Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Ngày 27/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư.
Cùng dự với Thủ tướng Phạm Minh Chính có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bí thư tỉnh uỷ Thái Bình Ngô Đông Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận, lãnh đạo các Bộ Giao thông Vận tải, Thanh tra Chính phủ, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; lãnh đạo các Tập đoàn: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV); đại diện Tổng thầu là Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PetroCons), và đại diện Nhà thầu phụ cung cấp thiết bị chính là Liên danh Sojitz (Nhật Bản) – Dealim (Hàn Quốc), đại diện các nhà thầu phụ; đại diện Tư vấn quản lý dự án - Công ty FICHTNER (Đức) cùng đông đảo cán bộ công nhân viên Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 và Cán bộ công nhân viên vận hành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. (Ảnh: Cấn Dũng) |
Với quy mô tổng diện tích 131,74 ha, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất 1.200 MW – là Dự án có quy mô công suất lớn tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Đây là Dự án nguồn điện cấp bách thuộc Tổng sơ đồ điện VII và Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh.
Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm nhà máy Thái Bình 2 sẽ cung cấp khoảng 7,2 tỷ kWh lên lưới điện quốc gia, với doanh thu khoảng 18.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước khoảng trên 400 tỷ đồng/năm, sử dụng trực tiếp và gián tiếp trên 400 lao động tại địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng.
Dự án sử dụng công nghệ lò than phun đốt trực tiếp, tuần hoàn tự nhiên với thông số cận tới hạn và các chỉ tiêu cao về hiệu suất, độ ổn định, an toàn, đáp ứng tốt các điều kiện phát thải theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế; thân thiện, bảo vệ môi trường do áp dụng các công nghệ giảm phát thải NOx, lọc bụi, khử SOx, xử lý nước thải hiện đại. Đến nay, 2 tổ máy đã hoàn thành quá trình chạy thử nghiệm thu và đã phát điện, cung cấp cho Hệ thống điện Quốc gia trên 1 tỷ kWh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. (Ảnh: Cấn Dũng) |
Dự án đã trải qua nhiều giai đoạn biến động, đặc biệt là có thời điểm tưởng chừng như Dự án đã phải “đóng băng” do các vụ việc diễn ra trong quá khứ, dẫn đến vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý và nguồn vốn triển khai Dự án, rồi đại dịch COVID-19... Nhưng vượt lên tất cả, trên mảnh đất Thái Bình – nơi được mệnh danh là "cái nôi” của ngành dầu khí, bằng khát vọng và quyết tâm của người đi tìm lửa, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập thể cán bộ nhân viên PVN đã miệt mài không quản ngày đêm, dốc hết sức lực, vượt qua khó khăn; tất cả cho sự hồi sinh, hoàn thành và đảm bảo chất lượng công trình đối với dự án trọng điểm quốc gia – Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Hiện nay tổng công suất các nhà máy điện đã vận hành của PVN là hơn 6.600 MW, bao gồm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, chiếm khoảng 8,5% tổng công suất lắp đặt của cả nước. Kết quả này khẳng định vững chắc vai trò và vị thế của PVN với tư cách là nhà sản xuất điện lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, an ninh năng lượng, bảo đảm cung cấp điện là một trong những nhiệm vụ chính trị, ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Để phát triển ngành điện, nhiều Tập đoàn, Doanh nghiệp nhà nước trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được Chính phủ giao làm chủ đầu tư thực hiện nhiều dự án nguồn điện.
Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, ngành điện nước ta đã đạt những thành tựu vượt bậc, quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt xấp xỉ 77.800 MW, tăng gần 1.400 MW so với năm 2021, cơ bản bảo đảm năng lượng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước với chất lượng ngày càng được cải thiện, đóng góp quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại nhiều địa phương và cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc khánh thành Dự án hôm nay thể hiện thành quả của ngày đêm không mệt mỏi, vượt mọi khó khăn của hàng nghìn cán bộ công nhân viên, người lao động trên công trường, sự lãnh đạo, chị đạo kịp thời của các cấp, các ngành; sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, của Tổng thầu và các nhà thầu cũng như sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân tỉnh thái Bình.
Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các Bộ, cơ quan, trong đó có Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan đã phối hợp xử lý, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Điều này tạo niềm tin về một Nhà máy nhiệt điện hiện đại, bảo đảm chất lượng, hoạt động ổn định, hiệu quả và đáp ứng yếu tố về môi trường.
Thủ tướng nhấn mạnh, sự kiện khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 mang nhiều ý nghĩa to lớn, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực miền Bắc và cả nước, nhất là trong thời điểm nắng nóng cuối mùa khô từ tháng 5 đến tháng 7 trước đây thường xảy ra việc thiếu hụt cục bộ. Đánh dấu sự trưởng thành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sự cố gắng vượt bậc và năng lực của Chủ đầu tư, Tổng thầu trong việc hoàn thành dự án Nhà máy Nhiệt điện đốt than có quy mô công suất lớn. Qua đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam một lần nữa khẳng định được vai trò tiên phong, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao; triển khai thành công các dự án hạ tầng quan trọng.
Đặc biệt là có thời điểm tưởng chừng như Dự án đã phải “đóng băng” do vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý và nguồn vốn. Nhưng vượt lên tất cả, trên mảnh đất Thái Bình - nơi tìm được nguồn khí đầu tiên của ngành Dầu khí, bằng khát khao, bản sắc và trí tuệ của Người đi tìm lửa, tập thể CBNV PVN đã miệt mài không quản ngày đêm, dốc hết sức mình cho sự hồi sinh, hoàn thành và bảo đảm đưa vào vận hành công trình đối với dự án trọng điểm quốc gia - Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Qua báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dự án hoàn thành mà Ngân sách Nhà nước không phải bổ sung thêm, dự kiến sẽ không vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Qua đó được nhân dân và dư luận tin tưởng, ủng hộ, đặc biệt là người dân vùng dự án.
Dự án đã đóng góp hạ tầng quan trọng về năng lượng cho khu vực, cùng với đó giúp gia tăng giá trị sản xuất theo hướng công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần tác động chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, có nguồn thu ngân sách lớn, tạo nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt đối với Thái Bình trước đây được biết đến với thế mạnh về nông nghiệp.
Thủ tướng đã chỉ rõ bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 để áp dụng cho các dự án khác đang và sẽ triển khai của cả nước nói chung và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng trong đó nhấn mạnh: Trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng; luôn đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược; nhất quán, xuyên suốt, kịp thời; không chủ quan, lơ là...; chủ động ứng phó linh hoạt với những diễn biến phát sinh; thực sự đoàn kết, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; tinh thần đổi mới, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường;
Tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, giải quyết nhanh chóng, kịp thời; tranh thủ sự ủng hộ của các cấp; nâng cao năng lực tổ chức, quản lý; công tác phối hợp; tổ chức triển khai khoa học, chuyên nghiệp.... Phải biết động viên, tin tưởng người lao động, tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên trực tiếp trên công trường một niền tin tưởng vào công việc chung, vì sự nghiệp chung, sẽ luôn được tin tưởng giao nhiệm vụ và tôn vinh những cán bộ công nhân viên dám nghĩ, dám làm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong quá trình thi công xây dựng nhà máy, Dự án đã gặp nhiều khó khăn, kéo dài. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Chủ đầu tư, Tổng thầu, sự phối hợp có hiệu quả của các Cơ quan, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu trong và ngoài nước, cùng các đơn vị liên quan, đến nay Dự án đã hoàn thành, đáp ứng yêu cầu đề ra, đảm bảo chất lượng, an toàn, được Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu theo qui định.
Nhân dịp này Thủ tướng gửi lời tri ân đến các bậc lão thành cách mạng và nhân dân khu vực dự án, đã di dời đến nơi ở mới, nhường phần đất của cha ông của quê hương để xây dựng nhà máy vì mục tiêu chung tay phát triển đất nước. Thủ tướng đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo, quản lý đầu tư xây dựng Dự án hiện đại, sự hợp tác chặt chẽ của chủ đầu tư và các nhà thầu đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại để đưa Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 về đích.
Thủ tướng tin tưởng rằng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ vận hành an toàn, ổn định, có hiệu quả Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; đồng thời tiếp tục phát huy, đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khác, như NMNĐ Long Phú 1, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho đất nước.
Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng phát biểu tại lễ khánh thành Dự án. (Ảnh: Cấn Dũng) |
Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng khẳng định: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 hoàn thành đi vào hoạt động đã đáp ứng mục tiêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân tỉnh Thái Bình về bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội; nâng tổng công suất các nhà máy điện vận hành của PVN lên hơn 6.600 MW, chiếm khoảng 8,5% công suất lắp đặt cả nước, tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của PVN là nhà sản xuất điện lớn thứ 2 tại Việt Nam. Đồng thời, qua đó đã giúp cho Tập đoàn tích lũy thêm bài học kinh nghiệm, củng cố năng lực, thực hiện thành công các dự án khó khăn, phức tạp hơn, góp phần xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vững mạnh hơn.
Để đi vào vận hành, Dự án đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, vượt lên chính mình, với mục tiêu hồi sinh và đưa nhà máy vào vận hành thương mại là một quá trình phấn đấu, nỗ lực bền bỉ, vượt bậc. Đặc biệt, Dự án được các cấp lãnh đạo Trung ương, Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, Ban ngành Trung ương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và tỉnh Thái Bình đã quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt với tinh thần khắc phục khó khăn để khôi phục dự án. Từ tháng 7/2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, sát sao, đồng thời thường xuyên động viên, chia sẻ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc với mục tiêu “hồi sinh” Dự án, sớm đưa vào vận hành, tránh lãng phí nguồn lực, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình nói riêng và khu vực Bắc Bộ nói chung.
"Những chỉ đạo quyết liệt và sự động viên, chia sẻ kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ban ngành Trung ương là cơ sở, định hướng và đã giải phóng về tâm lý, tạo động lực, quyết tâm và “áp lực” cho Tập đoàn, Ban Quản lý Dự án, Tổng thầu có niềm tin, nỗ lực phấn đấu vượt qua các khó khăn, thách thức, từng bước khôi phục dự án", Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nói và khẳng định Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cam kết vận hành nhà máy an toàn, ổn định và hiệu quả; phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc huy động tối ưu sản lượng điện sản xuất của nhà máy và với chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và đảm bảo môi trường cho người dân trong vùng dự án.
Chủ tịch UBND Tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại lễ khánh thành Dự án. (Ảnh: Cấn Dũng) |
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh, tỉnh Thái Bình tự hào được coi là “cái nôi” của ngành dầu khí nên tỉnh luôn xác định Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án quan trọng, đảm bảo cung cấp diện cho phát triển kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước, đồng thời đóng góp lớn vào việc chuyển dịch nền kinh tế tỉnh Thái Bình theo hưởng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Vì vậy, ngay từ ngày đầu triển khai, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thái Bình luôn xác định đây là dự án trọng điểm của tỉnh, đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai Dự án. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương, đơn vị trong việc phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện dự án, hằng tháng tổ chức giao ban để nghe tình hình triển khai, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
“Trong quá trình thực hiện dự án, mối quan hệ gắn bó giữa tỉnh Thái Bình với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày càng trở nên khăng khít. Tỉnh thường xuyên phối hợp với chủ đầu tư chăm lo cho đội ngũ kỹ sư, công nhân lao động trên công trường, triển khai nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội... Có thể nói, Dự án nhà máy Nhiệt diện Thái Bình 2 thực sự là máu thịt, là đứa con tinh thần, là một trong những niềm kỳ vọng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thái Bình”, ông Thận cho hay.
Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động của Thủ tướng cùng đoàn công tác tại lễ khánh thành Dự ánh Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2:
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. (Ảnh: Cấn Dũng) |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm phòng điều khiển trung tâm Nhà máy. (Ảnh: Cấn Dũng) |
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân viên Nhà máy. (Ảnh: Cấn Dũng) |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự Lễ cắt băng khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. (Ảnh: Cấn Dũng) |
Các đại biểu dự Lễ cắt băng khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. (Ảnh: Cấn Dũng) |