thẩm quyền phê duyệt/chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ gồm: Kết quả lựa chọn nhà thầu, nội dung hợp đồng dầu khí, gia hạn hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt, chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí.

Hợp đồng dầu khí là thoả thuận ràng buộc pháp lý giữa Nhà nước và nhà đầu tư (nhà thầu dầu khí) có thời hạn rất dài (hơn 30 năm), có nhiều nội dung đặc thù liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển...

Các điều khoản của hợp đồng dầu khí liên quan mật thiết với nhau, do đó rất khó phân định các điều khoản chính, điều khoản phụ.

“Do vậy, việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí là phù hợp thực tiễn hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Bộ Tư pháp thống nhất với quan điểm này của Bộ Công Thương” - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Thứ hai, về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu (Điều 54 dự thảo Luật), Bộ Công Thương thống nhất với ý kiến của Ủy ban Kinh tế. Theo đó “chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu được nộp vào ngân sách nhà nước và bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí”.

Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí, quy định này sẽ tạo cơ chế đột phá mang tính khả thi để khai thác tận thu tài nguyên dầu khí (chênh lệch doanh thu và chi phí thực dương), bảo đảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước kể cả trong trường hợp doanh thu trừ chi phí thấp hơn thuế tài nguyên phải nộp (thay vì phải kết thúc sớm dự án khai thác tận thu).


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website