Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng
Ngày 15/11/ 2023, Ban Quản lý các dự án hỗ trợ kỹ thuật lĩnh vực tiết kiệm năng lượng - Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các doanh nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng (HTQLNL) và tối ưu hóa hệ thống và thực hành tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” (dự án IEEP).
Hội thảo khởi động dự án IEEP có sự tham dự của 130 đại biểu đến từ Bộ Công Thương, Phái đoàn Liên minh châu Âu EU tại Việt Nam, UNIDO, các cơ quan nhà nước, các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, các ngân hàng, tổ chức tài chính, các hiệp hội, các công ty tư vấn và công ty cung cấp dịch vụ và thiết bị TKNL, các công ty, tổ chức cấp chứng nhận, các doanh nghiệp công nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu, và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
Dự án “Đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống và tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam”(IEEP) là một hợp phần thuộc chương trình chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam - EU (SEPT) do Liên minh châu Âu (EU ) tài trợ, được thực hiện bởi Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNIDO) và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) trong thời gian 5 năm (từ 2023-2027).
Mục tiêu tổng quát của dự án là thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu thị trường và ứng dụng giải pháp TKNL trong công nghiệp để đạt được kết quả sử dụng năng lượng tốt hơn, giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải các-bon cũng như nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp Việt Nam.
Theo đó, dự án IEEP gồm 3 hợp phần chính, bao gồm: (1) Tăng cường khung thể chế và chính sách; (2) Thực hiện các chương trình xây dựng và nâng cao năng lực; (3) Thực hiện các dự án về hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống, tập trung vào 10 ngành mục tiêu gồm: giấy và bột giấy, chế biến thực phẩm, chế biến thủy sản, dệt may, sản xuất hóa chất và phân bón, chế biến cao su, luyện kim và thép, xi măng, nhựa và đồ uống.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phương Hoàng Kim - Giám đốc Ban quản lý Dự án, Vụ trưởng Vụ TKNL & PTBV, Bộ Công Thương cho biết: "Việc xây dựng và triển khai thực hiện Dự án IEEP thể hiện nỗ lực của của Bộ Công Thương với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO để hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 và tối ưu hóa các hệ thống sử dụng năng lượng chính cũng như tăng cường nguồn nhân lực về kỹ thuật và tài chính để thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống một cách rộng khắp trong các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam."
Để thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả một cách rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội, trong hơn 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã thực thi một loạt các chính sách và chương trình, hành động quan trọng như: Ban hành và triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cùng với đó là một hệ thống các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan được ban hành để hướng dẫn thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015 và Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
Trong quá trình thực hiện, Chính phủ Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể và hiệu quả từ nhiều tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc, các chính phủ Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản... thông qua những gói hỗ trợ về tài chính cũng như việc chuyển giao những kinh nghiệm quản lý và kỹ thuật tiên tiến đang được ứng dụng ở các nước phát triển.
Việc xây dựng và triển khai thực hiện Dự án IEEP thể hiện nỗ lực của Bộ Công Thương với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO để hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 và tối ưu hóa các hệ thống sử dụng năng lượng chính cũng như tăng cường nguồn nhân lực về kỹ thuật và tài chính để thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống một cách rộng khắp trong các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.
Cũng tại hội thảo, bà Kristina Bünde, Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam chia sẻ: “Chuyển dịch năng lượng bền vững là một trong những ưu tiên của EU trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển xanh và bền vững. Chúng tôi hy vọng, Dự án IEEP - 1 hợp phần thuộc SETP - sẽ giúp Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đạt được những mục tiêu đề ra, cũng như góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về chuyển dịch năng lượng bền vững và đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050”.
Đại diện UNIDO tại Việt Nam, Bà Lê Thị Thanh Thảo cho biết: Trong khuôn khổ dự án IEEP với 03 hợp phần chính được thiết kế, UNIDO sẽ sử dụng kết hợp việc thúc đẩy thị trường thông qua các can thiệp chính sách (thuộc Hợp phần 1), bao gồm việc thiết lập các quy định và hướng dẫn về tiêu chuẩn QLNL và tối ưu hóa hệ thống, cũng như các chương trình khuyến khích hướng vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa và tác động kéo thị trường thông qua việc cung cấp chương trình đào tạo cho các đối tượng liên quan (Hợp phần 2) và hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện các dự án trình diễn và nhân rộng (Hợp phần 3). "Tôi hy vọng rằng, sau khi dự án hoàn thành, sẽ góp phần thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý năng lượng kết hợp với tối ưu hóa hệ thống cũng như đóng góp một phần vào các mục tiêu chung đặt ra của Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng TK&HQ (VNEEP3) đến năm 2025 và quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng thông qua khuôn khổ JETP" - đại diện UNIDO tại Việt Nam nhấn mạnh.
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe các bài trình bày mục tiêu, kết quả dự kiến của Dự án, các hợp phần, kế hoạch hoạt động, tổ chức thực hiện và trách nhiệm của các bên; Thực trạng áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 tại Việt Nam; Giới thiệu về các nguồn tài chính hỗ trợ các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng...
ISO 50001 là tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý năng lượng do Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) xây dựng và ban hành. Mục đích của tiêu chuẩn Quốc tế này nhằm giúp cho các tổ chức thiết lập các hệ thống và quá trình cần thiết để cải tiến hiệu suất năng lượng, bao gồm việc sử dụng, tiêu thụ và hiệu quả năng lượng. Việc thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn này nhằm hướng tới sự giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí năng lượng và các tác động môi trường có liên quan khác, thông qua việc quản lý năng lượng có hệ thống.
ISO 50001 được công bố lần đầu vào ngày 15/6/2011 (gọi là ISO 50001:2011) và phiên bản mới nhất gần đây được ban hành vào ngày 21/8/2018 (gọi là ISO 50001:2018), phiên bản này được nâng cấp và cải tiến từ phiên bản 2011. Các doanh nghiệp đang áp dụng phiên bản ISO 50001:2011 sẽ phải thực hiện chuyển đổi lên phiên bản ISO 50001:2018 trước ngày 21 tháng 08 năm 2021.
Tại Việt Nam, việc phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 được Bộ Công Thương triển khai từ năm 2011 thông qua dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng tại Việt Nam”. Đến nay đã có 74 đơn vị đăng ký và áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001.
Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận về những khó khăn, thách thức cũng như đưa ra những khuyến nghị trong việc triển khai thực hiện hoạt động tiết kiệm năng lượng.