Tổng hợp các hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần qua
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV đã diễn ra tuần qua tại Thủ đô Hà Nội. Tại Kỳ họp, các vấn đề được Quốc hội xem xét như Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Các dự án luật quan trọng; Kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Thành phố Hải Phòng tham dự Kỳ họp.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng các địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản đến vụ tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế, lấy thị trường trong nước làm nền tảng xuất khẩu theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu và sẵn sàng vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm ngăn chặn sai phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công Thương tổng hợp các hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần từ ngày 23/5/2022 đến ngày 29/5/2022 và gửi đến bạn đọc.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
Quốc hội xem xét, thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023
Sau phiên khai mạc ngày 23/5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc ngày 24/5, Quốc hội nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; Báo cáo tổng kết và Báo cáo đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017; Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Trong phiên họp chiều, Quốc hội nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Chi tiết xem tại đây
Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
Ngày 25/5 Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Trong phiên họp buổi chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Chi tiết xem tại đây
Quốc hội thảo luận các dự án Luật quan trọng
Ngày 26/5 Quốc hội làm việc tại Hội trường và thảo luận ở tổ về các dự án Luật. Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội sẽ nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động. Sau đó, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Trong phiên họp buổi chiều, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Chi tiết xem tại đây
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Bàn cách để doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với người nông dân
Ngày 29/5 đã diễn ra Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ đối thoại nông dân Việt Nam”, đây là lần thứ 4, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam được tổ chức và là Hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới. Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức. Tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trả lời nhiều nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động nông nghiệp được cả nước quan tâm.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã nỗ lực kiểm soát tăng giá, đặc biệt là những mặt hàng có tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấu thành giá sản phẩm.
Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu chính sách bảo đảm về thuế, phí và trong trường hợp giá cả tiếp tục leo thang sẽ có đề xuất trợ giá để hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, vấn đề trượt giá là vấn đề mang tính chất toàn cầu, không riêng quốc gia nào. Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để sớm bình ổn giá các mặt hàng, nguyên liệu đầu vào.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự Hội nghị Bộ trưởng về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF)
Chiều ngày 23 tháng 5 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF) sau khi Khuôn khổ này được các nhà lãnh đạo Cấp cao công bố chính thức khởi động quá trình thảo luận. Hội nghị có sự góp mặt của Bộ trưởng 13 quốc gia quan tâm bao gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan, Ấn Độ, Bờ-ru-nây và Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hợp tác khu vực và đa phương, luôn sẵn sàng trao đổi và thảo luận với các nước liên quan để làm rõ nội hàm của Khuôn khổ này. Bộ trưởng cũng hy vọng IPEF sẽ được xây dựng một cách cụ thể, linh hoạt, cân bằng và phù hợp với trình độ phát triển từng thành viên để mang lại lợi ích thiết thực cho toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Chi tiết xem tại đây
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên điện đàm với Bà Katherine Tai - Đại sứ, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR)
Trưa ngày 20 tháng 05 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi điện đàm với Đại sứ, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) - Bà Katherine Tai để triển khai các kết quả sau chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Hoa Kỳ từ ngày 12 đến ngày 19 tháng 5 năm 2022.
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Đại sứ Katherine Tai đã tập trung làm rõ các lợi ích kinh tế - thương mại của Việt Nam và Hoa Kỳ để làm cơ sở cho việc thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới. Trên tinh thần đó, hai bên thống nhất kế hoạch tiếp tục làm việc và thảo luận các nội dung đã được Lãnh đạo hai bên thống nhất để có các kết quả thiết thực, phù hợp với lợi ích của mỗi bên.
Chi tiết xem tại đây
Lễ khởi động Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh cho 09 doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Vĩnh Phúc
Trong ngày 24 tháng 5 năm 2022, Bộ Công thương phối hợp cùng Samsung Việt Nam đã tổ chức Lễ khởi động Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh cho 09 doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Vĩnh Phúc. Tham dự Lễ khởi động dự án có sự hiện diện của ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương
Đây là hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đã được Samsung phối hợp cùng Bộ Công Thương ký kết biên bản ghi nhớ vào tháng 2/2022 với mục tiêu hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại 50 doanh nghiệp và đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh 02 năm (2022 – 2023).
Chi tiết xem tại đây
Bộ Công Thương tiếp tục chung tay cùng tỉnh Bắc Giang trong công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều
Ngày 25/5/2022, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trực tuyến Xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2022. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã tham gia và phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chúc mừng và đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Bắc Giang trong việc nâng cao chất lượng và sản lượng thu hoạch vải thiều trong năm 2022. Theo Thứ trưởng, đây là tin vui đối với nhân dân tỉnh Bắc Giang nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn đối với vấn đề đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Thứ trưởng khẳng định Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng các địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản đến vụ ở cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế, lấy thị trường trong nước làm nền tảng, phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững.
Chi tiết xem tại đây
Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022
Ngày 29/5, tại tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông tỉnh Hải Dương đã diễn ra “Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022”. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp và được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu với các Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và khu vực trên thế giới cùng sự tham gia của Sở Công Thương các địa phương và doanh nghiệp trong nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hải Dương trong việc quan tâm và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa cũng như mở rộng xuất khẩu tới các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương xây dựng các phương án, kịch bản đẩy mạnh tiêu thụ quả vải thiều Thanh Hà và nông sản tại thị trường nước ngoài để Hải Dương có thể chủ động trong công tác sản xuất và tiêu thụ. Vải thiều Thanh Hà - Hải Dương đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao về chất lượng của nhiều đầu mối nhập khẩu nước ngoài. Đồng thời, nhằm đem quả vải Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế
Chi tiết xem tại đây
Thứ trưởng Đặng Hoàng An chủ trì Khóa họp JETCO 12 và các sự kiện bên lề
Ngày 25 tháng 5 năm 2022, tại Luân Đôn, Vương quốc Anh, Khóa họp lần thứ 12 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh (JETCO 12) đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An và Quốc vụ khanh Chính sách thương mại, Bộ Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Penny Mordaunt.
Phát biểu tại Khóa họp JETCO 12, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã khẳng định qua 11 kỳ họp trước, cơ chế về Hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh đã có những bước phát triển bền vững, góp phần giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp hai nước. Hiệp định UKVFTA đi vào thực thi được hơn 1 năm đã giúp thương mại xuất nhập khẩu hai chiều tăng trưởng tích cực bất chấp đại dịch COVID-19, đạt 6,6 tỷ USD năm 2021, tăng 17,2% so với năm 2020.
Chi tiết xem tại đây
Công tác tổ chức Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2022-2027
Năm 2022, tuổi trẻ cả nước cùng nhau nô nức đẩy mạnh các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đoàn, nhiệm kỳ 2022-2027.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban cán sự đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Công Thương và Đoàn Khối các cơ quan Trung ương các công tác chuẩn bị đã được Ban Thường vụ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Đoàn Thanh niên) Bộ Công Thương triển khai sâu rộng từ cấp Bộ đến cấp cơ sở.
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tiếp tục triển khai nghiêm túc và hiệu quả các công tác đoàn và phong trào thanh niên năm 2022, nhằm chuẩn bị một bước cho công tác tổ chức Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Công Thương lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022 - 2027 và chào mừng đại hội đoàn các cấp,
Chi tiết xem tại đây
Bộ Công Thương đẩy mạnh các hoạt động cảnh báo sớm, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp
Với quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2019 phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ (Đề án 824) và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 về một số biện pháp cáp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Để triển khai Đề án 824, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo gồm 11 mặt hàng để thông tin cho các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác. Trên cơ sở danh sách cảnh báo do Bộ Công Thương cung cấp, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài. Kết quả xác minh đã phát hiện một số doanh nghiệp cá biệt có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam, từ đó các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý phù hợp.
Chi tiết xem tại đây
Sẵn sàng vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm ngăn chặn sai phạm trong kinh doanh xăng dầu
Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia có đường dẫn tại http://quanlyxangdau.moit.gov.vn. Trong giai đoạn 1, có 2 thương nhân sản xuất, 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và khởi tạo thông tin 329 thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu được tạo tài khoản có thể đăng nhập, tra cứu, cấp nạp dữ liệu tại đây.
Hiện nay, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương đã có 01 chuyên mục về công khai minh bạch hoạt động kinh doanh xăng điện, xăng dầu. Tại đây, Bộ Công Thương đăng tải các thông tin về giá thế giới (dùng để tính giá cơ sở), giá bán lẻ, tên các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu. Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia.
Chi tiết xem tại đây
Bộ Công Thương tổ chức xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2021
Năm 2021, dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng ấn tượng so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 đạt 336,3 tỷ USD tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đạt được kết quả này, bên cạnh sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt và linh hoạt của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, còn là sự nỗ lực và quyết tâm cao của cộng đồng doanh nghiệp.
Với mục tiêu ghi nhận đóng góp tích cực của các doanh nghiệp trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín của Việt Nam với đối tác nước ngoài, Bộ Công Thương triển khai tổ chức xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2021.
Chi tiết xem tại đây
Các hoạt động xúc tiến thương mại
Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Kuwait
Tại phiên tư vấn, ông Trần Trung Hiếu - Bí thư thứ hai, Thương vụ Việt Nam tại Kuwait sẽ giới thiệu tổng quan thị trường các sản phẩm chế biến (từ nông sản, thực phẩm…) tại Kuwait; vấn đề tiếp cận, áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sản phẩm này sang thị trường Kuwait. Bên cạnh đó, ông Ali Al Sayeghm, Chủ tịch Công ty quốc tế Lemonade về Quản lý Hội nghị và Triển lãm (tại Kuwait) kiêm Chủ tịch Công ty Cổng Thông tin quốc tế về Xuất nhập khẩu (tại Việt Nam) sẽ tham gia chia sẻ một số kinh nghiệm và những điều cần biết khi kinh doanh với thị trường Kuwait.
Năm 2021 Việt Nam nhập khẩu từ Kuwait đạt hơn 4,7 tỷ USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước đó, chủ yếu là nhập khẩu lượng lớn dầu thô từ Kuwait phục vụ cho hoạt động lọc hóa dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Theo Cơ quan Hải quan Kuwait, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam của Kuwait chỉ chiếm tỷ trọng hơn 1% tổng kim ngạch nhâp khẩu của Kuwait.
Chi tiết xem tại đây
Hội nghị các Tổ chức xúc tiến thương mại thế giới lần thứ 13 (WTPO 2022)
Vừa qua, tại thủ đô Accra, nước Cộng hoà Ghana đã diễn ra Hội nghị các Tổ chức Xúc tiến thương mại thế giới lần thứ 13, sự kiện do Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), tổ chức của Liên Hợp quốc và WTO chủ trì và diễn ra 2 năm một lần. Hội nghị năm 2022 được tổ chức tại Ghana, tập trung vào chủ đề “các giải pháp táo bạo để kiên định và phục hồi”, các nước đăng cai tổ chức theo hình thức luân phiên và bầu chọn. Hội nghị thảo luận về các xu hướng lớn toàn cầu, nghiên cứu, khám phá các cơ hội đầu tư và thương mại toàn cầu liên quan đến Khu vực Thương mại Tự do.
Tại Hội nghị, Bộ Công Thương đã được ITC đề xuất tham gia phiên toạ đàm về Chuyển đổi số, đặc biệt tập trung vào giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm về Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số (Theo Quyết định của Chính phủ số 1968/QĐ-Tg ngày 22 tháng 11 năm 2021 về Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030).
Chi tiết xem tại đây
Hội nghị giao thương Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu thông tin và tăng cường kết nối giao thương với đối tác, doanh nghiệp của Lào và Campuchia, thực hiện mục tiêu đa dạng hóa thị trường và công tác xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á – châu Phi phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại) tổ chức Hội nghị giao thương Việt Nam – Lào và Việt Nam – Campuchia (trực tuyến và trực tiếp).
Hội nghị nhằm giới thiệu tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam các thông tin thị trường Lào và Campuchia; nhu cầu nhập khẩu của thị trường Lào và Campuchia đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam; tiềm năng và lợi thế của một số hàng hóa Việt Nam cung ứng cho thị trường Lào và Campuchia. Đến tham dự Hội nghị các doanh nghiệp cũng sẽ được chia sẻ, giải đáp thắc mắc về thị trường Lào và Campuchia. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng sẽ có cơ hội được giao lưu, kết nối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bạn hàng uy tín của Lào và của Campuchia
Chi tiết xem tại đây
Phiên tư vấn xuất khẩu thủy sản sang thị trường Châu Phi
Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại Châu Phi tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu thủy sản sang thị trường Châu Phi ngày 26/5/2022.
Tại phiên tư vấn, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Châu Phi sẽ thông tin về tình hình một số thị trường thủy sản quan trọng của Việt Nam ở Châu Phi như Ai Cập, Algeria, Nam Phi, Nigeria; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận những thông tin cập nhật về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu thủy sản của thị trường các nước Châu Phi.
Chi tiết xem tại đây
Phiên tư vấn xuất khẩu thủy sản sang các thị trường RCEP
Nhằm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những thông tin cập nhật về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu thủy sản của thị trường các nước tham gia RCEP để từ đó doanh nghiệp và nhà sản xuất Việt Nam áp dụng và tuân thủ, ngày 27/5/2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại các nước RCEP tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu thủy sản sang các thị trường RCEP.
Phiên tư vấn có sự tham gia hỗ trợ của Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trong việc tổ chức trực tiếp chương trình tại thành phố Vũng Tàu. Phiên tư vấn cũng đồng thời được tổ chức trực tuyến trên nền tảng Zoom và fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp ngoài tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có điều kiện tham gia, nắm bắt những thông tin hữu ích của chương trình.
Chi tiết xem tại đây
Diễn đàn kinh tế Annaba tại Algeria
Trong hai ngày 25 và 26/5/2022 tại Annaba – một tỉnh phía Bắc cách thủ đô Algiers 560 km, Hiệp hội thanh niên Algeria phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Annaba đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Annaba, tầm nhìn 2030 quy tụ hàng trăm đại biểu là các chuyên gia kinh tế, doanh nhân, nhà đầu tư, đại diện các bộ, ngành Algeria và các tổ chức kinh tế tài chính cũng như sự đại diện một số đại sứ quán các nước châu Phi, châu Âu và châu Á, trong đó có Việt Nam.
Nhân dịp này, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã giới thiệu tiềm năng thương mại và đầu tư của Việt Nam, quan hệ hợp tác giữa hai nước cũng như tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác cho các doanh nghiệp Việt Nam với các địa phương của Algeria.
Chi tiết xem tại đây
Hội nghị giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam với các thị trường RCEP 2022
Nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tận dụng các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên RCEP, trong hai ngày 30-31/5/2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại các nước thành viên RCEP tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam với các thị trường RCEP 2022.
Tại phiên toàn thể hội nghị, các chuyên gia, nhà nhập khẩu, đại diện Thương vụ Việt Nam tại một số nước thành viên RCEP (Trung Quốc, Nhật Bản, Australia) sẽ giới thiệu về tiềm năng, nhu cầu và cơ hội đối với các mặt hàng thủy sản của Việt Nam tại các thị trường RCEP. Sau phiên toàn thể sẽ diễn ra các Phiên giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp từ các nước RCEP. Đây chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam giới thiệu, quảng bá về doanh nghiệp và sản phẩm, phát triển thêm các mối khách hàng tiềm năng từ thị trường RCEP.
Chi tiết xem tại đây
Tọa đàm “Vai trò của Chính phủ và các Bộ, Ngành trong việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam”
Đi cùng tốc độ phát triển của thương mại điện tử, các giao dịch thương mại truyền thống ứng dụng hợp đồng điện tử có chứng thực sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tối đa hiệu suất kinh doanh và tiếp cận khách hàng tiềm năng. Đây là chia sẻ của ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương tại Tọa đàm “Vai trò của Chính phủ và các Bộ, Ngành trong việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam” diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2022 tại Hà Nội trong hai ngày 25 và 26/5/2022.
Diễn đàn thu hút trên 2500 lượt đại biểu tham dự trực tiếp và 10.000 lượt đại biểu tham dự qua các nền tảng trực tuyến, là lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty, các doanh nghiệp, tổ chức thuộc các ngành kinh tế có nhu cầu về chuyển đổi số; lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu trong nước, các đoàn doanh nghiệp quốc tế, các đơn vị nghiên cứu, chuyên gia và các cơ quan báo chí truyền thông. Song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, căn cứ cấp phép cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã phát triển hệ thống Trục phát triển hợp đồng điện tử quốc gia (CeCA.gov.vn).
Chi tiết xem tại đây