Khai mạc Triển lãm Quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam
Sáng ngày 16/11 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội, Triển lãm Quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam đã chính thức khai mạc với chủ đề “Kết nối để phát triển”. Đây sẽ là cơ hội giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, công nghệ và tìm kiếm thêm những cơ hội đầu tư.
Chương trình do Bộ Công Thương chỉ đạo, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp (IDC) chủ trì, phối hợp với Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm C.I.S Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, hiện nay, ở nước ta, công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ đang nhận được sự quan tâm đặc biệt và chú trọng phát triển của Đảng và Chính phủ. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo đó xác định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá” và để ra mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tuấn Anh, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới vẫn còn nhiều thách thức. Đại dịch Covid-19 và các cuộc chiến tranh thương mại xung đột vũ trang thời gian qua đã tạo ra khó khăn cho các doanh nghiệp trên toàn cầu. Đặc biệt là nguy cơ đứt gãy, gián đoạn nguồn cung đã tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, xu hướng tái cấu trúc, định hình và cân bằng lại chuỗi cung ứng ngày càng được đẩy nhanh nhằm tránh tập trung vào một số thị trường truyền thống. Xu thế này có thể mang lại dòng vốn dịch chuyển đầu tư quốc tế lớn vào công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp nội địa khi các dự án FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.
“Trong bối cảnh Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, VIMEXPO 2022 sẽ trở thành “điểm gặp gỡ lý tưởng” giữa các doanh nghiệp, tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; góp phần cụ thể hóa, hiện thực hoá mong muốn và chủ trương của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một nền công nghiệp quốc gia vững mạnh trên cơ sở phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp lớn mạnh cả về lượng và chất”- ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam, Campuchia, Lào của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC
Tại sự kiện, ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam, Campuchia, Lào của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC - cho rằng, thời gian tới cần hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp phụ trợ dịch chuyển từ sản xuất chi phí thấp sang sản xuất phân khúc sản phẩm giá trị cao hơn và tăng cường tiếp cận với công nghệ số sẽ giúp thúc đẩy hiệu quả sản xuất và nâng cao sự kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài và chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó sẽ nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương và thúc đẩy Việt Nam tiến lên trên con đường phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong khi đó, ông Matsumoto Izumi – Bí thư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam - khẳng định, Việt Nam đang ngày càng được biết đến bởi ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp liên quan tới ngành chế biến chế tạo trên thế giới bao gồm cả doanh nghiệp Nhật Bản đang tập trung sự chú ý vào Việt Nam.
Tại khảo sát của JETRO và JBIC đối với các doanh nghiệp chế biến chế tạo Nhật Bản cho thấy, Việt Nam là điểm đến thu hút nhất trong khối ASEAN để nghiên cứu đầu tư mới cũng như mở rộng kinh doanh.
Đồng quan điểm, ông Hiroyuki Ueda – Chủ tịch của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) - cho rằng, VIMEXPO là cầu nối quan trọng giúp các đơn vị sản xuất có thể gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm và mở rộng mạng lưới nhà cung ứng, bằng chứng là tại triển lãm VIMEXPO 2020-2021, Toyota Việt Nam đã kết nối được với hơn 20 nhà cung ứng tiềm năng, một trong số đó đã trở thành nhà cung cấp chính thức cho TMV từ 2021.
Đặc biệt, tại triển lãm năm nay, Toyota Việt Nam sẽ cho ra mắt sản phẩm xe ô tô CKD Veloz được lắp ráp tại Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng đối với TMV, thể hiện sự nỗ lực nâng cao sản phẩm nội địa và "được sản xuất tại Việt Nam" đến với khách hàng trong nước.
VIMEXPO 2022 với sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp với gần 300 gian hàng được trưng bày trên diện tích gần 5.000m2, khẳng định là chương trình hàng đầu về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại Việt Nam. VIMEXPO 2022 đã nhận được sự đồng hành tham dự của các doanh nghiệp tiêu biểu trong nước và quốc tế như Tập đoàn Thaco, TCT Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – VEAM, Toyota Việt Nam, Weichai, Samsung, Toshiba Asia, Hanoi Plastic, JICA, Kyoyo, Tecotec, Intech, MEB, Yangmin, Makitech, NTT Data... cùng các doanh nghiệp đến từ Mỹ, Đức, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Các doanh nghiệp tham dự sẽ giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu có lợi thế cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực Sản xuất lắp ráp ô tô; Cơ khí chế tạo; Công nghiệp công nghệ cao; Điện tử… và các lĩnh vực liên quan khác.
Với chủ đề “Kết nối để phát triển”, trong suốt các ngày diễn ra triển lãm, hàng loạt các sự kiện hữu ích được tổ chức đồng thời như Hoạt động kết nối giao thương B2B giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo trong nước và quốc tế, chương trình hội thảo chuyên ngành với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới mô hình sản xuất thông minh” với các bài tham luận của các đại điện đến từ: Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC với bài tham luận về “Chuyển đổi số & Cơ hội cho ngành sản xuất Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”; Công ty Toyota Việt Nam với tham luận “Phát triển năng lực cho các nhà cung cấp để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp ô tô”; Công ty điện tử Samsung Việt Nam với tham luận về “Chiến lược hỗ trợ trung và dài hạn đồng hành cùng MOIT cho Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”; Diễn giả khách mời từ Malaysia với phát biểu “Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất từ Malaysia".
Ngoài ra, hàng loạt các chương trình biểu diễn giới thiệu sản phẩm mới, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp tham dự chương trình và các doanh nghiệp quan tâm sẽ được diễn ra trong suốt các ngày triển lãm. Các hoạt động sẽ được livetream trực tiếp, cũng như được cập nhật thường xuyên trên website, fanpage, youtube của chương trình.