A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổ công tác Chính phủ làm rõ năm nội dung tại Tập đoàn TKV

Sáng 19/6, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng đã thực hiện kiểm tra việc thực hiện các giải pháp về tăng trưởng tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham gia buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng.

Theo Tổ trưởng Tổ công tác, TKV là một tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò rất quan trọng, chủ lực trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong thời gian qua, Tập đoàn đã có nhiều đổi mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế, nhất là cung cấp than cho điện, bảo đảm việc làm cho nhiều người lao động. Những kết quả về sản xuất, doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận trong những tháng đầu năm là rất đáng mừng.


Mặt khác, theo báo cáo của Bộ Tài chính, thì hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đã có bước tiến bộ rất lớn so với các năm trước đây. Đặc biệt đáng chú ý là thông tin dự án sản xuất alumin tại Lâm Đồng đã có lãi 50 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017.


Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao việc TKV đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ Thủ tướng giao từ ngày 01/01/2016 đến ngày 10/6/2017. Tổng số 66 nhiệm vụ, TKV đã hoàn thành đúng hạn 64 nhiệm vụ, chưa hoàn thành đúng hạn 2 nhiệm vụ (1 nhiệm vụ chậm 5 ngày, 1 nhiệm vụ chậm do UBND tỉnh Trà Vinh chưa có ý kiến). Như vậy, có thể nói TKV đã hoàn thành 100% nhiệm vụ Chính phủ giao. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu, trong 5 nội dung Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công Thương phải có giải pháp để đảm bảo kế hoạch tiêu thụ than của TKV. Đồng thời ủng hộ đề xuất của TKV, đồng ý không cắt giảm lượng than đã ký kết với EVN từ đầu năm và đảm bảo giá than theo thị trường.


Theo chương trình làm việc, Thủ tướng giao Tổ công tác Chính phủ 5 nội dung cần quan tâm tại TKV nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.


Thứ nhất, quan tâm xử lý các sản phẩm tồn đọng. Theo đó, TKV phải có giải pháp xử lý hơn 9 triệu tấn than tồn kho.


Thứ hai, Thủ tướng chỉ đạo đối với các dự án phải tạm dừng, TKV phải có phương án rà soát lại toàn bộ để không làm thất thoát vốn đầu tư.


Thứ ba, TKV phải tập trung các giải pháp giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Đây là vấn đề khó khăn của TKV khi có lực lượng cán bộ công nhân viên với hơn 110.000 người. TKV phải phấn đấu đưa công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm...


Thứ tư, về tình trạng khai thác, vận chuyển than trái phép, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ghi nhận, thời gian qua TKV đã quyết liệt cùng Quảng Ninh trong việc đấu tranh, giải quyết cơ bản tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép than tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, TKV cần tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tại Quảng Ninh xử lý triệt để việc đào bới than trái phép, phối hợp... kiểm soát than lậu.


Thứ năm, Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến vấn đề tái cơ cấu các tập đoàn và thoái vốn ngoài ngành, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

 


Giải trình các vấn đề trên, Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, giá thành sản xuất than những năm qua vẫn tăng là do khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn làm tăng cung độ vận chuyển, tỷ trọng than hầm lò thay đổi từ 44% năm 2011 lên tới 60% năm 2016 và dự kiến còn tăng, trong khi áp lực mỏ ngày một lớn. Cùng với đó là suất đầu tư tăng làm tăng chi phí khấu hao và lãi vay, chính sách thuế và phí tăng nhanh tạo sức ép lên giá thành than của ngành… TKV đã cổ phần hóa 61 doanh nghiệp, chỉ còn 49 công ty con; hoàn thành thoái vốn ngoài ngành, thu về hơn 2.000 tỷ đồng, thặng dư 389 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu từ năm 2012 đến nay, lực lượng lao động của TKV giảm 15.000 người.


Nói về lượng than tồn kho, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Lê Minh Chuẩn cho hay, đây là tồn kho chiến lược cho nền kinh tế, ngành than tự bỏ tiền để đảm bảo nhu cầu năng lượng quốc gia, là nhiệm vụ chính trị. Việc tồn kho 9 triệu tấn là đã vượt qua định mức 1,5 – 2 triệu tấn, nếu tăng tồn kho lên nữa, tài chính ngành than rất khó khăn. Năm 2017, ngành đã cân đối theo kế hoạch chỉ đạo của Nhà nước, của Bộ giao cho là 19,42 triệu tấn than nội địa.


Theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngành đã sản xuất tăng thêm 2 triệu tấn để đáp ứng chỉ tiêu tăng GDP. Tuy nhiên, ông Chuẩn cho rằng, đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm 2 triệu tấn than, cùng với 2 triệu tấn than khai thác thêm khiến ngành than tồn 4 triệu tấn, nâng tổng tồn kho lên đến 13 - 14 tiệu tấn sẽ khiến cho 4.000 công nhân mất việc làm, tương đương với một mỏ than hầm lò bị đóng cửa. Điều này cũng kéo theo an ninh trật tự trên địa bàn bị ảnh hưởng và nộp ngân sách Nhà nước sẽ bị giảm sút.


Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, than khai thác ra không phải bán ngay mà còn phải qua nhiều công đoạn mới bán được, ít nhất phải lưu trữ 5 triệu tấn trong quá trình đưa đi tiêu thụ, vì vậy cần đánh giá chính xác về con số tồn kho. Nhấn mạnh TKV phải hướng tới cạnh tranh lành mạnh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, không chỉ là vấn đề về giá, cạnh tranh theo hướng thị trường, mà TKV hiện có khoảng 113.000 người lao động cùng gia đình của họ thì vấn đề bố trí công ăn việc làm, giúp ổn định về kinh tế, xã hội cũng hết sức quan trọng, “chúng ta không thể chạy theo kinh tế mà bỏ qua các vấn đề ổn định chính trị xã hội”.


Thông tin rất nhiều khoáng sản nếu chế biến sâu sẽ lỗ, thay vào đó, xuất khẩu ngay từ công đoạn nào chi phí thấp nhất, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết thông tin TKV lỗ hơn 3.000 tỷ đồng trong 3 năm qua với hai dự án bauxit Tân Rai và Nhân Cơ là không chính xác. Đây là lỗ theo kế hoạch (theo tính toán 5 năm được lỗ) thì hiện nay, sau lỗ 3 năm với hơn 3.000 tỷ đồng, năm nay (năm thứ tư), dự án Tân Rai đã bắt đầu có lãi. Nếu trung bình 1 năm lỗ 1.000 tỷ đồng, nếu năm nay cắt lỗ 1.000 tỷ đồng, cùng với lãi 1.000 tỷ đồng nữa là năm nay TKV lãi 2.000 tỷ đồng.


Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đánh giá, còn nhiều dự án của TKV đầu tư chưa hiệu quả. “Đến thời điểm này quan điểm của tôi không làm dự án mới, tập trung làm dứt điểm các dự án hiện có”.


Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, TKV đã sản xuất 18,3 triệu tấn than, đạt 54% kế hoạch năm, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng than tiêu thụ là 18,03 triệu tấn, đạt 50% kế hoạch năm và tăng 2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lượng tồn kho than thương phẩm lên tới 9,3 triệu tấn.


Doanh thu toàn Tập đoàn ước khoảng 53.300 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Nộp ngân sách Nhà nước 6.300 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1.000 tỷ đồng. Dự kiến cả năm, lợi nhuận của Tập đoàn đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với năm 2016.


Ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, ngày 26/5 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có báo cáo Bộ Công Thương về việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN.


Theo đó, EVN đề xuất điều chỉnh lại nhu cầu sử dụng than của TKV năm 2017 từ 19,92 triệu tấn giảm xuống còn 17,92 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với kế hoạch để tăng tương ứng mua than của 2 đơn vị mới.


Theo lãnh đạo TVK, EVN giảm mua sẽ khiến lượng tồn kho than tăng tương ứng thêm 2 triệu tấn. Hiện tồn kho than tính đến tháng 6/2017 ở mức 9,3 triệu tấn. Chưa kể, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lượng tồn kho dự kiến tiếp tục tăng do TKV sẽ phải tăng sản lượng khai thác thêm 2 triệu tấn nhằm tăng đóng góp cho tăng trưởng GDP cả năm.


Trong trường hợp cắt giảm sản lượng cũng sẽ gây thiệt hại cho TKV do đã ký hợp đồng với các đối tác để triển khai kế hoạch từ đầu năm 2017 như: hợp đồng thuê máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng mua sắm vật tư…


TKV kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo EVN và PVN chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV và Tổng Công ty Đông Bắc trong năm 2017. Đồng thời, đề xuất việc cấp than từ các hộ khác (ngoài TKV và Tổng Công ty Đông Bắc) cho EVN và PVN chỉ thực hiện từ năm 2018.


Tại buổi làm việc, ông Hải cũng cho biết, dù năng suất lao động của TKV trong năm 2016 đã tăng gấp 1,4 lần so với năm 2005 và tăng gần 4,2 lần so với năm 1995 nhưng do điều kiện khai thác khó khăn, đầu tư công nghệ và gánh nặng thuế phí khiến giá thành sản xuất than vẫn có xu hướng tăng trong những năm qua. Cụ thể, chi phí đầu tư công nghệ làm tăng giá thành so với năm 2011 là 1.800 tỷ đồng; chi phí khấu hao và lãi vay khiến tăng giá thành 1.900 tỷ đồng và thuế, phí làm tăng tới 3.200 tỷ đồng; ngoài ra tiền lương và yếu tố đầu vào khác như xăng dầu cũng khiến đội giá thành hàng nghìn tỷ đồng.


Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu TKV quán triệt nghiêm túc Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, đồng bộ triển khai các giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực. Trong đó, TKV phải khai thác đạt 35 triệu tấn than, đẩy nhanh tiến độ các dự án alumin và có các phương án, giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra. Với các nhiệm vụ đó, TKV phải đạt mức thấp nhất là 0,8 điểm % GDP. “Thủ tướng giao TKV phải đề xuất với Chính phủ các phương án đảm bảo tăng trưởng sản xuất kinh doanh. Đoàn công tác sẽ báo cáo Thủ tướng các phương án này tại phiên họp Chính phủ vào ngày 3/7 tới”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói rõ: "Đề nghị Bộ Công Thương có giải pháp cấp bách tiêu thụ lượng than tồn kho, quan điểm Thủ tướng là không cắt giảm tiêu thụ lượng than do TKV cung cấp cho EVN".


Với lượng than tồn kho, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, nếu đảm bảo than sau chế biến, than sạch thì đề nghị Bộ Công Thương xem xét hạn ngạch để xuất khẩu.


Bộ trưởng cũng cho rằng nếu không sớm có giải pháp thì lượng tồn kho than lớn sẽ là vấn đề trở ngại cho tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của tập đoàn. Do đó, một mặt Chính phủ quan tâm đến các cơ chế chính sách, tạo thuận lợi để tập đoàn hạ giá thành sản phẩm, mặt khác TKV phải nỗ lực đổi mới quản trị, giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.


Tin nổi bật

Liên kết website