A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năm 2022, doanh nghiệp ngành dệt may dự kiến đạt 42 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu

Sáng 18/11/2022, Hiệp hội Dệt may Việt Nam VITAS tổ chức họp báo, thông tin về Hội nghị tổng kết năm 2022 của hiệp hội. Theo đó, hội nghị tổng kết sẽ diễn ra ngày 16/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tổng kết tình hình dệt may Việt Nam và thế giới trong năm 2022, nhìn nhận đánh giá hoạt động của hiệp hội trong năm qua, chia sẻ định hướng hoạt động trong thời gian tới cùng những giải pháp giúp ngành dệt may vượt qua khó khăn, thách thức vươn tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ của hội nghị tổng kết, ngày 15/12, Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Liên đoàn Dệt may Đông Nam Á (AFTEX); tổ chức Hội thảo “Giải pháp quản lý chuỗi cung ứng dệt may để phát triển bền vững".

Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang chia sẻ thông tin của ngành dệt may tại buổi họp báo

Chia sẻ tại họp báo ngày 18/11, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, 10 tháng đầu năm, toàn ngành dệt may xuất khẩu được gần 38 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2021. “Ngành dệt may đã xuất khẩu vào 66 nước, vùng lãnh thổ. Đây là sự bứt phá của ngành dệt may Việt Nam trong phát triển thị trường. Cùng với đó, số mặt hàng duy trì xuất khẩu khoảng 47-50 mặt hàng khác nhau vào thị trường toàn cầu và chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu là quần áo may mặc các loại”, ông Vũ Đức Giang thông tin.

Theo VITAS, giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022, tình hình xuất nhập khẩu ngành dệt may chững lại do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lạm phát, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc khi Việt Nam đang nhập khẩu trên 40% nguyên phụ liệu từ thị trường này cùng những yêu cầu khắt khe từ phía các quốc gia nhập khẩu về cam kết phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu…

Trước những khó khăn đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng tốt ước đạt 42 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2021. Giai đoạn 2023-2025, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn có nhiều bất ổn, ngành dệt may cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa. Với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là thị trường tiêu thụ dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp dệt may Việt chú trọng xây dựng thương hiệu và khai thác thị trường này.

Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã có 10 thương hiệu đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, bao gồm: Sản phẩm thời trang Viettien (Tổng Công ty May Việt Tiến), thương hiệu Merriman (Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ), thương hiệu Mattana & Novelty (Tổng Công ty May Nhà Bè), Trang phục An Phước (Cty TNHH May thêu giày An Phước), May10 Series, May10 Suits & Eternity GrusZ (Tổng Công ty May 10), Thời trang Thái Tuấn (Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn), khăn bông Mollis (Tổng Công ty CP Phong Phú).

Mục tiêu từ nay tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 20 thương hiệu thời trang không chỉ trong nước mà còn vươn ra tầm thế giới. Để đạt được mục tiêu đề ra và thực hiện khẩu hiệu “Vượt qua thách thức – Phát triển bền vững – Hướng tới tương lai”, VITAS sẽ tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp, lấy lợi ích của doanh nghiệp dệt may làm trọng tâm.

Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đã vượt khó và đạt được sự tăng trưởng tốt là nhờ vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi chủ động hóa trong việc phát triển mẫu, quản trị số và thúc đẩy giải pháp tự chủ về chuỗi cung ứng thị trường trong nước.

“Tay nghề của người lao động tương đối tốt, chất lượng sản phẩm tương đối ổn định và chúng ta tuân thủ “luật chơi” với các nhà nhập khẩu, bắt kịp xu hướng chuyển đổi số cũng như các giải pháp công nghệ để thúc đẩy phát triển bền vững; ngành dệt may đã đa dạng mặt hàng. Ngoài sản phẩm may mặc, chúng ta đã xuất khẩu vải được hơn 2 tỷ USD, tơ sợi hơn 4 tỷ USD và xuất khẩu phụ liệu may hơn 1 tỷ USD”, ông Giang nói.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website