A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Khuyến khích đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng

Phát biểu khai mạc hội nghị Hội nghị tham vấn Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật SDNL TK&HQ) khu vực miền Bắc vừa được tổ chức sáng ngày 5/3/2025, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) cho biết, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, khuyến khích đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu khí thải.

Tiếp nối thành công của các Hội nghị được tổ chức tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, Hội nghị đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập ý kiến chuyên sâu từ các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và các bên liên quan, hướng tới hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy sử dụng năng lượng bền vững tại Việt Nam.  Đây không chỉ là diễn đàn để các bên liên quan đóng góp ý kiến mà còn là bước đi quan trọng giúp đảm bảo rằng các sửa đổi, bổ sung trong Luật sẽ mang lại lợi ích thiết thực, thúc đẩy nền kinh tế xanh, bền vững và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tại Việt Nam.

Tham dự hội nghị có đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh miền Bắc; đại diện các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Than - Khoáng sản Việt Nam; các trung tâm tiết kiệm năng lượng, trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc; các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc Hội nghị

Thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Sau 15 năm triển khai thi hành, đến nay đã bộc lộ bất cập cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung một số nội dung được quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật liên quan để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm công nghiệp để ứng phó với các thách thức mới.

Cục trưởng Nguyễn Thị Lâm Giang nhấn mạnh, Bộ Công Thương xác định việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ hiện hành là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, đồng thời tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kịp thời tận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ bản nguồn năng lượng hợp lý theo hướng giảm thiểu nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam cũng cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng; là một trong những đòi hỏi để góp phần thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Căn cứ quy trình thực hiện xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hiện tại Bộ Công Thương đã thực hiện thành lập Ban soạn thảo Tổ biên tập xây dựng Dự án Luật, tiến hành tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập thông qua Dự thảo 2: Tờ trình, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và gửi lấy ý kiến rộng rãi bằng văn bản tới các đơn vị liên quan và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương. 

Hội nghị nhằm thu thập ý kiến từ các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và các bên liên quan, hướng tới hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy sử dụng năng lượng bền vững tại Việt Nam

Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng

Tại Hội nghị, các đại biểu được cập nhật những cơ chế, chính sách mới nhất cùng nội dung trọng tâm của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung. Các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đảm bảo sự phát triển bền vững. Nội dung thảo luận chủ yếu tập trung vào các vấn đề như phân cấp, phân quyền cho địa phương trong triển khai luật, cơ chế hỗ trợ các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO), cùng các sáng kiến nâng cao hiệu suất năng lượng trong công nghiệp, xây dựng và giao thông.

Ông Nguyễn Hồng Việt - Phó Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua Thành phố Hà Nội đã thực hiện phân cấp phân quyền trong hoạt động đào tạo, cấp chứng nhận cho cán bộ quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng. Tuy nhiên, số lượng các khoá đào tạo cán bộ quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thực tế. Đồng thời, địa phương đã thực hiện kiểm tra, giám sát việc dán nhãn năng lượng nhưng chưa triệt để do nhu cầu số lượng sản phẩm dán nhãn năng lượng là rất lớn. Do đó, Luật sửa đổi cần tăng cường hỗ trợ công tác tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dán nhãn năng lượng của các doanh nghiệp để đảm bảo việc thực thi pháp luật.

"Bộ Công Thương cần xem xét phân cấp, phân quyền cho các địa phương được đào tạo, cấp chứng nhận cho cán bộ quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng và tiếp nhận hồ sơ đăng ký, kiểm tra, giám sát việc dán nhãn năng lượng. Bên cạnh đó, cần thường xuyên cập nhật giáo trình và bài giảng, bổ sung kiến thức tiên tiến, liên tục về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xem xét quy định thời hạn của chứng chỉ nhằm khuyến khích cán bộ quản lý năng lượng, kiểm toán viên chú trọng cập nhật, bổ sung kiến thức trong lĩnh vực năng lượng; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thực hiện nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; mở rộng đối tượng, phạm vi tham gia các chương trình tập huấn, đào tạo nâng cao chuyên môn trong và ngoài nước do Bộ Công Thương tổ chức", đại diện Sở Công Thương TP Hà Nội đề xuất.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị 

Chia sẻ về cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng theo mô hình dịch vụ năng lượng ESCO, ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam  EVN đề xuất cần thiết phải bổ sung vào Luật sửa đổi Luật SDNLTK&HQ khái niệm về mô hình này, các cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý, khuyến khích hoạt động các công ty ESCO, nhằm thúc đẩy thị trường dịch vụ năng lượng phát triển nhanh ở Việt Nam.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hà - Chuyên gia năng lượng cũng chia sẻ về kết quả triển khai Chương trình thí điểm Thỏa thuận tự nguyên (VAS) về tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 (DEPP3).

Ông Nguyễn Thanh Hà - Chuyên gia năng lượng

Phần trao đổi, thảo luận đã nhận được ý kiến đóng góp tích cực đối với các cơ chế, chính sách và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ. 

Góp ý cho dự án Luật, Đại diện Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, Luật ngoài bổ sung dán nhãn cho vật liệu xât dựng cần bổ sung dán nhãn cho các công trình xây dựng sử dụng nhiều năng lượng (ví dụ Trung tâm dữ liệu). Đồng thời có chính sách thúc đẩy ưu đãi hơn cho các công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng. Về biện pháp tiết kiệm năng lượng với các trung tâm dữ liệu, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhìn nhận, chỉ phát triển trung tâm dữ liệu phục vụ nhu cầu trong nước. Doanh nghiệp nước ngoài xây dựng các trung tâm tại Việt Nam tiêu hao rất nhiều năng lượng, giá trị gia tăng không ở trong nước.

Ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị sẽ được Bộ Công Thương tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, và phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.

Dự kiến Luật sẽ sửa đổi 16/48 Điều tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010.

Bốn Nhóm chính sách sẽ được lấy ý kiến rộng rãi để chỉnh sửa bao gồm: Thứ nhất là các nội dung về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thứ hai là nội dung về quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thứ ba là nội dung quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thứ tư là nội dung về chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội vào tháng 3 năm 2025.

 


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website