Hoàn thiện quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp
Vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) là một loại hàng hóa đặc biệt, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, là vật tư không thể thiếu trong khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, thi công công trình đồng thời nó cũng có thể tác động, ảnh hưởng đến các mặt an ninh, quốc phòng, an toàn trật tự xã hội nếu bị thất thoát, trôi nổ ra bên ngoài đặc biệt trong bối cảnh hiện nay đang có chiều hướng gia tăng về nguy cơ bạo lực, khủng bố, bất ổn về tình hình an ninh khu vực và quốc tế, tranh chấp lãnh thổ.
Vì vậy, VLNCN luôn được Đảng và nhà nước quan tâm, thúc đẩy phát triển về mọi mặt từ nghiên cứu cơ bản, khoa học công nghệ cho đến công tác quản lý đảm bảo yêu cầu rất chặt chẽ.
Việc Nghị định số 71/2019/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm liên quan về vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép VLNCN nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để xử phạt vi phạm hành chính khi hành vi vi phạm không được xác định là tội phạm hoặc không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự theo nguyên tắc tại khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự và khoản 9 Điều 6 Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP, hay nói cách khác để tránh bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật mà không được xử lý theo quy định pháp luật hình sự.
Bên cạnh đó, Điều 62 và Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã quy định cụ thể về việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự và chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính. Tuy nhiên, các quy định nêu trên tại Nghị định số 71/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) dễ dẫn đến việc áp dụng không thống nhất, người có thẩm quyền dễ lợi dụng để hành chính hóa các hành vi phạm tội.
Ngoài ra, thời gian qua Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, dân đến các quy định về thẩm quyền xử phạt quy định tại Nghị định số 71/2019/NĐ-CP không còn phù hợp.
Theo đó, để thống nhất, đồng bộ, tránh sự chồng chéo trong quy định về xử phạt vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự; thống nhất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực VLNCN mới được ban hành và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phù hợp với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần rà soát, chỉnh sửa Nghị định số 71/2019/NĐ-CP.
Để hoàn thiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VLNCN, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2019/NĐ-CP bao gồm các nội dung sau:
1. Về phạm các hành vi vi phạm hành chính đồng thời được quy định trong Bộ luật Hình sự trong quản lý, sử dụng VLNCN
Qua rà soát các hành vi quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực VLNCN với Bộ luật hình sự, đề nghị bổ sung quy định “khi phát hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 54; điểm a, b khoản 4, khoản 5 Điều 55; điểm a, b khoản 5, điểm b, d khoản 6 Điều 56 Nghị định này, thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại các Điều 62 và Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính.”.
2. Về các hành vi vi phạm hành chính được quy định tại các văn bản mới được ban hành trong lĩnh vực quản lý, sử dụng VLNCN
Qua rà soát Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn Luật, đề xuất bổ sung xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm mới được quy định như sau:
a) Bổ sung hành vi vi phạm “không thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện nổ mìn ít nhất 24 giờ trước khi thực hiện hoạt động dịch vụ nổ mìn” để phù hợp với quy định tại khoản 9 Điều 40 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
b) Bổ sung hành vi vi phạm “c) Không đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt bổ sung nhiệm vụ để nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp cấp Bộ khi có sự thay đổi tên, mục tiêu, nội dung, tiến độ và sản phẩm của nhiệm vụ” để phù hợp quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư số 23/2024/TT-BCT ngày 07 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
3. Về thẩm quyền xử phạt, phân định thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản trong lĩnh vực hóa chất, VLNCN
Qua rà soát, sửa đổi bổ sung thẩm quyền xử phạt, phân định thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản trong lĩnh vực hóa chất, VLNCN để phù hợp với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2025) và đổi mới, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, cụ thể:
a) Sửa đổi các chức danh được phép xử phạt hành chính theo quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính;
b) Sửa đổi các chức danh để phù hợp với Chính quyền địa phương 2 cấp;
c) Sửa đổi tên các Bộ, đơn vị thuộc Bộ để phù hợp với đổi mới, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.