A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng quan tình hình kinh tế Mỹ 2 tháng đầu năm 2012

Cục Dự trữ Liên bang (FED) ngày 14/2 công bố chỉ số sản lượng công nghiệp tháng 1, cho thấy không tăng trưởng (0%), chủ yếu do kết quả trong 2 lĩnh vực khai thác mỏ (giảm 1,8 %) và đồ tiêu dùng (2,5%).

+ Kinh tế Mỹ: Chỉ số Dow Jones đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm vào ngày 17/2 sau khi có tin tích cực từ thị trường lao động, nhà cửa và gói cứu trợ lần hai cho Hy Lạp. Chỉ số Dow Jones tăng 123.13 điểm, tương đương 1%, lên 12904.08. Số thất nghiệp hàng tuần giảm xuống mức thấp nhất kể từ 3/2008, chỉ số lạc quan của các nhà thầu xây dựng tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm và số nhà xây mới trong tháng 1/2012 tăng 10% so với cùng kỳ năm 2011.

Cục Dự trữ Liên bang (FED) ngày 14/2 công bố chỉ số sản lượng công nghiệp tháng 1, cho thấy không tăng trưởng (0%), chủ yếu do kết quả trong 2 lĩnh vực khai thác mỏ (giảm 1,8 %) và đồ tiêu dùng (2,5%). Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất tăng mạnh hơn, đạt 0,7%, trong đó, các mặt hàng mang tính lâu bền tăng 1,8% như thiết bị và thành phần động cơ tăng 6,8%, các sản phẩm khác như kim loại, máy móc, sản phẩm máy tính và điện tử, thiết bị điện, nội thất… đều ghi nhận tăng hơn 1%. Mặc dầu không tăng trong tháng 1, nhưng các mặt hàng mang tính lâu bền tăng trưởng tốt cho thấy sản lượng công nghiệp của Hoa kỳ vẫn đi theo chiều hướng tích cực.

Ngày 21/2 các nước thành viên của EU đã nhất trí thỏa thuận viện trợ 130 tỉ EURO (170 tỉ USD), giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ phá sản, đồng thời giảm nợ của Hy Lạp xuống 120.5% GDP vào 2020 (mức tối đa IMF cho phép). Hy Lạp sẽ dùng ngay 100 tỉ EURO để trả nợ cho chủ nợ là đầu tư cá nhân.

+ Ngân sách Mỹ 2013: Chính quyền Obama trình Quốc hội kế hoạch ngân sách liên bang tài khóa 2013, bắt đầu thực hiện từ tháng 10/2012, dự kiến mức thâm hụt ngân sách tài khóa 2012 sẽ vào khoảng 1.330 tỷ USD, sang năm 2013 giảm xuống mức 901 tỷ USD và khoảng 575 tỷ USD vào năm 2018 với điều kiện Quốc hội phải phê chuẩn kế hoạch của Nhà Trắng tăng thuế thu nhập đối với những người giàu, kiên quyết giảm chi tiêu ngân sách của các bộ ngành.

Mục tiêu của Nhà Trắng đề ra là giảm chi tiêu của các bộ ngành và cắt giảm các chương trình phúc lợi không cần thiết để cắt giảm khoảng 4.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong vòng 10 năm tới. Với kế hoạch ngân sách này, sau bốn năm liên tục có mức thâm hụt ngân sách vượt 1.000 tỷ USD, năm 2013 sẽ là năm đầu tiên mức thâm hụt cán cân thu chi của chính phủ liên bang Mỹ giảm xuống còn 3 con số; mức thâm hụt ngân sách từ mức chiếm 8,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay xuống mức tương đương 2,8% GDP vào năm 2018 (mức thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP được cho là giữ được ổn định nợ quốc gia).

Kế hoạch ngân sách 2013 thực hiện Luật cắt giảm thâm hụt ngân sách ban hành tháng 8/2011 với chỉ tiêu giảm chi tiêu liên bang khoảng 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Chính quyền Obama sẽ đầu tư hơn 350 tỷ USD để kích thích kinh tế phát triển và tạo thêm việc làm; dành ra 50 tỷ USD cho việc cải tạo và nâng cấp các tuyến đường sắt và sân bay và dự kiến đầu tư cho việc cải tạo và xây dựng mới cơ sở hạ tầng giao thông trong 6 năm tới khoảng 476 tỷ USD; dành 60 tỷ USD hiện đại hóa các trường học và hỗ trợ các bang trong tuyển dụng đội ngũ giáo viên. Tổng thống Obama cũng một lần nữa đề xuất tăng thuế thu nhập tối thiểu lên 30% đối với những hộ gia đình có thu nhập từ 1 triệu USD/năm trở lên. Đây là đề xuất đã bị các nghị sỹ Cộng hòa tìm mọi cách ngăn chặn.

Chính quyền Obama dành 26 triệu USD cho việc thành lập Trung tâm Liên ngành về Thực thi Thương mại như đã nêu trong Thông điệp Liên bang, trong đó gồm 24 triệu thông qua Cơ quan Thương mại Quốc tế và 2 triệu thông qua USTR. Trung tâm Liên ngành về Thực thi Thương mại sẽ là cơ quan giải quyết các hoạt động thương mại không công bằng và là diễn đàn chính trong chính phủ liên bang để các bộ ngành phối hợp trong việc thực thi các quy định thương mại quốc tế và trong nước; dành 30 triệu cho Cơ quan Thương mại Hoa Kỳ và Nước ngoài để cử cán bộ sang các thị trưởng tăng trưởng mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, để hỗ trợ các nhà xuất khẩu của Hoa kỳ; dành 12,2 triệu cho chương trình SelectUSA để xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Mỹ; dành 18,1 triệu cho Cơ quan Thương mại Quốc tế ITA để phát triển giai đoạn tiếp theo của Export.gov, hợp nhất 20 cơ quan trong Ủy ban Phối hợp Xúc tiến Thương mại.

+ Thượng viện và Hạ viện Mỹ ngày 17/2 bỏ phiếu thông qua luật gia hạn miễn thuế lương (payroll tax) đã gây nhiều tranh cãi cuối năm ngoái, sau khi các nhà đàm phán của hai viện ký thỏa thuận thống nhất về nội dung dự luật vào ngày hôm qua, 16/2. Gói dự luật này bao gồm (1) tiếp tục gia hạn việc miễn thuế lương cho người lao động Mỹ, giữ nguyên mức 4,2% cho đến hết năm 2012; (2) gia hạn đồng thời điều chỉnh chương trình bảo hiểm cho người thất nghiệp (bắt đầu giảm số tuần nhận trợ cấp từ 99 tuần xuống 63 tuần, 73 tuần tại các bang có tỷ lệ thấy nghiệp cao); (3) duy trì chi phí dành cho các bác sỹ trong hệ thống Medicare.

 


Tin nổi bật

Liên kết website