A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dệt may Bangladesh - phục hồi cùng những hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ

Dịch Covid-19 đã làm cho ngành dệt may của Bangladesh trải qua giai đoạn rất khó khăn và suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là hàng may mặc. Tuy nhiên, nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía Chính phủ, sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may nước này đã hồi phục mạnh.

Lao đao vì Covid-19

Theo nguồn tổng hợp của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, trong năm tài khóa 2018- 2019, Bangladesh là nhà cung cấp hàng may mặc lớn thứ hai trong chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu 34,13 tỷ USD. Tuy nhiên, trong năm tài chính 2019-2020, do tác động của Covid-19 xuất khẩu hàng may mặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 27,94 tỷ USD, giảm gần 20% (gần 6 tỷ USD) so với năm tài khóa trước. Theo báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), năm 2020 Bangladesh đã để mất vị trí nhà sản xuất hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới.

Trong đó, trị giá xuất khẩu lĩnh vực dệt may chính như dệt, kéo sợi, hoàn thiện, nhuộm và giặt giảm gần 2,3 tỷ USD và xuất khẩu hàng may mặc giảm khoảng 3,18 tỷ USD.

Phục hồi từ các gói hỗ trợ

Thực tế, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh trong năm tài chính 2020- 2021 (kết thúc vào tháng 6/2021) đạt 31,5 tỷ USD (cả ngành đạt 38,7 tỷ USD), tăng gần 13% so cùng kỳ năm trước, mặc dù vẫn thấp hơn 7% kết quả của năm 2018-2019 trước dịch. Xuất khẩu hàng dệt kim tăng 21,94% so cùng kỳ năm trước, đạt xấp xỉ 17 tỷ USD, xuất khẩu hàng dệt thoi cũng tăng 3,24% so cùng kỳ năm trước, đạt 14,5 tỷ USD, đặc biệt xuất khẩu hàng dệt gia dụng (home textiles) tăng 49,17% so cùng kỳ năm trước, đạt 1,13 tỷ USD. Cùng với sự phục hồi nhu cầu tại các thị trường chính của Bangladesh như EU và Hoa Kỳ, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Bangladesh góp phần quan trọng giúp ngành dệt may Bangladesh phục hồi trong năm tài chính 2021- 2022.

Chính phủ đã phân bổ các gói kích cầu, chính sách hỗ trợ và ưu đãi cho ngành dệt may, chủ yếu để duy trì hoạt động kinh doanh và việc làm trong thời điểm khủng hoảng khi một số lượng lớn công nhân mất việc làm và các nhà máy, xí nghiệp phải đối mặt với tình trạng đình trệ và thậm chí là huỷ bỏ các hoạt động sản xuất. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Bangladesh cụ thể như sau:

Từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2020, Chính phủ Bangladesh đã sử dụng 12,2 tỷ USD, chiếm 3,7% GDP để hỗ trợ đại dịch Covid-19 với định hướng hỗ trợ chính vào các ngành xuất khẩu, nông nghiệp, người lao động có thu nhập thấp và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Một trong số các gói hỗ trợ của Chính phủ có liên quan đến ngành may mặc gồm:

Gói kích thích 50 tỷ BDT (khoảng 595 triệu USD) dành cho các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu: Hình thức hỗ trợ vay để trả lương công nhân trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2020). Người vay sẽ trả khoản vay trong vòng 2 năm bao gồm thời gian ân hạn sáu tháng với lãi suất 2%.

Gói 300 tỷ BDT giải ngân qua ngân hàng nhằm cung cấp nguồn vốn lưu động cho các ngành bị ảnh hưởng trong đó may mặc được đánh giá là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khoản vay này có lãi suất 9%, một nửa do người đi vay chịu và một nửa do Chính phủ hỗ trợ.

Gói 200 tỷ BDT cung cấp nguồn vay vốn lưu động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (tiểu thủ công nghiệp). Các khoản vay có lãi suất là 9%, trong đó 4% do người đi vay chịu và 5% do Chính phủ hỗ trợ.

Gói thỏa thuận LC giáp lưng, Quỹ Phát triển Xuất khẩu đã được tăng từ 3,5 tỷ USD lên 5 tỷ USD để tạo điều kiện cho nhập khẩu thêm nguyên liệu thô, lãi suất 2%.

Gói tái cấp vốn tín dụng 50 tỷ BDT trước khi giao hàng với lãi suất 9%, trong đó ngân hàng hỗ trợ 3% và khách hàng chịu 6%.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Bangladesh (BB) có chương trình tái cấp vốn 30 tỷ BDT (khoảng 357 triệu USD) dành cho người lao động có thu nhập thấp, nông dân, thương nhân các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Hạn mức cho vay cá nhân từ 880 USD đến 35.000 USD trong đó BB sẽ tính lãi suất 1% đối với ngân hàng thương mại, lãi suất 3,5% đối với Tổ chức tài trợ tín dụng vi mô (MCFIs) và MCFIs sẽ tính lãi suất 9% đối với khách hàng. Khách hàng sẽ hoàn trả khoản vay trong vòng 1 đến 2 năm kể cả thời gian ân hạn.

Ngoài các gói hỗ trợ của Chính phủ, hàng loạt các sáng kiến khác cũng được triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong dịch Covid-19, điển hình như:

Ngân hàng Bangladesh tạm hoãn thanh toán các khoản vay để giúp khách hàng không bị vỡ nợ; Gia hạn thời hạn sử dụng LC từ 180 ngày lên 360 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu nguyên liệu, nông cụ… từ 90 ngày lên 180 ngày đối với thuốc cứu sinh; Giảm lãi suất Repo từ 6% xuống còn 5,75% và 5,25%; Mua lại chứng khoán Chính phủ.

Nhằm khuyến mại các dịch vụ thanh toán, từ đầu năm 2021, Chính phủ Bangladesh đã ban hành 16 công báo về các hạn chế để ngăn chặn sự lây nhiễm Covid-19. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, do vậy Chính phủ Bangladesh sẽ thực hiện đóng cửa nghiêm ngặt trở lại từ ngày 23/7/2021, tuy nhiên sẽ cho phép mở các nhà máy may mặc để có thể tiếp tục sản xuất và giữ cam kết của họ với các khách hàng quốc tế, bất chấp tỷ lệ tiêm vắc xin tại quốc gia này còn rất thấp.

Tính đến tháng 7/2021, Chính phủ Bangladesh đã triển khai thêm 5 gói hỗ trợ tổng trị giá 32 tỷ BDT (tương đương 372 triệu USD) để giúp đỡ những người thu nhập thấp trong đó có công nhân may mặc bị tác động bởi những biện pháp phong tỏa do dịch Covid-19, đồng thời có kế hoạch tăng quy mô của gói hỗ trợ tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của số người bị tác động bởi đại dịch.

Tiếp tục các kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may

Để hỗ trợ đà phục hồi của ngành dệt may, các chủ nhà máy địa phương, thương nhân, các nhà xuất khẩu và lãnh đạo cơ quan thương mại trong lĩnh vực may mặc, dệt may, hóa chất, khăn bông và phụ kiện đã tiếp tục kiến nghị một số hỗ trợ chính sách và ưu đãi trong ngân sách cho năm tài khóa 2021-2022 để bù đắp thiệt hại trong thời gian đại dịch, cụ thể như sau:

Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA); Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt kim Bangladesh (BKMEA) và Hiệp hội các nhà máy dệt Bangladesh (BTMA) kiến nghị Chính phủ các chính sách hỗ trợ như kiến nghị Chính phủ giảm thuế thu nhập thu tại nguồn xuống 0,25% từ mức hiện tại 0,5% trong vòng 5 năm; miễn thuế nhập khẩu hóa chất được sử dụng để vận hành các nhà máy xử lý nước thải để bảo vệ môi trường…

Các nhà máy dệt sơ cấp cũng kiến nghị bỏ thuế nhập khẩu tạm ứng 5% đối với hạt polyethylene terephthalate (PET) nhập khẩu để sản xuất sợi. Ngoài ra, họ cũng đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho các bộ phận phụ tùng của máy dệt dựa trên chứng nhận từ Hiệp hội các nhà máy dệt – BTMA.

Các nhà máy dệt, nhà sản xuất hàng may mặc kiến nghị Chính phủ có chính sách thuế VAT ngang bằng giữa các nhà máy sản xuất sợi nhân tạo và sản xuất sợi bông ở mức 3 Takas/kg (khoảng 276 Việt Nam đồng/kg) để tạo điều kiện đa dạng hóa sản phẩm. Hiện các nhà máy sản xuất sợi nhân tạo phải trả thuế VAT ở mức 6 Takas/kg khi bán hàng. Ngoài ra những nhà máy sản xuất vải từ sợi nhân tạo phải trả thuế VAT 5% trong khi những nhà máy sử dụng sợi bông thì không cần phải trả mức thuế này. Chính sự phân biệt và thiếu công bằng như vậy đã trở thành rào cản trong việc đa dạng hóa sản phẩm và cản trở các nhà nhập khẩu sợi nhân tạo.


Tác giả: Thủy Trần

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website