Kỳ họp lần thứ 11 Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Việt Nam – Hàn Quốc và Kỳ họp lần thứ 5 Uỷ ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc
Ngày 22 tháng 12 năm 2021 tại Seoul, Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã cùng với Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Moon Sung Wook đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 11 Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Việt Nam – Hàn Quốc và Kỳ họp lần thứ 5 Uỷ ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc.
Cùng tham dự kỳ họp về phía Việt Nam có Ông Nguyễn Vũ Tùng, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hàn Quốc, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ. Tham dự kỳ họp về phía Hàn Quốc có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc, đại diện Văn phòng Tổng thống, đại diện Ủy ban Thương mại Hàn Quốc và một số doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng.
Các kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Hàn Quốc lần này được tổ chức vào thời điểm có rất nhiều ý nghĩa.
Thứ nhất, kỳ họp được tổ chức tiếp nối chuyến công tác rất thành công của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc vào ngày 12-15 tháng 12 năm 2021 vừa qua. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội hai nước đã thống nhất nhiều định hướng quan trọng trong các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực kinh tế, do vậy Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần này sẽ là sự triển khai cụ thể các định hướng mà Chủ tịch Quốc hội hai nước đã trao đổi, thống nhất.
Thứ hai, thời hạn hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD chỉ còn 2 năm trong khi bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang xuất hiện nhiều khó khăn từ đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, khó khăn trong vận chuyển hàng hóa và logistics. Do đó, việc rà soát và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình hành động nhằm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ USD thông qua cơ chế họp Ủy ban hỗn hợp của hai Bộ, là rất cần thiết.
Hai Bên vui mừng thấy những giải pháp, nỗ lực của hai Chính phủ, hai Bộ và đặc biệt là doanh nghiệp hai nước kể từ các kỳ họp Ủy ban hỗn hợp năm trước đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và thương mại phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.
Về thương mại, bất chấp những tác động của dịch Covid-19, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc năm 2021 dự kiến đạt 77 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm 2020. Điều này cho thấy, thương mại song phương đã phục hồi mạnh mẽ và còn nhiều triển vọng tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới.
Về năng lượng, doanh nghiệp Hàn Quốc đang hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài triển khai nhiều dự án năng lượng tại Việt Nam.
Về công nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp đặc biệt là điện tử, ô tô, dệt may... vẫn diễn ra tốt đẹp, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc nói chung và toàn cầu nói chung. Các hoạt động hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thông qua Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt – Hàn (VITASK) và các dự án giữa Bộ Công Thương và Công ty Samsung Việt Nam đã được triển khai đa dạng về nội dung và hình thức, hỗ trợ cho hàng chục doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực về sản xuất trong lĩnh vực khuôn mẫu, cải tiến quy trình sản xuất và kết nối, trở thành nhà cung ứng cho chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp, tập đoàn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.
Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại
Tại kỳ họp lần thứ 11 của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc, hai Bộ trưởng đã cùng thảo luận, thống nhất các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, giảm thiểu thiệt hại, duy trì hoạt động, đồng thời tìm động lực mới cho phát triển nhằm đảm bảo duy trì, không gián đoạn và thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực thương mại, hai Bộ trưởng đã thảo luận và nhất trí cùng hợp tác triển khai các giải pháp giúp mở rộng quy mô thương mại song phương như tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy mở cửa thị trường cho các loại nông sản, giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng rào kỹ thuật thương mại, hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, hợp tác bảo vệ sở hữu trí tuệ và chống hàng giả, hợp tác phát triển hạ tầng logisitics và phân phối. Đánh giá cao cơ hội thị trường rộng mở từ Vương quốc Anh, hai Bên cam kết sớm hoàn tất thủ tục trong nước phục vụ ký kết Thỏa thuận triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh. Ngoài ra, hai Bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ đa phương, đặc biệt là trong việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 nhằm góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư, củng cố các chuỗi cung ứng trong khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Trong lĩnh vực công nghiệp, trên cơ sở tiềm năng sẵn có giữa hai Bên cũng như kết quả hợp tác tốt đẹp hiện nay, hai Bộ trưởng nhất trí sẽ cùng tăng cường triển khai các hoạt động nhằm thắt chặt hơn nữa kết nối chuỗi cung ứng giữa hai nước đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hai Bên tận dụng hiệu quả lợi ích của các FTA mà Việt Nam và Hàn Quốc tham gia ký kết thông qua các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao năng lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam; Hỗ trợ Việt Nam xây dựng Luật Phát triển Công nghiệp; Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho Việt Nam đối với các công nghệ gốc như khuôn mẫu, đúc, v.v…; Tăng cường kết nối đầu tư, giao thương trong các lĩnh vực ô tô, cơ khí, điện tử, dệt may, hóa chất.
Trong lĩnh vực năng lượng, trên cơ sở nhận định chung về tầm quan trọng của việc thực hiện cam kết của hai quốc gia trong việc giảm khí thải ròng và trung hòa các-bon cũng như xu hướng phát triển của năng lượng sạch trên thế giới, hai Bên nhất trí sẽ cùng hợp tác khuyến khích doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là đối với những công nghệ mới như hydrogen, thu hồi các bon, lưu trữ năng lượng, v.v…Theo đề nghị của phía Việt Nam, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nhất trí tiếp tục tài trợ giai đoạn 2 của Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và Hỗ trợ chương trình hành động phát triển xanh quốc gia” (2021-2025).
Tại kỳ họp lần thứ 5 của Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, hai Bộ trưởng bày tỏ vui mừng nhận thấy Việt Nam và Hàn Quốc vẫn đang tận dụng tốt các điều khoản từ Hiệp định, qua đó đóng góp tích cực vào mối quan hệ song phương về thương mại và đầu tư.
Sau 7 năm thực thi Hiệp định, tổng kim ngạch thương mại song phương dự kiến sẽ tăng 2,1 lần từ mức 36,5 tỷ USD năm 2015 lên mức 77 tỷ USD năm 2021. Tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng từ 43,7 tỷ USD năm 2015 lên 74,1 tỷ USD năm 2021 (tính đến tháng 11/2021).
Hai Bộ trưởng đã nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, cơ quan liên quan của Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực như hải quan và xuất xứ hàng hóa, kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật thương mại, phòng vệ thương mại, hợp tác kinh tế, dịch vụ, đầu tư... nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực thi và tận dụng tối đa những lợi ích mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc mang lại.
Sau hai kỳ họp, hai Bộ trưởng đã cùng ký kết 04 văn kiện bao gồm: (i) Biên bản kỳ họp lần thứ 11 Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Việt Nam – Hàn Quốc; (ii) Tuyên bố chung của Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc; (iii) Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc về hợp tác trung và dài hạn trong lĩnh vực thương mại urê dùng cho công nghiệp; (iii) Công hàm trao đổi giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại hàn Dân quốc về việc sửa đổi Phụ lục 3-A về Quy tắc cụ thể mặt hàng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc.