Đổi mới, sáng tạo trong công tác truyền thông và văn hóa giáo dục đại học
Tham dự Hội nghị còn có đại diện Đảng ủy Khối công nghiệp Hà Nội; Công đoàn Công Thương Việt Nam; Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ (Bộ Công Thương) và hơn 400 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, các Trường Đại học trực thuộc Bộ Công Thương.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là trường trọng điểm của Bộ Công Thương, luôn là trường dẫn đầu về tuyển sinh, đào tạo, là trường phát triển nhanh, bền vững cả về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; đặc biệt là một cơ sở đào tạo uy tín, được người học và xã hội tin tưởng, đánh giá cao. Trong những năm qua, Nhà trường duy trì quy mô đào tạo một cách hợp lý; tăng quy mô đào tạo sau đại học, mở rộng ngành nghề đào tạo. Số lượng và tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm ngày càng cao, với kết quả đạt trên 93% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp từ 6 tháng đến 1 năm. Đây là kết quả quan trọng, là thước đo thành công của mỗi cơ sở đào tạo.
Thứ trưởng yêu cầu, bên cạnh rà soát lại toàn bộ quá trình quản lý, đào tạo, Nhà trường cần quan tâm hơn nữa đến công tác truyền thông, xây dựng và áp dụng hệ thông văn bản về văn hóa, đạo đức nghề nghiệp. Thứ trưởng đánh giá cao việc tổ chức "Hội nghị Truyền thông và văn hóa giáo dục đại học: Đổi mới và sáng tạo" trong những ngày đầu xuân Kỷ Hợi. Đây là dịp để cán bộ, giảng viên Nhà trường hiểu sâu rộng hơn về công tác truyền thông và văn hóa giáo dục đại học, để cùng xây dựng, giữ gìn thương hiệu, danh tiếng của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh vai trò công tác truyền thông và văn hóa giáo dục đại học
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, thông qua công tác truyền thông, Nhà trường có thể truyền tải thông điệp đào tạo tới xã hội và ngược lại, Nhà trường sẽ nhận được sự tương tác để cải tiến, phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh qua đó góp phần xây dựng, hoàn thiện uy tín, thương hiệu một cách vững mạnh, hiệu quả hơn.
Trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đặc biệt yêu cầu Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cần quan tâm, xây dựng mạnh mẽ kỷ cương, kỷ luật, sáng tạo; tác phong công nghiệp cho đội ngũ sinh viên nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, hội nhập của đất nước.
PGS.TS Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, truyền thông khối các trường đại học là một bộ phận của hoạt động quản trị đại học, là quá trình gắn kết với quản trị thương hiệu nhà trường. Do đó, hoạt động truyền thông hướng đến sự phát triển bền vững qua việc xây dựng được hình ảnh và thương hiệu của nhà trường.
Truyền thông trong giáo dục phải chú trọng đến chất lượng đầu ra của sinh viên, chất lượng của hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác phát triển, tuyển sinh, việc làm cho sinh viên... có thể thấy thương hiệu đã trở thành giá trị, là lợi thế trong cạnh tranh toàn cầu của các trường đại học hiện nay.
Riêng đối với trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Hiệu trưởng khẳng định, trong suốt thời gian qua, công tác truyền thông được thực hiện một cách toàn diện, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đức Quý, yếu tố hàng đầu tạo nên một chiến lược truyền thông thành công vẫn nằm ở chất lượng giáo dục của chính tổ chức đó. Phụ huynh học sinh sẽ quan tâm đến những thông tin về chất lượng giảng dạy, tỷ lệ giáo sư/tiến sĩ/giảng viên của nhà trường, các cơ hội hợp tác giáo dục, chất lượng sinh viên đầu ra, thống kê về số lượng sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, bằng cấp của nhà trường được công nhận thế nào....
"Do đó, trong thời gian tới, nhà trường sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thay đổi nhận thức tích cực cho cán bộ, giảng viên, sinh viên, người học để hiểu rõ vai trò cũng như tầm quan trọng của công tác truyền thông, trách nhiệm của từng cá nhân trong môi trường đại học" - PGS.TS Trần Đức Quý nhấn mạnh.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Giám hiệu Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Tại Hội nghị, Tiến sĩ Phan Tất Thứ - Chủ tịch và Chuyên gia trưởng KNV Group – Tổ hợp đào tạo kỹ năng, tư vấn quản trị và cung cấp giải pháp kinh doanh cho các doanh nghiệp và doanh nhân cũng đã có những chia sẻ sâu sắc, phong phú, ý nghĩa về vai trò, tác động của truyền thông, văn hóa, cũng như kinh nghiệm, kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông, xây dựng văn hóa trong nhà trường.
Theo Tiến sĩ Phan Tất Thứ, truyền thông là một quá trình liên tục, có sự chuẩn bị kỹ càng, công phu và tạo sự tác động mạnh mẽ nhất trong công chúng. Đối với các đơn vị đào tạo, muốn truyền thông hiệu quả cần nắm rõ nguyên lý phải lấy dân làm gốc, xác định đối tượng truyền tải thông điệp để đạt kết quả, mục tiêu đề ra.