Tạo động lực tăng trưởng: Đề xuất gia hạn ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô đang mở rộng quy mô sản xuất, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn gia tăng sản lượng xuất khẩu nhờ các chính sách ưu đãi thuế nói chung và Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Bộ Công Thương, VAMI, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đều kiến nghị tiếp tục gia hạn Chương trình đến 31/12/2027, tương đương với khoảng thời gian của chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô.
Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 3,09 tỷ USD linh kiện phụ tùng ô tô ra nước ngoài, với các thị trường chính là Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trong đó, nhóm linh kiện dây điện chiếm tỷ trọng lớn, đạt khoảng 1,17 tỷ USD, tương đương 38% giá trị xuất khẩu linh kiện ô tô của cả nước, đứng thứ ba trên thế giới. Đây là một dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam đang từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất xe có động cơ tháng 11/2024 ước tính tăng 2,5% so với tháng 10/2024 và tăng 36,2% so với tháng 11/2023. Tính chung 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất xe có động cơ tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023 (cao hơn so với mức tăng trưởng 14% của 10 tháng đầu năm 2024).
Trong tháng 11/2024, Việt Nam sản xuất, lắp ráp ước đạt 47,3 nghìn chiếc ô tô, tăng 3% so với tháng 9/2024 và tăng 47,8% so với tháng 10/2023. Như vậy, sản lượng ô tô nội địa đã có tháng tăng trưởng thứ 8 kể từ đầu năm 2024 và là lần tăng thứ 6 liên tiếp. Đây cũng là tháng có sản lượng cao nhất kể từ đầu năm 2024. Đà tăng trưởng liên tục giúp tổng sản lượng sản xuất ô tô trong nước lũy kế 10 tháng năm 2024 đạt 336,5 nghìn xe ô tô, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trưởng này đã cải thiện so với mức tăng 15,8% trong 10 tháng đầu năm 2023.
Nhìn chung trong 11 tháng năm 2024, sản lượng nhóm sản phẩm linh kiện phụ tùng ô tô tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: Phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 24,55%; Thiết bị khác dùng cho động cơ của xe có động cơ tăng 5,88%; Bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 5,79%. Đối với sản xuất ô tô, chỉ có 2 phân loại là Xe có động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng sức nén chở được từ 10 người trở lên với tổng trọng tải > 6 tấn và < 18 tấn có sản lượng tăng 33,51% và Xe có động cơ chở dưới 10 người, có động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng tia lửa điện với dung tích xi lanh > 1500 cc và ≤ 3000 cc tăng 31,46%. Còn lại sản lượng chủng loại ô tô khác giảm nhẹ khoảng 3-7%.
Bảng: Tham khảo một số chủng loại ô tô và phụ tùng ô tô sản xuất
trên cả nước trong tháng 11 và 11 tháng năm 2024
Sản phẩm | ĐVT | Tháng 11/2024 | So với tháng 10/2024 (%) | So với tháng 11/2023 (%) | 11 tháng năm 2024 | So với 11 tháng năm 2023 (%) |
Bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ | Bộ | 11.303.013 | 14,33 | -0,85 | 110.629.418 | 5,79 |
Phụ tùng khác của xe có động cơ | 1000 cái | 133.594 | 5,14 | 13,75 | 1.330.569 | 24,55 |
Thiết bị khác dùng cho động cơ của xe có động cơ | Cái | 4.582.274 | 16,07 | -3,08 | 48.055.097 | 5,88 |
Xe có động cơ chở được từ 10 người trở lên chưa được phân vào đâu | Chiếc | 3.604 | 17,24 | 23,13 | 30.168 | -6,57 |
Xe có động cơ chở dưới 10 người, có động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng tia lửa điện với dung tích xi lanh > 1500 cc và ≤ 3000 cc | Chiếc | 20.335 | 44,99 | 124,57 | 120.410 | 31,46 |
Xe có động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng sức nén chở được từ 10 người trở lên với tổng trọng tải > 6 tấn và < 18 tấn | Chiếc | 8.601 | 18,18 | 59,54 | 58.816 | 33,51 |
Xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa có động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng sức nén, có tổng trọng tải tối đa > 5 tấn và < 20 tấn | Chiếc | 957 | -0,83 | 118,00 | 7.641 | -3,16 |
Xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa có động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng sức nén, có tổng trọng tải tối đa 5 tấn | Chiếc | 3.990 | 13,27 | 27,82 | 38.042 | -5,57 |
Nguồn: Tính toán từ số liệu sơ bộ của các Cục thống kê
Hiệu quả của Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô
Thời gian qua, các chính sách ưu đãi thuế nói chung và Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển.
Thị trường ô tô trong nước tăng trưởng tốt, quy mô sản xuất không ngừng mở rộng, đặc biệt, một số dòng xe diện sản xuất và lắp ráp trong nước tăng trưởng nhanh. Tỷ lệ nội địa hóa một số dòng xe thương mại tương đối cao, đã xuất khẩu được một số sản phẩm ô tô, linh kiện ô tô sang nhiều thị trường khu vực và trên thế giới. Đồng thời, đã hình thành được một số thương hiệu ô tô nội địa mạnh; thu hút đầu tư và mở rộng sản xuất lĩnh vực công nghiệp ô tô.
Kể từ khi Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô được ban hành, theo đánh giá của Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), các doanh nghiệp thành viên đã ghi nhận những hiệu quả nhất định mà chương trình mang lại thông qua việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp yên tâm ổn định sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị mới, công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp ô tô trên thế giới, từng bước khẳng định sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước.
Hiệu quả của Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô được thể hiện rõ qua các số liệu ấn tượng. Tính đến ngày 31/5/2024, các doanh nghiệp tham gia chương trình đã sản xuất hơn 3,3 triệu sản phẩm, với tổng số thuế hoàn lên đến 116,8 tỷ đồng. Số thuế đã hoàn trong các năm 2021 - 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 lần lượt là 2,44 tỉ đồng; 66,56 tỉ đồng; 36,98 tỉ đồng; 10,86 tỉ đồng. Trung bình, mỗi năm số thuế được hoàn khoảng 39 tỷ đồng.
Các cục hải quan tại Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Hà Nam Ninh và Bình Phước đã thực hiện 7 kỳ ưu đãi, ghi nhận sự tham gia của 17 doanh nghiệp tiêu biểu. Theo Bộ Công Thương, cả nước hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đạt tiêu chuẩn theo Nghị định 116/2017 và khoảng 410 doanh nghiệp tham gia sản xuất công nghiệp hỗ trợ ô tô với hơn 1.229 sản phẩm đã được chế tạo.
Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) đánh giá cao hiệu quả của chính sách này. Theo VAMI, mức thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, linh kiện phục vụ sản xuất công nghiệp hỗ trợ đã giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ hiện đại.
Từ năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương đã cấp Giấy xác nhận ưu đãi khoảng 40 dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Chính sách ưu đãi thuế là đòn bẩy quan trọng, giúp doanh nghiệp yên tâm mở rộng quy mô, cải tiến thiết bị, đồng thời từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô.
Đề xuất gia hạn ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đến năm 2027
Thực hiện chủ trương về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP, trong đó đã bổ sung Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô (nay là điều 9 Nghị định 26/2023/NĐ-CP). Thời gian thực hiện chương trình đến hết ngày 31/12/2024.
Đến nay, thời gian thực hiện chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đã gần kết thúc, trong khi chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô (được ban hành trước chương trình này) đã được gia hạn 1 lần đến hết năm 2027.
Thị trường ô tô trong nước đang trên đà tăng trưởng tốt, quy mô sản xuất không ngừng mở rộng, đặc biệt một số dòng xe điện sản xuất và lắp ráp trong nước tăng trưởng nhanh.
Trên cơ sở kết quả đạt được của chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô, các đơn vị như Bộ Công Thương, VAMI, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đều kiến nghị tiếp tục gia hạn chương trình. VAMA và VAMI đề nghị gia hạn đến 31/12/2027 để bảo đảm tương đương với khoảng thời gian của chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô.
Theo Bộ Tài chính, thời gian thực hiện các chính sách ưu đãi thuế đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, bao gồm cả chính sách ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ cho thấy, các chính sách này đã thực sự góp phần phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Chính sách này đã góp phần khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô thay cho việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN với mức thuế nhập khẩu 0%, từ đó tạo động lực lan tỏa đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ cho ngành ô tô như sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng... Đồng thời, cũng tạo cơ sở hạ tầng quan trọng trong việc phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện.
Để đảm bảo sự đồng bộ, Bộ Tài chính đề xuất thời hạn gia hạn chương trình này tương đương với các chính sách ưu đãi thuế khác trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô. Điều này sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp ô tô trong nước bứt phá, cả về năng lực sản xuất lẫn tỷ lệ nội địa hóa.
Những mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 2045 cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô đã được Chính phủ đặt ra, tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ, mở rộng hợp tác với các tập đoàn ô tô lớn và nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Theo Bộ Công Thương, trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ đáp ứng khoảng 55 - 60% nhu cầu linh kiện và phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và đạt mức 80 - 85% vào năm 2045. Điều này phản ánh sự quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển bền vững ngành công nghiệp hỗ trợ, đồng thời nâng cao khả năng tự chủ trong sản xuất ô tô, giảm phụ thuộc vào nguồn linh kiện nhập khẩu.
Để đạt được những mục tiêu trên, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc chế tạo các chi tiết và linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe… Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước sẽ cần tăng cường hợp tác với các tập đoàn ô tô lớn, lựa chọn những loại phụ tùng, linh kiện có thể sản xuất được trong nước, từ đó đảm nhận vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.