Tập trung tháo gỡ khó khăn bơm lực cho ngành sản xuất công nghiệp phục hồi
Theo báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 7 tháng năm 2022, tiếp nối những kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước trong tháng 7/2022 tiếp tục đà hồi phục mặc dù tốc độ tăng chậm hơn so với các tháng trước đó, cho thấy các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.
Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng
Cụ thể, chỉ số IIP tháng 7 mặc dù chỉ tăng 1,6% so với tháng 6 nhưng tăng tới 11,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,2%). Tính chung 7 tháng, IIP tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp khi tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,7%), ngành sản xuất phân phối điện tăng 6,4%, ngành khai khoáng tăng 3,6%, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 4,5%.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động ổn định trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 68,5%; sản xuất đồ uống tăng 19,5%; sản xuất trang phục tăng 23%; sản xuất thiết bị điện tăng 21%.
Tuy nhiên, chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất sản xuất từ cao su và plastic giảm 8,4%; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 1%.
Cơ bản năm 2022 sẽ không thiếu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt
Về tình hình sản xuất cung ứng điện, theo báo cáo, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện tháng 7 năm 2022 ước đạt 24,327 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn khoảng 0,88 tỷ kWh so với Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022 được phê duyệt tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2021 về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022 (Quyết định số 3063/QĐ-BCT). Lũy kế 7 tháng năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 157,454 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn 1,373 tỷ kWh so với Quyết định số 3063/QĐ-BCT.
Tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 7 tháng đầu năm 2022 đã đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên cả nước nói chung, đặc biệt là trong các dịp nghỉ Lễ, Tết dài ngày, trong thời gian diễn ra SEA Games 31 và trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Theo tính toán cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong Phương thức vận hành hệ thống điện tháng 8 năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện 5 tháng còn lại của năm 2022 ước đạt 116,882 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống). Lũy kế cả năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 274,336 tỷ kWh, tăng 7,6% so với năm 2021, bằng 99,6% so với mức dự báo tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT.
Căn cứ tính toán cập nhật về kế hoạch cung cấp điện cho các tháng tới, cơ bản năm 2022 sẽ không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong cả nước. Tuy nhiên trong thời gian tới, trường hợp nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến trong các ngày thời tiết cực đoan nắng nóng kéo dài hoặc sự cố xếp chồng các nhà máy điện lớn, đường dây truyền tải quan trọng, khu vực miền Bắc có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh tại một số giờ cao điểm.
Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong năm 2022, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các nhà máy thủy điện tập trung thực hiện tích nước các hồ thủy điện để chuẩn bị cho mùa khô năm 2022. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương sử dụng tiết kiệm nguồn nước thủy điện, nhất là dịp cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân 2022 tại đồng bằng Bắc bộ, qua đó cho đến nay hầu hết các thủy điện đều duy trì được mực nước khá cao.
Ngoài ra, trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao do ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị trên thế giới, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị cung cấp than, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than có giải pháp đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện.
Cùng với đó, Chỉ đạo các đơn vị điện lực sắp xếp kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hợp lý, rút ngắn thời gian bảo dưỡng, tránh sửa chữa các nguồn điện trong thời gian cao điểm nắng nóng.
Chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ các công trình đường dây truyền tải, đặc biệt là các đường dây 500 kV, 220 kV truyền tải bổ sung công suất cho khu vực miền Bắc.
Yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, các Tổng công ty Điện lực bám sát tình hình phụ tải thực tế, cập nhật dự báo phụ tải năm 2022. Trên cơ sở đó, chủ động lập kế hoạch, làm việc trực tiếp với từng đối tượng khách hàng để xây dựng các giải pháp về chuyển đổi mô hình, thời gian sản xuất nhằm đảm bảo cung cấp điện, tập trung vào các giải pháp khả thi, ngắn hạn có thể thực hiện được ngay.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất
Theo nhận định của Bộ Công Thương, trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc; Làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu. Gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí… Cầu nội địa phục hồi và gia tăng dần do việc mở cửa du lịch trở lại kích thích mua sắm, tiêu dùng, sản xuất phục hồi, người lao động trở lại làm việc, thu nhập gia tăng.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, rủi ro, thách thức còn rất lớn, triển vọng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục chịu chi phối bởi chiều hướng của xung đột Nga - Ucraina và điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và tiêu dùng từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu; Giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao, thiếu hụt lao động cục bộ, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu giảm... đòi hỏi toàn ngành không được lơ là, chủ quan, theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt được các mục tiêu đạt ra của ngành..
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương phối hợp với Bộ làm việc và theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Huy động tối đa các nguồn lực, bám sát tình hình và có phương án chuẩn bị trong các trường hợp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón…cho sản xuất và sinh hoạt.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp. Các địa phương tạo điều kiện giải phóng mặt bằng những dự án trọng điểm, cấp bách, tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính của các dự án trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại trên địa bàn.