Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới
Sáng ngày 30/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới.
Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường, bà Lê Việt Nga - Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương; đại diện Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các sở, ngành, hiệp hội, hội; các tổ chức kinh tế, thương mại; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ngành Công Thương đảm bảo công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, bước đầu đạt được những thành tích quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Thể chế quản lý được rà soát, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập.
Bên cạnh đó, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang theo hướng quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm còn chưa được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. “Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát An toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn quốc, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”- Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ Công Thương là một trong 3 đơn vị được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ quản lý nhà nước, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã và đang tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ dành cho những đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhằm bảo đảm công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng như: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Thực hiện nghiêm các công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước; Phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; Tăng cường công tác thông tin truyền thông, tập huấn phổ biến kiến thức và nâng cao ý thức cộng đồng về an toàn thực phẩm; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm…
Trong những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - nhận định, đi cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, tình trạng gian lận thương mại trên môi trường này hiện đang là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu thức ngày càng tinh vi của các trang mua bán điện tử.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2021, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 140 vụ việc liên quan đến thương mại điện tử, xử lý 132 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 2,5 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 3,5 tỷ đồng. 6 tháng năm 2022, thực hiện kiểm tra 45 vụ việc, xử lý 42 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 700 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm gần 1,2 tỷ đồng (hành vi vi phạm chủ yếu kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại).
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường phát biểu tại hội thảo
Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vi phạm pháp luật trong an toàn thực phẩm, có tác dụng răn đe, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, thông qua công tác kiểm tra, kết hợp tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc kinh doanh hàng hoá kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc đã giảm so với trước.
“Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi đó các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử cũng gặp không ít khó khăn, do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản”- ông Trần Hữu Linh nêu rõ.
Nâng cao trách nhiệm của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng
Nhận thức được vai trò trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh về thực phẩm, ông Tô Duy Hải - Trưởng ban Đối ngoại Công ty CP Acecook Việt Nam - cho biết, trong giai đoạn Covid-19 hoành hành, sứ mệnh của Acecook Việt Nam là nỗ lực hết sức mình để duy trì sản xuất, cung cấp mì ăn liền cho người dân. Mặc dù các loại chi phí phát sinh rất cao, nhưng chúng tôi đã không tăng giá bán, phân phối hành hợp lý, và tặng rất nhiều sản phẩm cho người dân trong những vùng bị cách ly.
"Trong tình hình bình thường mới hiện nay, nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như trên thế giớ, đều đang hướng đến các sản phẩm thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Acecook Việt Nam đã tiên phong trong ngành mì ăn liền, nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm bổ sung một số vi chất dinh dưỡng. Ngoài ra, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cũng như thế giới, Acecook Việt Nam đang nghiên cứu và thay thế từng bước các loại bao bì sản phẩm từ nhựa khó phân hủy sang giấy và một số chất liệu có thể tư phân hủy và thân thiện với môi trường"- ông Tô Duy Hải chia sẻ.
Ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương - phát biểu
Hiện nay, hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đi hàng trăm quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính nhất. Dù vậy, chia sẻ một số vấn đề mới trong yêu cầu đáp ứng quy định kỹ thuật của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - thông tin thương mại quốc tế giữa các quốc gia, khu vực nói chung bị điều chỉnh bởi hệ thống các hiệp định thương mại tự do được ký kết ở cấp độ song phương hoặc đa phương.
Bên cạnh đó, bất kỳ sản phẩm, hàng hóa xuất nhập khẩu còn bị điều chỉnh bởi hệ thống các quy định của mỗi quốc gia. Các hệ thống quy định tại Hiệp định thương mại tự do hay tại quy định quốc gia thông thường sẽ bao gồm các “hàng rào phi quan thuế” và “hàng rào thuế quan.”
Khi các Hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày càng nhiều, các “hàng rào thuế quan” gần như được dỡ bỏ theo nguyên tắc chung là tạo thuận lợi tối đa cho thương mại. Do đó, các vấn đề về thuế, hải quan, hạn ngạch, các thủ tục hành chính, điều kiện gia nhập thị trường… không còn thực sự là trở ngại lớn đối với bất kỳ nhà đầu tư, nhà sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Ông Tấn cho rằng để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp “hàng rào kỹ thuật về TBT” (“biện pháp TBT”) và “các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật” (“biện pháp SPS”) liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn.
Ngoài ra, để tăng hiệu quả kiểm soát an toàn thực phẩm, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần iCheck – ông Nguyễn Văn Chính cho rằng, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ mang lại các giá trị cho doanh nghiệp, trong đó sẽ hiện tốt, đó là minh bạch thông tin, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất; quản lý các rủi ro. Đặc biệt, giúp doanh nghiệp tối ưu chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng thực phẩm, khi đó có cơ hội đế sản phẩm tiếp cận tốt thị trường. Khoanh vùng các rủi ro khi gặp sự cố, tránh các hàng giả, hàng nhái, đảm bảo uy tín trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Chính cũng nêu giải pháp, muốn chuẩn hóa hệ thống truy xuất nguồn gốc, đầu tiên cần hiểu đúng về quy chuẩn của mã truy xuất nguồn gốc. Mã truy xuất nguồn gốc đúng cần đảm bảo truy xuất được toàn bộ quá trình sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm và phải đảm bảo có 5 điều kiện: Xem được đầy đủ thông tin về sản phẩm theo quy định lưu hành và công bố sản phẩm; tuy xuất được chuỗi liên kết tạo ra giá trị sản phẩm (các cá nhân và tổ chức có tham gia hoặc liên quan đến quá trình sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm); xem được chỉ dẫn địa lý của vùng sản xuất ra sản phẩm; xem được các giấy tờ và các chứng nhận về thành phần, chất lượng và các công nhận về sản phẩm; chứng minh được lịch sử sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm thông qua nhật ký hoạt động điện tử được đóng góp bởi tất cả các thành viên trong chuỗi liên kết giá trị sản phẩm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) - cũng cho rằng, bản thân doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa. Đó là hoàn thiện quy trình sản xuất kinh doanh, luôn giữ sản phẩm tốt hơn, đồng thời nhanh chóng phát hiện được thực phẩm giả, kém chất lượng cũng như xâm phạm quyền và phải báo ngaycho cơ quan chức năng xử lý vi phạm. Ngoài ra, trách nhiệm, ý thức của người tiêu dùng cũng cần nâng lên.
"Nếu chúng ta nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm nhập lậu… sẽ hạn chế tình trạng này. Khi đã không có cầu, nguồn cung sẽ giảm."- ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.