Khuyến khích Vietsovpetro đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp phát triển ngành dầu khí Việt Nam.
Ngày 06/4/2023, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro tại Giàn công nghệ trung tâm số 2, mỏ Bạch Hổ, thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tham gia đoàn công tác.
Tham gia Đoàn công tác còn có một số đồng chí lãnh đạo, đại diện một số Bộ, ngành, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Đối với ngành Dầu khí Việt Nam, ngày 26/6/1986 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là ngày Việt Nam khai thác tấn dầu thô đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ của Vietsovpetro, đưa Việt Nam gia nhập các nước xuất khẩu dầu thô trên bản đồ thế giới. Thành công của Vietsovpetro, đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển ngành Dầu khí, đặt nền móng và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khí, điện, đạm tại Việt Nam, tạo nền tảng để Vietsovpetro và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể phát triển như ngày nay và ngành Dầu khí trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được về sản xuất kinh doanh, Vietsovpetro đã đào tạo được một đội ngũ các cán bộ quản lý, kỹ sư có trình độ cao và công nhân lành nghề trong nhiều lĩnh vực như tìm kiếm thăm dò, thiết kế xây dựng, vận hành khai thác dầu khí biển.
Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng đánh giá cao việc Vietsovpetro còn là cái nôi đào tạo cán bộ dầu khí, nhiều cán bộ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên, kể cả một số lãnh đạo người Nga đã được rèn luyện và trưởng thành từ Vietsovpetro. Thực tế đã cho thấy, hoạt động của Vietsovpetro đã có tác động tích cực và trực tiếp làm thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, cũng như sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vietsovpetro là nhân tố tích cực góp phần xây dựng thành phố biển Vũng Tàu trở thành trung tâm công nghiệp dầu khí. Đặc biệt, với tiềm năng và vị thế của mình, Vietsovpetro đã tích cực tham gia bảo vệ an ninh trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế ở khu vực biển phía Nam.
Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Vũ Mai Khanh - Thừa ủy quyền Tổng Giám đốc Vietsovpetro cho biết: Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (trước đây là Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô), được thành lập năm 1981, trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô về hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Từ năm 1993, Liên bang Nga tiếp nhận nghĩa vụ và quyền lợi của Liên Xô trong Liên doanh. Hiện nay, Vietsovpetro đang hoạt động theo Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga ký ngày 27/12/2010 về tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam.
Trong suốt 41 năm xây dựng và phát triển, Vietsovpetro đã khảo sát hàng trăm nghìn kilômét tuyến địa chấn 2D và hàng chục nghìn kilômét vuông địa chấn 3D trên thềm lục địa Việt Nam. Phát hiện 8 mỏ dầu tổng trữ lượng thu hồi trên 300 triệu tấn dầu quy đổi (sau Bạch Hổ). Tổng sản lượng khai thác gần 246 triệu tấn dầu (chiếm gần 60% tổng lượng dầu khai thác của toàn ngành Dầu khí Việt Nam), cung cấp về bờ trên 38,2 tỷ m3 khí. Nộp NSNN trên 56,3 tỷ USD. Những đóng góp của Vietsovpetro đã làm thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, cũng như sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, tham gia vào công tác bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao và biểu dương những kết quả đạt được của Vietsovpetro và tin tưởng rằng, trong thời gian tới Vietsovpetro vẫn tiếp tục giữa vững vai trò trụ cột, là đơn vị nòng cốt, quan trọng hàng đầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp phát triển ngành dầu khí Việt Nam.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của Vietsovpetro, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Công Thương, Ủy Ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu, làm rõ trong thời gian sớm nhất, theo chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành. Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, trong quá trình xây dựng Đề án đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW để trình Bộ Chính trị trong Quý II năm 2023, Ban Kinh tế Trung sẽ nghiên cứu kỹ các cơ sở khoa học và thực tiễn để làm cơ sở báo cáo Bộ Chính trị sớm về một số kiến nghị, đề xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung và Vietsovpetro nói riêng.