A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương

Trong lĩnh vực đổi mới mới sáng tạo, có hơn 80% doanh nghiệp lớn tham gia thực hiện đổi mới sản phẩm hoặc quy trình, gần 50% mở rộng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ số tương ứng là khoảng 50% và 17-18%.

Trong những năm qua, khoa học và công nghệ (KH&CN) đã từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ ngày càng cao. Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo (ĐMST), có hơn 80% doanh nghiệp lớn tham gia thực hiện đổi mới sản phẩm hoặc quy trình, gần 50% mở rộng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ số tương ứng là khoảng 50% và 17-18%.

Nghiên cứu khoa học lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Để thích ứng và hội nhập trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ trong ngành Công Thương đã có những bước điều chỉnh nhanh chóng về định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng tới tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến của cuộc CMCN 4.0.

Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động KH&CN được đổi mới, hoàn thiện theo hướng thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tổ chức, giám sát thực hiện; tạo môi trường thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh trong nghiên cứu, sáng tạo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN ngành Công Thương thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống các tổ chức KH&CN trực thuộc Bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn với yêu cầu phát triển ngành và doanh nghiệp; khuyến khích các đơn vị thành lập doanh nghiệp KH&CN trực thuộc; tạo cơ chế chủ động tìm kiếm thị trường, thực hiện nhiều hợp đồng nghiên cứu, dịch vụ tư vấn, qua đó tăng cường tính gắn kết giữa tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp trong ngành.

Sắp xếp lại hệ thống các tổ chức KH&CN trực thuộc Bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Ảnh: Viện Công nghiệp Thực phẩm

Các nhiệm vụ tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra những sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Từ những đổi mới mạnh mẽ trong phương thức quản lý, tập trung tăng cường đầu tư cho tiềm lực và trình độ KH&CN, lực lượng KH&CN ngành Công Thương đã đồng hành, bám sát yêu cầu thực tiễn từ đó giải quyết nhanh chóng những thách thức từ phía các doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tiếp tục đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho yêu cầu hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành; đồng thời thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ, có hiệu quả của khối doanh nghiệp, tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia trực tiếp, ứng dụng, chuyển giao công nghệ ngày càng tăng.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm: “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Công Thương, ông Trần Việt Hòa cho biết, mặc dù các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động KH&CN trong thời gian qua đã có những tác động tích cực, nhưng với những yêu cầu, đòi hỏi ở tầm cao mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc lựa chọn tiếp cận một cách phù hợp, xây dựng các chính sách có tính khả thi, đột phá, giải quyết những khâu then chốt có ý nghĩa quyết định. Theo đó, để hoạt động KH&CN, ĐMST phát triển, cần tập trung tháo gỡ một số điểm nghẽn chính.

Tập trung và cụ thể hóa các chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển cả ở khía cạnh cung và cầu thay vì tập trung vào vấn đề quản lý nhà nước về KH&CN. Trước tiên, có thể tập trung vào chính sách tiêu dùng của Chính phủ đối với các sản phẩm KH&CN.

Thay đổi cơ bản quan điểm và tư duy tiếp cận đối với các sản phẩm KH&CN nói riêng, hoạt động KH&CN nói chung. Từ đó, nhận diện và cụ thể hóa trong các cơ chế, chính sách và quy định pháp luật hiện hành những đặc trưng, đặc thù của sản phẩm, hoạt động, lao động trong lĩnh vực KH&CN. Đây là vấn đề có tính mấu chốt để giải quyết nhiều vướng mắc hiện tại liên quan tới triển khai các cơ chế, chính sách trên thực tế.

Thay đổi cơ bản quan điểm và tư duy tiếp cận đối với các sản phẩm KH&CN nói riêng, hoạt động KH&CN nói chung. Ảnh: Viện Công nghiệp Thực phẩm

KH&CN hiện nay đã bước sang những giai đoạn phát triển hoàn toàn mới. Bản thân hoạt động thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, đang có sự đan xen, kết nối phức tạp giữa các ngành, lĩnh vực, cần sự đổi mới một cách sâu sắc, toàn diện phương thức và cơ chế quản lý của nhà nước để tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thực thi các cơ chế, chính sách giai đoạn tới.

Đẩy mạnh đầu tư và phát triển hệ thống tổ chức KH&CN công lập, coi đây là công cụ chính sách quan trọng trong phát triển KH&CN nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Mô hình quản lý, tổ chức và định hướng hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập phụ thuộc chủ yếu trình độ của nền sản xuất trong nước và ưu tiên của từng quốc gia trong các giai đoạn phát triển. Chính phủ duy trì đầu tư trực tiếp và thông qua các hợp đồng đặt hàng nhiệm vụ KH&CN để đảm bảo năng lực cạnh tranh có tính dẫn dắt về mặt KH&CN của các tổ chức, từ đó quay trở lại hỗ trợ hoạt động KH&CN của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ sử dụng các cơ chế giám sát, đánh giá, từ đó phân bổ ngân sách và giao nhiệm vụ dựa trên kết quả, hiệu quả hoạt động của các tổ chức để duy trì tính hiệu quả trong hoạt động của các tổ chức này. Ngoài ra, nhiều vấn đề mới của thực tiễn cần sớm được nghiên cứu và có cơ chế, chính sách phù hợp như vấn đề về ĐMST, hỗ trợ, phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới là kết quả của việc ứng dụng công nghệ từ cuộc CMCN 4.0.

Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số

Vụ trưởng Trần Việt Hòa cũng cho biết, để đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu trong tình hình mới, trong giai đoạn tới, các hoạt động KH&CN ngành Công Thương sẽ được triển khai tập trung theo hướng hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh, góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Trước hết, tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, nâng cấp công nghệ cho doanh nghiệp; tạo nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, từ đó tận dụng tốt các cơ hội tiếp cận thị trường từ các hiệp định thương mại, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thúc đẩy hoạt động KH&CN và ĐMST tại doanh nghiệp. Cơ quan quản lý sẽ đóng vai trò kết nối, hướng dẫn, hỗ trợ, thiết lập các yếu tố nền tảng cho quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Tiếp đó, tập trung xây dựng và triển khai các chương trình KH&CN trọng điểm của Bộ gắn với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế. Đặc biệt, ưu tiên triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương ứng dụng công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0 và thực hiện chuyển đổi số. Triển khai kết nối các chương trình KH&CN trọng điểm của Bộ với hoạt động KH&CN của doanh nghiệp trong ngành.

Ưu tiên triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số. Ảnh: Rạng Đông

Nâng cao năng lực, phát huy tiềm lực của các tổ chức KH&CN trong ngành Công Thương; nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ của các tổ chức KH&CN công lập. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư và hỗ trợ để phát huy tiềm lực, lợi thế của mạng lưới các tổ chức KH&CN chuyên ngành với bề dày kinh nghiệm, đội ngũ chuyên gia, cán bộ nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao; đồng thời  khai thác hiệu quả các phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm tại các viện nghiên cứu, trường đại học trực thuộc Bộ .

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động KH&CN và ĐMST ngành Công Thương theo hướng hiện đại, tập trung vào kết quả thông qua việc đổi mới quy định về quản lý, đơn giản hóa quy trình thực hiện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao tính thống nhất, minh bạch. Tạo thuận lợi và khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, tổ chức vào hoạt động KH&CN của ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp, đẩy mạnh thực hiện cơ chế nhà nước đặt hàng.

Đặt nhu cầu xã hội và doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống ĐMST, xây dựng hệ thống chính sách hướng tới phục vụ ĐMST, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo với việc chấp nhận những rủi ro, độ trễ trong khoa học cũng như dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa trong hoạt động KH&CN, đầu tư mạnh mẽ vào KH&CN, ĐMST nhất là ưu tiên hoạt động nghiên cứu ứng dụng với chính sách ‘bắt kịp”, tiến tới “dẫn dắt” về công nghệ đối với các doanh nghiệp sản xuất, hình thành nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, thu hút và phát triển nhân tài… sẽ là những giải pháp cốt lõi trong phát triển KH&CN, ĐMST trong giai đoạn tới.


Nguồn:Tạp chí Công Thương Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website