Tiềm năng hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - An-giê-ri
Đôi nét về Cộng hoà An-giê-ri
Cộng hoà An-giê-ri (Algeria) nằm ở Bắc Phi, bên bờ Nam Địa Trung Hải, có 1500 km bờ biển, giáp với Ma-rốc, Tuy-ni-di, Li-bi, Mô-ri-ta-ni, Mali và Ni-giê. Với diện tích 2.381.740 km2, An-giê-ri là nước lớn thứ hai ở châu Phi (sau Sudan) và thứ mười trên thế giới (nhưng chỉ có 10% đất có thể trồng trọt). Thủ đô là An-giê (Alger), An-giê-ri có dân số 37.367.226 người (tháng 7/2012), trong đó người Ả-rập-Bécbe chiếm 99% dân số, còn lại là nười châu Âu. Đơn vị tiền tệ là đồng Dinar (1 USD khoảng 80 dinar, năm 2012).
Về tôn giáo, đạo Hồi là quốc đạo chiếm 90% dân số, đạo Thiên chúa chiếm 10%. Ngôn ngữ chính thức là tiếng A-rập, tiếng Pháp, tiếng Béc-be.
Về chính trị, An-giê-ri theo thể chế Cộng hoà, đa đảng, Tổng thống hiện nay là ông Abdelaziz Bouteflika.
An-giê-ri theo đường lối đối ngoại độc lập dân tộc và không liên kết tích cực, đa dạng hoá quan hệ với các nước để tranh thủ điều kiện có lợi nhất cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.
Hiện nay, An-giê-ri chú trọng phát triển quan hệ kinh tế với Mỹ, Pháp, EU nhằm tranh thủ đầu tư của các nước này.
An-giê-ri tích cực đóng góp vào việc thành lập Liên minh A-rập Maghreb và sự đoàn kết trong Liên minh châu Phi (AU), trong nội bộ các nước A-rập, cải thiện quan hệ với Ma-rốc, ký Hiệp định biên giới với Mali, Ni-giê, v.v... Nước này cũng đang nỗ lực đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trong lĩnh vực kinh tế, An-giê-ri có trữ lượng khí tự nhiên đứng thứ bảy trên thế giới, đứng thứ hai về xuất khẩu khí tự nhiên và đứng thứ 14 về trữ lượng dầu mỏ. Nguồn khí tự nhiên đóng góp vào 60% nguồn thu ngân sách, 30% GDP và 95% giá trị xuất khẩu.Trong những năm gần đây, Chính phủ đã quan tâm hơn tới phát triển nông nghiệp nhưng vẫn chưa đảm bảo tự túc được lương thực. Các sản phẩm nông nghiệp chính của An-giê-ri là lúa mì, lúa mạch, yến mạch, nho, ôliu, cam, quýt, gia súc.
Chính phủ đã có nhiều cố gắng để đa dạng hoá nền kinh tế bằng việc thu hút các nguồn đầu tư trong nước và ngoài nước vào lĩnh vực khác ngoài năng lượng, giảm tỷ lệ người thất nghiệp và nâng cao mức sống của người dân.
Những năm gần đây, nền kinh tế An-giê-ri được hưởng lợi từ việc giá dầu tăng cao, dự trữ ngoại tệ tăng cao, trả được 10% nợ của Câu lạc bộ Paris và London, v.v… đời sống nhân dân được cải thiện. GDP năm 2012 tăng khoảng 2,6% đạt 206,5 tỷ USD. GDP bình quân đầu người đạt 5526 USD. Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm 8,9% GDP, công nghiệp 60,9% và dịch vụ 30,2%. Tỷ lệ lạm phát là 8,5%.
Về ngoại thương, trong cán cân thương mại, An-giê-ri thường xuyên xuất siêu. Năm 2012, xuất khẩu đạt 76,84 tỷ USD với các mặt hàng xuất khẩu chính gồm dầu mỏ, khí tự nhiên và các sản phẩm dầu mỏ (97%). Các bạn hàng xuất khẩu lớn nhất gồm có Mỹ, Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Canađa và Braxin.
Năm 2012, kim ngạch nhập khẩu của An-giê-ri đạt 47,53 tỷ USD với các mặt hàng chính gồm tư liệu sản xuất, lương thực, thực phẩm và đồ uống, hàng tiêu dùng. Các bạn hàng nhập khẩu quan trọng nhất là Pháp, Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Đức và Mỹ.
Dự trữ ngoại hối và vàng của An-giê-ri năm 2012 lên tới 190,5 tỷ USD, cao gấp 4 lần tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này.
An-giê-ri là một trong những nước có biểu thuế nhập khẩu còn khá cao, tuy nhiên biểu thuế này xu thế giảm dần, nhất là khi Hiệp định liên kết với Cộng đồng châu Âu có hiệu lực và An-giê-ri chuẩn bị gia nhập WTO. Từ năm 2001 đến nay, thuế nhập khẩu của An-giê-ri được chia làm ba nhóm: Nhóm nguyên liệu 5%, nhóm bán thành phẩm 15% và nhóm thành phẩm 30%.
An-giê-ri vẫn duy trì chính sách thương mại và đầu tư với hai biện pháp cơ bản được áp dụng theo Luật tài chính bổ sung 2009 là thanh toán hàng nhập khẩu bằng L/C và tỷ lệ góp vốn 51/49% trong đầu tư liên doanh tại An-giê-ri với người nước ngoài.
Quan hệ hợp tác Việt Nam - An-giê-ri
Quan hệ chính trị giữa hai nước hết sức tốt đẹp. Ngày 28/10/1962, Việt Nam và An-giê-ri đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 11/1962, Việt Nam đặt Đại sứ quán tại thủ đô An-giê và tháng 4/1968, An-giê-ri mở Đại sứ quán tại Hà Nội.
Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Về phía Việt Nam, có các Đoàn của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (1989), các Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Huỳnh Tấn Phát, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đoàn Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm An-giê-ri năm 1999, đoàn Uỷ ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam tháng 1/2003. Tháng 11/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thực hiện chuyến thăm chính thức An-giê-ri. Tháng 5/2005, Chủ tịch Quốc Hội Nguyến Văn An đã dẫn đầu Đoàn Đại biểu Quốc hội nước ta sang thăm An-giê-ri và gần đây nhất là Đoàn Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang An-giê-ri tháng 5/2010.
Các đoàn cấp cao của An-giê-ri thăm Việt Nam gồm có đoàn của Tổng thống Boumedienne (1974), Tổng thống Liamine Zeroual (1996), Tổng thống Abdelaziz Bouteflika (10/2000), Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng đặc trách Bộ Ngoại giao (7/1998), Quốc vụ khanh Bộ văn hoá (cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 1998), Bộ trưởng Ngoại giao (6/2000), Bộ trưởng Bộ Tài chính (2/2001), Bộ trưởng Cựu chiến binh (5/2001), Bộ trưởng Xí nghiệp vừa và nhỏ và Thủ công nghiệp vào 2004 và 2008.
Hai nước đã ký nhiều văn bản pháp lý quan trọng trong đó có Hiệp định thương mại, Hiệp định hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật, Hiệp định miễn thị thực đối với hộ chiếu ngoại giao và công vụ, Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực văn hoá thông tin, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về hỗ trợ tư pháp, v.v…
Hiện tại hai bên đã trải qua 9 Kỳ họp UB liên chính phủ, lần gần đây nhất vào năm 2011 tại An-giê-ri. Nhân dịp này, hai Bên đã ký với nhau Hiệp định về vận tải biển. Kỳ họp sắp tới dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 3/2013.
Về đầu tư, Công ty đầu tư phát triển dầu khí-PIDC (nay là PVEP) thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và Công ty Dầu khí quốc gia An-giê-ri (Sonatrach) đã ký hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí tại An-giê-ri. Hợp đồng trên được coi là bước đột phá của ngành dầu khí Việt Nam trong việc mở rộng hợp tác khai thác dầu khí ở Châu Phi.
Về xuất khẩu lao động, theo các hợp đồng thầu phụ cung cấp nhân lực giữa các công ty Việt Nam và các công ty nước ngoài, hàng trăm công nhân Việt Nam đã sang An-giê-ri làm việc. Số công nhân lúc cao nhất lên đến 1.200 người.
Về thương mại, từ năm 2004 đến nay, hai nước đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại song phương với hình thức buôn bán thông thường ngày càng phát triển.
Từ năm 2004, các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ quốc tế Alger đều đặn hơn. Các sản phẩm trưng bày gồm gạo, chè, hạt tiêu, cà phê, các loại gia vị, dụng cụ cầm tay, đồ dùng học sinh, dụng cụ thể thao, khoá, hàng thể thao, thủ công mỹ nghệ, mây tre, đồ thêu, gốm sứ, quạt điện, động cơ diesel, máy bơm, máy phát điện, dây tải điện, cáp quang, may mặc.
Trong cán cân thương mại song phương, Việt Nam xuất siêu là chủ yếu.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – An-giê-ri 2004-2012
ĐVT: triệu USD
| 2004 | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 |
Xuất khẩu | 13,8 | 30,9 | 34,2 | 40,5 | 75,8 | 83 | 75,6 | 100,2 | 129 |
Nhập khẩu | 0,25 | 0 | 0,25 | 0 | 1,26 | 0,2 | 0,07 | 0,214 | 1,2 |
Nguồn: Hải quan Việt Nam
Nhằm đẩy mạnh trao đổi thương mại, khai thác tiềm năng vốn có giữa hai nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin về thị trường, tháng 6/2012, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức Hội thảo giao thương online với sự tham gia của Đại sứ quán và đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và An-giê-ri.
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang An-giê-ri đạt 129 triệu USD, tăng 28% so với năm 2011 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Phi. Những mặt hàng xuất khẩu chính gồm cà phê đạt 58,96 triệu USD (29.196 tấn), tăng 15%, gạo 35,61 triệu USD (77.838 tấn), tăng 80%, hàng thuỷ sản 9,5 triệu USD (-21%), hạt tiêu 6,5 triệu USD (+51%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 3,4 triệu USD (+62%), điện thoại các loại và linh kiện 3,2 triệu USD (tăng 6 lần), hàng rau quả 2 triệu USD (tăng 10 lần), v.v...
Nhập khẩu không đáng kể chỉ đạt 1,2 triệu USD năm 2012 với các mặt hàng gỗ, bột cà rốt, sắt thép các loại, nguyên phụ liệu thức ăn gia súc.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 1/2013, kim ngạch xuất khẩu sang An-giê-ri đạt 18,79 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó cà phê chiếm 9,8 triệu USD, gạo 4 triệu USD. Với mức tăng trưởng xuất khẩu này, trong tháng 1/2013, An-giê-ri đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Phi chỉ đứng sau Nam Phi và Ai Cập.
Triển vọng thị trường và một số lưu ý
Những tiến bộ về cải cách kinh tế, quan hệ ngoại giao ngày một rộng mở, giá nhiên liệu tăng cao, cánh cửa WTO đang chờ đón, v.v... là những yếu tố cơ bản cho thị trường An-giê-ri ngày một phát triển.
Về đầu tư, Chính phủ An-giê-ri đã hoàn thành Chương trình phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm 2005 – 2009 và đã phê chuẩn Chương trình cho giai đoạn 2010 – 2014 với tổng gói Chương trình dự kiến 284 tỷ USD đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển nền kinh tế quốc dân, và để hiện đại hoá, phát triển dịch vụ công cộng.
Hiện nay, khả năng cung ứng của An-giê-ri cho thị trường nội địa còn rất hạn chế do chủ yếu tập trung vào việc phát triển ngành công nghiệp dầu lửa. An-giê-ri có nhu cầu lớn và ngày càng tăng về thiết bị kỹ thuật, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng và lương thực-thực phẩm.
Đối với Việt Nam, trong thời gian tới, những sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang An-giê-ri vẫn sẽ là cà phê, gạo, hạt tiêu, cơm dừa, hải sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại, hàng rau quả. Ngoài ra, do nhu cầu mới của thị trường, Việt Nam có khả năng phát triển xuất khẩu thêm những mặt hàng may mặc, giầy dép, đồ gỗ, vật liệu xây dựng, v.v...
Để tận dụng được các cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường giao dịch bán hàng trực tiếp (giảm xuất khẩu qua trung gian), sử dụng ngôn ngữ phù hợp (tiếng Pháp), đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tham gia các Hội chợ quốc tế lớn của An-giê-ri, đầu tư nghiên cứu quy định XNK, tập quán kinh doanh (văn hoá Hồi giáo), v.v...
Hiện có nhiều kênh giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với thị trường và khách hàng An-giê-ri, đó là:
- Thông qua một số các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại để tìm kiếm khách hàng và các thông tin về khách hàng: Phòng Thương mại và Công nghiệp An-giê-ri, Tổng cục Xúc tiến ngoại thương An-giê-ri, Trung tâm đăng ký trước bạ, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại An-giê-ri, Đại sứ quán An-giê-ri tại Hà Nội.
- Tham gia các đoàn nghiên cứu chính sách và XTTM của Bộ Công Thương và một số Bộ, ngành khác; tham gia các hội chợ và triển lãm quốc tế tại An-giê-ri. Hàng năm, Công ty Hội chợ và Triển lãm của An-giê-ri (SAFEX) tổ chức rất nhiều các sự kiện quan trọng như: Hội chợ quốc tế Alger (tháng 6), Hội chợ quốc gia An-giê-ri (tháng 12), Triển lãm quốc tế thuốc tân dược và thiết bị sản xuất thuốc tân dược, v.v... Nhìn chung các Hội chợ và Triển lãm tại An-giê-ri cho đến thời điểm hiện nay vẫn là nơi để các nhà chuyên môn giao dịch ký kết hợp đồng mua buôn, không cho phép bán lẻ. Do đó, các doanh nghiệp chỉ được phép mang số lượng mẫu nhất định. Sau khi kết thúc Hội chợ hoặc Triển lãm, phải làm thủ tục tái xuất những mẫu hàng đó, hoặc bán nhượng lại cho công ty An-giê-ri, không được bán lẻ cho khách tham quan hoặc công chúng.
- Thông qua các đợt đấu thầu vật liệu xây dựng để tham gia vào các dự án đầu tư thuộc Chương trình phát triển kinh tế xã hội của An-giê-ri. Để biết được thông tin, doanh nghiệp cần thường xuyên truy cập các trang www.ttnn.com.vn và www.moit.gov.vn của Bộ Công Thương, và liên hệ với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại An-giê-ri.
- Trong điều kiện chưa thể sang An-giê-ri giao dịch trực tiếp, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể giao dịch từ xa thông qua điện thoại, fax, e-mail. Ngoài những nội dung, hình ảnh, v.v... doanh nghiệp nên gửi mẫu hàng cho khách và đồng thời phải kiên trì đôn đốc đối tác trả lời.
Dưới đây là một số sự kiện thương mại tổ chức thường niên tại An-giê-ri và những địa chỉ hữu ích để các doanh nghiệp tham khảo tìm kiếm bạn hàng:
- Triển lãm QT về Nông sản thực phẩm« DJAZAGRO » (tháng 04)
Đơn vị tổ chức : Phòng Thương mại và Công nghiệp An-giê-ri
Tél : 00 213 771 10 23 00 Fax : 00 213 21 96 70 70
E-mail : infos@caci.dz Web : www.caci.com.dz
Nơi tổ chức : Cung Triển lãm Thủ đô Alger
- Hội chợ Quốc tế Alger (FIA) ( Tháng 06)
Đơn vị tổ chức : SAFEX
Tel : +21321210123/30 Fax : +21321210630 / 21210540
E-mail : contact@safex-algerie.com
Nơi tổ chức : Cung Triển lãm Thủ đô Alger
- Triển lãm QT về bao bì đóng gói, hàng nông sản thực phẩm -SIAC- (Tháng 10)
Đơn vị tổ chức : SAFEX
Tel : +21321210123/30 Fax : +21321210630 / 21210540
E-mail : contact@safex-algerie.com
Nơi tổ chức : Cung Triển lãm Thủ đô Alger
- Triển lãm QT về Nông nghiệp (AGRO-EXPO) (Tháng 11)
Đơn vị tổ chức : SAFEX/EXPOVET
Tel : +21321210123/30 Fax : +21321210630 / 21210540
E-mail : contact@safex-algerie.com
Nơi tổ chức : Cung Triển lãm Thủ đô Alger
- Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại An-giê-ri :
Địa chỉ : 14, rue G les Crêtes, 16035 Hydra, Alger, Algérie
Tel. : +213 21 60 11 89, Fax : +213 21 60 11 81
E-mail : dz@moit.gov.vn ; secomvnalger@yahoo.fr
- Đại sứ quán An-giê-ri tại Hà Nội :
Địa chỉ : 13, Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tel. : 04 3825 3865, Fax : 04 3826 0380
Site Web : www.ambalgvn.org.vn E-mail : ambalghanoi@ambalgvn.org.vn
- Phòng Thương mại và Công nghiệp An-giê-ri (Chambre Algérienne de Commerce et d'Industrie)
Palais consulaire 6,Bd Amilcar Cabral. CP 16003 Alger.
BP 100 Alger. Place des Martyrs.
Tél. : 021 96 77 77 / 021 96 66 66 - Fax : 021 96 70 70
Site Web: www.caci.dz ; E-mail: infos@caci.dz
- Cục Xúc tiến Ngoại thương An-giê-ri:
(Agence Algérienne de Promotion du Commerce Exxtérieur)
Route nationale N° 5, Cinq maisons El Mohamadia, Alger.
Tél. : +213 (0) 21 52 12 10 +213 (0)21 52 28 03 / Fax: +213 (0) 21 52 11 26
Site Web : www.promex.dz ; E-mail : info@algex.dz.