A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên kết để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển

Doanh số bán ô tô tại thị trường Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, bao gồm cả xe sản xuất và lắp ráp trong nước, mở ra triển vọng mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô. Tuy nhiên, trong hành trình này, các doanh nghiệp không thể tự đi một mình.

Giảm tỷ trọng nhập khẩu linh kiện ô tô

Theo thống kê của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô đang nhập khẩu 80% linh kiện sản xuất. Tuy nhiên, với thực tế giai đoạn ô tô hoá đang tăng nhanh, doanh số tiêu thụ ôtô cả nước năm 2022 đạt hơn 500.000 và dự báo xu hướng tăng vẫn tiếp diễn trong thời gian tới, sẽ là “điểm sáng” để góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ hoạt động mạnh mẽ hơn.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đã từng bước nâng cao trình độ, sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác cao, góp phần tăng giá trị gia tăng.

Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam còn khá ít, mới chỉ khoảng 300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh doanh. Trong đó, có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...

Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết, trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao.

Nhìn vào những con số trên có thể thấy, so với các quốc gia trong khu vực, số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn khiêm tốn. Thái Lan hiện có gần 700 doanh nghiệp là nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cấp 1 trong khi Việt Nam chưa đạt con số 100 doanh nghiệp. Đối với nhà cung cấp cấp 2, cấp 3, Thái Lan đã có trên 1.700 doanh nghiệp, còn Việt Nam dừng lại ở khoảng 150 doanh nghiệp.

Bộ Công Thương nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô trong nước chưa phát triển như kỳ vọng như cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, dàn trải và thiếu tập trung; hạn chế về nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Dẫu vậy, thời gian qua, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đã từng bước nâng cao trình độ, sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác cao, góp phần tăng giá trị gia tăng.

Lối ra cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), về giải pháp trước mắt, Bộ Công Thương đã và đang xúc tiến đầu tư ở các thị trường trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Còn về lâu dài, sẽ tiếp tục tư vấn Chính phủ ban hành các chính sách hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong nước. Đồng thời, hình thành các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ với sự xuất hiện của các doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt và hình thành các dịch vụ cho các khu, cụm công nghiệp đó để phát triển hệ sinh thái hoàn chỉnh, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này.

Việt Nam tự hào có những doanh nghiệp "đầu chuỗi", nhưng số lượng này còn rất ít.

Điển hình, mới đây Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp ký hợp tác triển khai mở rộng chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp thuần Việt nhằm nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ô tô .

Cụ thể, sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện ô tô để kết nối với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam; tổ chức các chuyến thăm thực tế tại nhà máy Toyota Việt Nam và nhà cung cấp nội địa của Toyota; tham gia đào tạo theo một số chương trình phát triển nhà cung cấp Việt Nam; thực hiện chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến cho một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô theo chiều sâu bằng cách cử chuyên gia tới làm việc cụ thể và định kỳ tại doanh nghiệp, qua đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cải tiến.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, các chương trình hợp tác này đã và đang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và sự hưởng ứng, học tập kinh nghiệm từ các doanh nghiệp quốc tế khác. Đây cũng là hành động thiết thực nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phó Giám đốc điều hành Toyota khu vực châu Á, ông Tiền Quốc Hào đánh giá cao những kết quả đạt được và khẳng định định hướng của Toyota toàn cầu về công nghiệp hỗ trợ. “Toyota nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, chúng tôi xây dựng mối quan hệ dựa trên nguyên tắc đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế sở tại thông qua tăng cường hoạt động nội địa hóa”. Với định hướng đó, Toyota Việt Nam đã đặt ra mục tiêu hàng đầu là đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam.


Tác giả: Hà Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website