A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đà Nẵng: Nhiều dư địa để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Hiện tại, Đà Nẵng còn nhiều dư địa để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và địa phương cần tận dụng để đẩy mạnh lĩnh vực này.

Công nghiệp hỗ trợ- 1 trong 3 lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn

Tại Đà Nẵng, phát triển công nghiệp hỗ trợ được xác định là 1 trong 3 lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn được ưu tiên phát triển, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh để đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn vào Đà Nẵng. Theo số liệu, hiện Đà Nẵng có khoảng 110 doanh nghiệp đang hoạt động và có khả năng tham gia vào hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm 6,3% tổng số doanh nghiệp công nghiệp toàn địa bàn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển còn khá ít, chỉ khoảng 52 doanh nghiệp với hầu hết là doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ. Chưa kể đến là giá trị tăng thêm của ngành cơ khí chế tạo (không bao gồm các ngành sản xuất lắp ráp ô-tô, phương tiện vận tải) chiếm 14,4% tổng giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo thành phố, trong đó lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí và chế tạo máy móc chỉ chiếm khoảng 1,9%.

Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhìn nhận, với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào công nghệ kỹ thuật số, đã đưa sự hợp tác và phát triển của các quốc gia trên thế giới lên một cấp độ hoàn toàn mới. Theo ông Chinh, trên cơ sở các hiệp định hợp tác song phương và đa phương về kinh tế thương mại, nhiều quốc gia đã chủ động xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách tham gia vào nền kinh tế thế giới thông qua mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu, trong đó sản xuất, cung ứng hàng hóa từ công nghiệp hỗ trợ là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Trong những năm qua, Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ để cùng với công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin trở thành ba trụ cột phát triển ngành công nghiệp thành phố.

Cùng với đó, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết  quy định chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Đà Nẵng và UBND thành phố đã ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025 nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố”, ông Chinh thông tin.

Cùng quan điểm, tại Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo TP. Đà Nẵng năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, Đà Nẵng đóng vai trò hạt nhân, quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong 6 tháng năm 2023 cơ cấu ngành kinh tế của TP. Đà Nẵng, nhóm ngành công nghiệp chiếm 14,2%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 12,2% trong GRDP toàn ngành kinh tế. “Với những thế mạnh sẵn có về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, TP. Đà Nẵng còn nhiều dư địa để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ”- Lãnh đạo Bộ Công Thương nhìn nhận.

Phân bổ nguồn lực, thức đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Trong giai đoạn vừa qua, Đà Nẵng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ để cùng với công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. Cùng với đó, Đà Nẵng đã có một nghị quyết về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng về số lượng và năng lực, có khả năng tạo ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao. Cụ thể, Đà Nẵng sẽ định hướng thu hút các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm như linh kiện, phụ tùng, vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và các dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các ngành công nghiệp ưu tiên,...

Ngoài ra, địa phương này cũng đặt mục tiêu thu hút được một số công ty, tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh để dẫn dắt, chuyển giao công nghệ, sử dụng sản phẩm trung gian, tác động lan tỏa phát triển công nghiệp hỗ trợ. Song song với đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo quỹ đất sạch để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp,...

Nêu giải pháp để phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, Đà Nẵng cần đẩy mạnh cơ chế huy động nguồn vốn xã hội hóa, quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế, chính sách riêng và phát triển hạ tầng công nghiệp đồng bộ, hiện đại,...

Một trong những giải pháp để hiện thực hóa những mục tiêu là tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài. Đồng thời, vai trò của địa phương cũng ngày càng trở nên rõ nét thông qua việc xây dựng và thực thi các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù của địa phương, phân bổ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, trong đó có công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Chia sẻ thêm, ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho hay, với Đà Nẵng, địa phương cần đẩy mạnh cơ chế huy động nguồn vốn xã hội hóa, quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế, chính sách của thành phố. Đồng thời, địa phương cần xây dựng và phát triển hạ tầng công nghiệp tại địa phương đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ…


Tác giả: Việt Duy

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website