A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều triển vọng cho hợp tác năng lượng Việt Nam - Đức

Ngày 31/3, Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức đã phối hợp với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU) tổ chức Hội thảo về “Tăng cường hợp tác trong khuôn khổ chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cho Việt Nam vào năm 2050”. Đây là hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng Berlin 2023. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu trực tuyến tại Hội thảo.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực ASEAN, kèm theo tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa tăng nhanh. Từ năm 2002 đến 2021, GDP đầu người tăng 6,8 lần, đạt gần 3.743 USD. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã đặt ra những tầm nhìn phát triển tham vọng hơn, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh. Song song với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đang xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An phát biểu trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội 

Sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ CHXHCN Việt Nam đã trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và phân công các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động trong từng lĩnh vực. Trong đó, quá trình chuyển dịch năng lượng đang được chỉ đạo đẩy nhanh trên tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, các định chế tài chính song phương và đa phương.

Ngày 14 tháng 12 năm 2022, Việt Nam đã trở thành quốc gia tham gia Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các  quốc gia phát triển và tổ chức tài chính hàng đầu nhằm huy động 15,5 tỷ USD tài chính công và tư nhân trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Các Đối tác sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đẩy nhanh việc đạt đỉnh điểm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

Trên tinh thần đó, Bộ Công Thương Việt Nam đang hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện 8) và Quy hoạch tổng thể về phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo các mục tiêu đã cam kết.

Quy hoạch điện 8 định hướng giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hoá thạch, tập trung gia tăng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như thuỷ điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời và sinh khối…. giảm phát thải khí nhà kính. Chuyển dịch năng lượng một cách bền vững là định hướng xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững, đảm bảo cung cấp đủ, ổn định nguồn điện năng với giá thành hợp lý luôn là thách thức với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Các tính toán cho thấy, nhu cầu điện và năng lượng sẽ tiếp tục tăng trưởng cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Nhu cầu và định hướng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam thời gian tới sẽ mang tới cơ hội hợp tác rất lớn dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp của CHLB Đức.

Theo thứ trưởng Đặng Hoàng An, với năng lực khoa học - công nghệ sẵn có của các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn có uy tín của CHLB Đức và tiềm năng phát triển của Việt Nam, hai bên có thể hướng tới mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực: i) Hợp tác trong phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh thân thiện với môi trường như: điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối, các nguồn năng lượng mới như hydrogen, ammonia… ii) Hợp tác trong nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ năng lượng, đặc biệt là công nghệ sản xuất điện năng quy mô lớn từ các nguồn năng lượng sơ cấp mới như hydrogen,ammoniac, công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến, công nghệ hấp thụ và lưu trữ CO2, v.v…iii) Phát triển lưới điện thông minh. iv) Hiện đại hóa hệ thống điều độ hệ thống điện, điều hành thị trường điện nhằm tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo. v) Các giải pháp công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

“Có thể thấy rõ, tiềm năng hợp tác năng lượng của hai bên còn nhiều không gian để tiếp tục phát triển. Hội thảo “Tăng cường hợp tác trong khuôn khổ JETP hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” chính là cơ hội để cùng nhau trao đổi, mở ra cơ hội phát triển trong hợp tác năng lượng của hai nước” – Thứ trưởng khẳng định.

Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển CHLB Đức Jochen Flasbarth phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TTXVN 

Tại sự kiện, Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Đức Jochen Flasbarth, bày tỏ ấn tượng đặc biệt về chuyến thăm Việt Nam tháng 9 năm 2022, khi chứng kiến Việt Nam triển khai năng lượng tái tạo. Với công suất rất lớn từ năng lượng gió và Mặt trời, Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á. Chính phủ Việt Nam đã chứng minh được các mục tiêu đầy tham vọng liên quan đến giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng như sẵn sàng giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện, chuẩn bị cho một hệ thống năng lượng sạch trong tương lai.

Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Đức Jochen Flasbarth khẳng định, Đức sẵn sàng trở thành một đối tác đáng tin cậy và có năng lực cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Các giải pháp sẵn có của Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Đức nói riêng có thể được chuyển giao cho Việt Nam thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia, trí thức, nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam đang sinh sống, nghiên cứu, học tập và làm việc tại châu Âu cũng cam kết sẽ đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới thông qua đổi mới sáng tạo, khoa học-công nghệ và chuyển giao công nghệ.

Mặc dù con đường hướng tới mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 còn gian nan, nhưng với việc Đức có thể đạt được mục tiêu này vào năm 2045, những kinh nghiệm của Đức là rất hữu ích để các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đưa ra lộ trình phù hợp và hiệu quả cho các mục tiêu vào năm 2050.

Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức Vũ Quang Minh khẳng định, đây cuộc thảo luận chuyên sâu chính thức và công khai lần đầu tiên về việc thực hiện JETP, một khuôn khổ quan trọng mà Việt Nam được chọn để tham gia cùng các nền kinh tế phát triển. Chính vì vậy, Hội thảo diễn ra bên lề Tuần lễ Năng lượng Berlin 2023 là cơ hội tuyệt vời để các bên giải quyết các vấn đề cũng như mọi khía cạnh chính của việc thực hiện JETP với tầm nhìn và kế hoạch hành động để tiếp tục hành trình hướng tới một Việt Nam xanh và một thế giới xanh, nhất là trong môi trường quốc tế phức tạp và nhiều thách thức như hiện nay.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website