A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đà Nẵng đặt tham vọng tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ trong cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 30%

UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt Quyết định số 1928/QĐ-UBND ban hành Quy chế xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, Sở Công Thương là cơ quan chủ trì tham mưu giúp UBND thành phố việc xây dựng, tổ chức quản lý và triển khai thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố theo từng giai đoạn và hàng năm; Tham mưu giúp UBND thành phố tổ chức triển khai thực hiện quy chế theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công...

Các khu công nghiệp đang tăng tốc nối lại chuỗi sản xuất

UBND thành phố giao Sở Tài chính căn cứ nguồn và khả năng cân đối ngân sách thành phố, tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí thực hiện chương trình theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; cử đại diện tham gia làm thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá, lựa chọn các đề án tham gia chương trình.

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các hội, hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, các tổ chức có liên quan có trách nhiệm tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý đăng ký đề án tham gia Chương trình; cử đại diện tham gia làm thành viên hội đồng thẩm định đánh giá, lựa chọn các đề án tham gia chương trình khi có đề nghị của Sở Công Thương.

Đơn vị thụ hưởng đề án (doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ) có trách nhiệm sử dụng tài sản hình thành do đầu tư, mua sắm từ nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố đúng mục đích và có hiệu quả; định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm trong vòng 3 năm kể từ khi đề án kết thúc, gửi báo cáo đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản được hỗ trợ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị cho Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.

Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ trong cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 30% (năm 2020 mới đạt tỷ lệ 23,5%). Trong đó, tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông chiếm trên 20% (năm 2020 có tỷ lệ 12,5%). Tập trung hoàn thành và đưa vào hoạt động khu công nghiệp hỗ trợ khu Công nghệ cao Đà Nẵng, hoàn thành các phân khu dành cho phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp trên địa bàn.

Hiện nay, CNHT là lĩnh vực ưu tiên tập trung phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30/10/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về "phát triển CNHT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh để đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn vào thành phố, nhất là các dự án thuộc các lĩnh vực khó thu hút đầu tư như: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo máy móc thiết bị và các lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao khác.

Nhằm khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp/nhà đầu tư, nhất là doanh nghiệp trong nước quan tâm đầu tư phát triển CNHT trên địa bàn thành phố, ngày 17/12/2021, Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND về quy định chính sách phát triển CNHT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thay thế Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND ngày 11/8/2016 và Nghị quyết số 206/2018/NQ-HĐND ngày 19/12/2018.

Chính sách mới theo Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND có nhiều nội dung hỗ trợ mang tính chất đặc thù của Đà Nẵng, nhiều nội dung hỗ trợ theo quy định của Trung ương nhưng có mức chi hỗ trợ cao hơn, điều kiện thụ hưởng thuận lợi hơn và danh mục sản phẩm CNHT được thụ hưởng chính sách được mở rộng hơn. Qua đó, Thành phố khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động thu hút, phát triển sản xuất sản phẩm CNHT; hỗ trợ doanh nghiệp CNHT từng bước hiện đại hóa sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường khả năng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp lắp ráp, nhất là các doanh nghiệp FDI để từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30/10/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về phát triển công nghiệp hỗ trợ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 Thành phố có trên 150 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; trong đó, có ít nhất 10% doanh nghiệp trong nước đủ năng lực cung ứng sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; giá trị công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 30% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thu hút ít nhất 1 công ty, tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, Thành phố có trên 300 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ít nhất 15% doanh nghiệp trong nước đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; giá trị công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 40% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; trên mỗi lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thu hút ít nhất 1 công ty, tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.


Tác giả: An Nghiệp

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website