A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị kết nối Nhà trường – Doanh nghiệp Nhật Bản trong Đào tạo Nguồn nhân lực theo Mô hình giáo dục Kosen

Trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT) và Học viện Công nghệ Quốc gia Nhật Bản (KOSEN), ngày 24 tháng 9 năm 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với Kosen tổ chức “Hội thảo kết nối Nhà trường – Doanh nghiệp Nhật Bản trong đào tạo nguồn nhân lực theo mô hình giáo dục Kosen”.

Tham gia hội thảo về phía Bộ Công Thương gồm có Ông Nguyễn Thế Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Bà Phạm Ngô Thùy Ninh, Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, Vụ Tổ chức cán bộ và đại diện của các trường Đại học, Cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương. Về phía Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội có Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Phía Nhật Bản có Tiến sĩ Nakano Yoichi, Giám đốc dự án Kosen Việt Nam, Viện công nghệ quốc gia NIT; Tiến sĩ Kobayashi Yukinori, Tổng giám đốc điều hành, Viện công nghệ quốc gia (NIT); Tiến sĩ Yamakawa Masao, Hiệu trường trường Ube Kosen; Tiến sĩ Hitaka Yoshikazu, hiệu phó trường Ube Kosen; Ông  Yahagi Hitoshi, phó chủ tịch Hội Công Thương Nhật Bản tại Hà Nội (JCCI); Ông Masuoka Hiroyoshi, Tổng giám đốc Khu Công nghiệp Thăng Long (TLIP); Ông Hayashida Takayuki, cố vấn lập dự án của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA); Ông Takahashi Kotaro, đại diện cho Canon Việt Nam; Ông Nakagawa Wataru, giám đốc điều hành Viet Hoa Electronics.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Yamakawa đã báo cáo tiến độ triển khai Mô hình giáo dục Kosen tại 3 trường thí điểm là Cao đẳng Công nghiệp Huế, Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng). Tại hội thảo, Nhà trường và doanh nghiệp đã có cơ hội đưa ra những vấn đề mà các bên đang quan tâm liên quan đến nguồn nhân lực.

Đại diện cho Bộ Công Thương, Bà Phạm Ngô Thùy Ninh đã đưa những mong muốn được có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiêp Nhật tại Việt Nam trong việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong việc triển khai mô hình KOSEN. Đồng thời cũng mong muốn được lắng nghe từ các doanh nghiệp Nhật Bản dự báo kế hoạch tuyển dụng, nhu cầu nguồn nhân lực theo ngành nghề, theo vị trí việc làm, theo chất lượng, số lượng,…; những đánh giá về chất lượng lao động; những vướng mắc trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động Việt nam; những góp ý cho các trường, cho Bộ Công Thương trong đào tạo nguồn nhân lực. Bà Phạm Ngô Thùy Ninh đưa ra kỳ vọng về sự hợp tác giữa 3 bên xuất phát từ lợi ích của cả hai phía sẽ đem lại sự đột phá mới trong đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực ngành công nghiệp nói riêng.

Về phía Nhật Bản, đại diện của các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản tham gia hội thảo cũng lần lượt đưa ra các ý kiến của đơn vị mình về xu hướng mở rộng nguồn nhân lực của các công ty Nhật Bản; những vấn đề bất cập, khúc mắc liên quan đến nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực kỹ thuật tại các công ty Nhật Bản ở Việt Nam; một số vấn đề liên quan đến tuyển dụng nhân lực như vấn nạn nhảy việc, thiếu hụt nhân viên có năng lực. Không chỉ chia sẻ những vấn đề gặp phải liên quan đến nguồn nhân lực, đại diện của các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản tham gia hội thảo cũng giới thiệu đến các trường trực thuộc Bộ Công Thương các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề đang áp dụng tại các doanh nghiệp, kỹ năng giám sát sản xuất và kiểm soát chất lượng trong sản xuất.

Thông qua hội thảo, Bộ Công Thương mong muốn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác, tham gia vào trình đào tạo của các trường trực thuộc Bộ Công Thương để cùng nhau giải quyết được bài toán liên quan đến nguồn nhân lực mà các doanh nghiệp đang gặp phải.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website