A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần qua

Nhất quán tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Cần chủ động nghiên cứu, chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch Covid-19, khi có nhiều vắc xin hơn trong một đến 2 tháng tới… tuần qua, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp, hỗ trợ cũng như hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động sớm khôi phục lại sản xuất nhưng vẫn đảm bảo “tuyệt đối an toàn”.

Trong công tác điều hành của mình, người đứng đầu ngành Công Thương – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên luôn khẳng định: Duy trì sản xuất chính là duy trì huyết mạch của nền kinh tế. Việc khôi phục các hoạt động sản xuất không chỉ đảm bảo nền kinh tế nhanh chóng phục hồi khi dịch bệnh dần được kiểm soát mà quan trọng hơn, đó chính là đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, qua đó cũng giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho các địa phương. 

Trong tuần qua Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành “chung sức, đồng lòng” cùng toàn dân phòng, chống dịch bằng các giải pháp quyết liệt nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, người lao động sớm khôi phục lại sản xuất trong trạng thái “buộc phải sống chung với dịch”.

Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương trân trọng giới thiệu bạn đọc tổng hợp hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần từ ngày 30/8 đến 05/9/2021:

Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, giai đoạn 2021- 2026

Chiều ngày 30/8/2021, Bộ Công Thương đã long trọng tổ chức Lễ phát động Phong trào thi đua ngành Công Thương quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, giai đoạn 2021- 2026, và các mục tiêu cơ bản của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tại buổi lễ, thay mặt cho Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện các phong trào thi đua để phong trào thực sự là động lực tác động tích cực trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Công Thương năm 2021 và giai đoạn 5 năm 2021-2025. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chính thức tuyên bố Lễ phát động và đề ra sáu mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cũng đã phát biểu hưởng ứng phong trào thi đua, quán triệt sâu sắc, lĩnh hội đầy đủ và sẽ chỉ đạo quyết liệt đến từng cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động thực hiện những nội dung nhiệm vụ mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã phát động.

Chi tiết xem tại đây.

6 nhiệm vụ trọng tâm về công tác truyền thông

Tiếp tục chương trình làm việc với một số đơn vị thuộc Bộ nhằm định hướng công tác truyền thông ngành Công Thương thời gian tới, chiều 31/8/2021, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Tạp chí Công Thương.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đánh giá cao và ghi nhận việc Tạp chí Công Thương đã hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, đúng định hướng, bám sát chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, hơn 1 năm qua, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Tạp chí đã bám sát chặt chẽ các chủ trương, hoạt động của Bộ Công Thương, chấp hành nghiêm quy định của Bộ Công Thương trong bảo đảm an toàn phòng chống dịch khi tác nghiệp; qua đó, duy trì các hoạt động chuyên môn thường xuyên, ổn định việc làm, thu nhập cho tập thể cán bộ, phóng viên và biên tập viên.

Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi, thời cơ và thách thức trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, mục tiêu quan trọng hàng đầu của Tạp chí Công Thương là phải xây dựng được một Tạp chí lý luận, Tạp chí khoa học chuyên ngành hoạt động đúng, tôn chỉ, mục đích. Cùng với đó, phải tiến tới truyền thông đa phương tiện.

Chi tiết xem tại đây.

Nối lại chuỗi sản xuất một cách an toàn

Ngày 31/8/2021, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tổ chức điện đàm với một số doanh nghiệp sản xuất ở các tỉnh phía Nam để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và thảo luận các giải pháp cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì chuỗi sản xuất.

Đây là hoạt động tiếp theo, sau chuyến thị sát thực tế tại các doanh nghiệp, địa phương mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham gia cùng Đoàn Công tác của Thủ tướng Chính phủ hồi cuối tuần qua nhằm sớm nối lại chuỗi sản xuất, đảm bảo đời sống dân sinh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tái khẳng định quan điểm Bộ Công Thương luôn đồng hành và chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Bộ cũng sẵn sàng trao đổi, lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp để có thêm nhiều thông tin, nắm bắt thực chất vấn để trên cơ sở đó Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng như làm việc với các địa phương tìm hướng tháo gỡ, giúp doanh nghiệp sớm kết nối lại chuỗi sản xuất.

Chi tiết xem tại đây.

Quyết tâm hòa lưới quốc gia Nhiệt điện Thái Bình 2 vào năm 2022

Ngày 4/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và đoàn công tác đã đến kiểm tra, làm việc về tình hình triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã tham gia cùng đoàn công tác. 

Sau khi khảo sát tại hiện trường nhà máy, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác đã có cuộc làm việc với chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án (QLDA), Tổng thầu EPC, tư vấn, các đơn vị thi công.

Tại cuộc làm việc, đại diện các bộ, ngành nhận định, chỉ sau hơn 1 tháng kể từ cuộc họp lần trước (23/7) dự án đã có những chuyển biến căn bản, không khí công trường nhộn nhịp hơn. Việc kiện toàn bộ máy ban QLDA án, tổng thầu có ý nghĩa quyết định. Các ý kiến cho rằng, nên phát động đợt thi đua nước rút trong đội ngũ 300 công nhân đang làm việc trên công trường để làm sao về đích trước thời hạn.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao và biểu dương tinh thần trách nhiệm của PVN trong thời gian ngắn đã thực hiện tốt phương châm “đoàn kết, bản lĩnh, đổi mới, hành động”; tập trung giải quyết nhiều công việc, tạo ra sự thay đổi bước đầu quan trọng.

Theo Phó Thủ tướng, nếu không có sự đoàn kết, đổi mới, không có tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm cao thì trong 1 tháng vừa qua, không thể đạt được kết quả tích cực như vậy. Đây là điều kiện, tiền đề để thực hiện mục tiêu mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra là trong năm 2022, hoàn thành dứt điểm nhà máy này.

Chi tiết bài viết xem tại đây.

Đảm bảo cung ứng và lưu thông hàng hóa cho người dân

Sáng 1/9, Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương đã kiểm tra công tác chống dịch tại quận 5, TP HCM. Tại buổi làm việc, lãnh đạo quận 5 đã báo cáo Tổ công tác về việc xây dựng thành công mô hình “chợ dã chiến” online nhằm cung cấp thực phẩm cho người dân, cũng như công tác thực hiện siết chặt giãn cách từ ngày 23/8.

Theo đó, quận đã xây dựng kênh mua bán online - giống như 1 “chợ dã chiến”. Chợ này được chuyển đổi công năng từ một Trung tâm Văn hóa thuộc Quận, có khuôn viên rộng gần 4,7 ha đảm bảo thuận lợi cho việc vận chuyển và lưu trữ và phân phối thực phẩm cho người “đi chợ hộ” trong khu vực.

Đánh giá về mô hình “chợ dã chiến” mà quận 5 đang thực hiện là mô hình sáng tạo, cần được nhân rộng, Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương cho biết sẽ giới thiệu thêm nguồn cung ứng hàng hóa, nông sản cho quận để đưa vào bán tại chợ này để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Chi tiết bài viết xem tại đây.

Trước đó, tại buổi họp trực tuyến diễn ra vào sáng ngày 30/8, Tổ công tác đặc biệt miền Nam của Bộ Công Thương cũng đánh giá cao mô hình đưa tiểu thương và chợ dân sinh lên sàn TMĐT do Viettel Post đề xuất.

Theo đó, các tiểu thương trong chợ dân sinh sẽ được Viettel Post và sàn TMĐT Vỏ Sò hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn, quảng bá sản phẩm tới cả những khách hàng quen lẫn khách hàng tiềm năng. Với kênh bán hàng mới này, bà con tiểu thương có thể mở rộng cơ hội kinh doanh tới hàng triệu người dùng của sàn TMĐT Vỏ Sò. Ngay cả trong trường hợp các chợ dân sinh không được hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì các tiểu thương vẫn có thể duy trì hoạt động kinh doanh một cách bình thường, giúp đảm bảo an sinh cuộc sống.

Chi tiết bài viết xem tại đây.

Cũng trong buổi sáng 30/8, Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương đã họp trực tuyến với lãnh đạo các Sở Công Thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đại diện Viettel Post tại 18 tỉnh phía Nam. Cuộc họp nhằm kết nối nguồn hàng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để cung ứng cho TP HCM và các tỉnh lân cận đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

Tổ công tác nhấn mạnh, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh. Tuy nhiên, Tổ công tác cũng lưu ý, các doanh nghiệp nên xuất khẩu qua kênh chính ngạch, tránh đi tiểu ngạch.

Chi tiết xem tại đây.

Gần đây, một số sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng EO khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đặc biệt, đây là những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt…

Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm. Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với sự chênh lệch rất lớn.

Hiện nay, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng, v.v… Vì vậy trong trường hợp này, mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Đây là một yếu tố các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản sản xuất trước khi xuất khẩu.

Chi tiết xem tại đây.

 Mở rộng kênh tiêu thụ nông sản Việt ra thị trường thế giới

Trong hai ngày 30-31/8/2021, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài) với sự phối hợp của Sở Công Thương các tỉnh Long An và Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị gao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng 2021.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM cho biết, nhu cầu tiêu thụ thanh long Việt Nam tại các thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục tăng. Thông qua hàng loạt các sự kiện giao thương trực tuyến trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm do Cục XTTM phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan liên quan tổ chức thời gian qua cho thấy, khá nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài quan tâm phát triển nguồn cung thanh long chất lượng cao từ Việt Nam.

Để tiếp tục hỗ trợ thanh long Việt mở rộng thị phần trên thế giới, Cục XTTM luôn nỗ lực đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm thanh long Việt Nam trong hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến phát triển thị trường cho sản phẩm thanh long Việt Nam, phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm và kết nối các khách hàng nhập khẩu triển vọng cho doanh nghiệp.

Chi tiết xem tại đây. 

Bên cạnh việc tìm cơ hội cho trái thanh long Việt được đón nhận tại các thị trường khó tính, Hội nghị xúc tiến tiêu thụ Bưởi Phúc Trạch Hương Khê cũng đã được Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh và Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức vào chiều 31/08.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao việc Bưởi Phúc Trạch - đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh đã được công nhận là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ, đây cũng là tiền đề cho trái bưởi Phúc Trạch có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Để Bưởi Phúc Trạch hay các sản phẩm nông sản của Hà Tĩnh mở rộng được kênh tiêu thụ trong giai đoạn dịch bệnh, các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã hay các hộ nông dân của tỉnh Hà Tĩnh cần chủ động hơn nữa, tăng cường ứng dụng công nghệ mới, ứng dụng thương mại điện tử, các giải pháp chuyển đổi số để nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chuyển đổi mô hình quản lý và tiêu thụ sản phẩm, từng bước góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Chi tiết xem tại đây. 

Các hoạt động nổi bật khác

Phiên họp Hội đồng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lần thứ 5 đã được tổ chức vào lúc 07h15 ngày 01/9/2021 (giờ Việt Nam) theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phục hồi Kinh tế Nhật Bản Ni-shi-mu-ra Ya-su-to-shi cùng với sự tham gia của Bộ trưởng và Quan chức cấp cao của các nước trong đó có Việt Nam để xem xét, rà soát việc thực thi Hiệp định CPTPP.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp.

Tại phiên họp, các Bộ trưởng đã lắng nghe báo cáo công việc của các Ủy ban, Hội đồng và Nhóm công tác chuyên môn của Hiệp định CPTPP cũng như tình hình hợp tác giữa các nước CPTPP trong việc triển khai các sáng kiến thúc đẩy việc thực thi Hiệp định CPTPP.

Kết thúc phiên họp, các Bộ trưởng đã thông qua Quyết định của Hội đồng CPTPP về thành lập Ủy ban Thương mại điện tử và Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng.

Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, được các nước ghi nhận và đánh giá cao, góp phần vào các kết quả thành công chung của phiên họp. Dự kiến, phiên họp Hội đồng lần thứ 6 sẽ được tổ chức vào giữa năm 2022 do Xinh-ga-po chủ trì.

Chi tiết xem tại đây.

Nhằm đánh giá những kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 7 tháng đầu năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới theo Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy Bộ, ngày 27/8/2021, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã phối hợp với Đảng ủy Bộ tổ chức Hội nghị giữa Ban Cán sự Đảng với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Công Thương. Hội nghị do Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì.

Tại Hội nghị, Đồng chí Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, gương mẫu của tập thể Ban Cán sự Đảng và Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ và những kết quả đã đạt được trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của Đảng ủy và việc phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy Bộ thời gian qua.

Trên cơ sở phân tích những nguyên nhân trên cũng như thống nhất các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.

Chi tiết bài viết xem tại đây

Ngày 1/9/2021, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động Giải báo chí về tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2021.

Giải thưởng nhằm tôn vinh các tác phẩm báo chí về tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời khuyến khích, động viên, khen thưởng những nhà báo, cộng tác viên, thông tin viên các cơ quan báo chí và các cán bộ truyền thông chuyên trách của các cơ quan năng lượng có các tác phẩm chất lượng về tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong năm 2021.

Ban tổ chức sẽ trao 24 giải thưởng cho 4 loại hình báo chí (Bao gồm 4 giải A: 15 triệu đồng/giải, 08 giải B: 10 triệu đồng/giải; 12 giải C: 7 triệu đồng/giải). Tổng giá trị giải thưởng là 224 triệu đồng.

Thời gian nhận bài dự thi đến hết ngày 31/10/2021 (tính theo dấu bưu điện). Dự kiến sẽ công bố và trao giải vào cuối năm 2021.

Chi tiết xem tại đây.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website