Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm
Ngày 20/9, tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng đã tổ chức diễn đàn “Tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm”. Diễn đàn là một trong số những hoạt động tuyên truyền năm 2022 của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
Diễn đàn có sự tham dự của các khách mời bao gồm: ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo tiết kiệm năng lượng, Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương); ông Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; ông Dương Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực.
Hiện nay, Ngành công nghiệp chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cả nước có hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, chiếm 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm này tiết giảm khoảng 2% điện năng tiêu thụ/năm sẽ tương đương giảm 1,4 tỷ kWh, tức là sẽ tiết kiệm được 2.700 tỷ đồng. Theo ông Trịnh Quốc Vũ Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), tiêu chí để xác định doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm được quy định trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị định số 21/2011/NĐ-CP, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm bao gồm: Cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đơn vị vận tải có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra một nghìn tấn dầu tương đương (1000 TOE) trở lên; Các công trình xây dựng được dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra năm trăm tấn dầu tương đương (500 TOE) trở lên. Hiện cả nước có 2961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, trong đó có hơn 2400 cơ sở là doanh nghiệp công nghiệp. Ngoài ra còn có 1 số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong giao thông, nông nghiệp và các toà nhà, công trình xây dựng.
Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải thực hiện các quy định bắt buộc về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cụ thể là: các đơn vị lập kế hoạch sử dụng hàng năm và 5 năm, báo cáo tới Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh thông qua các Sở công thương cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt cơ sở. Đồng thời cơ sở trọng điểm phải có trách nhiệm xây dựng và duy trì hiệu quả sử dụng năng lượng, bổ nhiệm người quản lý năng lượng là những người được cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ Công thương và tiến hành kiểm toán năng lượng ít nhất 1 lần trong vòng 3 năm. Trên cơ sở báo cáo có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng và các giải pháp về tiết kiệm năng lượng theo khuyến nghị báo cáo kiểm toán năng lượng của Bộ Công thương. các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quy chuẩn, quy định, định mức tiêu hao năng lượng với 7 quy định về định mức tiêu thụ năng lượng, áp dụng với các ngành: hoá chất, thép, bia - rượu - nước giải khát, giấy và bột giấy, ngành nhựa, chế biến thuỷ hải sản và mía đường. Sắp tới sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng định mức quy chuẩn để áp dụng với một số ngành nữa, bao gồm: da giày, chế biến thực phẩm, dệt may. Đồng thời phối hợp với Bộ xây dựng để xây dựng quy chuẩn định mức tiêu thụ năng lượng đối với một số ngành sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng như ngành xi măng, ngành sản xuất kính. Ngoài ra, các cơ quan hành chính sự nghiệp sử dụng ngân sách của nhà nước, có trách nhiệm thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng như xây dựng quy trình, quy chế, mua sắm các thiết bị tiết kiệm năng lượng theo danh mục của Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt.
Dưới góc nhìn của Doanh nghiệp, ông Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, việc triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói chung và doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm nói riêng, về nhận thức hầu hết các doanh nghiệp đều biết chủ trương, quy định của Nhà nước về tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, việc áp dụng các giải pháp tiết sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm tại doanh nghiệp còn hạn chế. Một số doanh nghiệp có sự quan tâm, làm việc với nước ngoài có những yêu cầu chặt chẽ nên thực hiện rất tốt các quy định của luật về kiểm toán, thực hiện các giải pháp. Còn đối với một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm thì có thể đã làm, nhưng đôi khi thực hiện để đấy chứ chưa chắc đã chú tâm, hiệu quả chưa đạt được như kỳ vọng. Đối với vai trò của EVN, Tập đoàn đã thí điểm cung cấp 1 số giải pháp cho khách hàng công nghiệp theo phương thức đầu tư hoàn toàn nhằm chứng minh tính hiệu quả của tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp. Qua đó, đại diện tập đoàn hi vọng sẽ có nhiều cơ chế, chính sách mới vừa bắt buộc vừa mềm dẻo để áp dụng tới các cơ sở.
Đánh giá về những giải pháp, hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn, ông Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho rằng, Việt Nam là nước đang phát triển, đa số trình độ công nghệ, dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp còn lạc hậu, việc sử dụng năng lượng hiệu quả về mặt công nghệ là chưa bằng các nước khác, nguồn nhân lực cho tư vấn triển khai các giải pháp chưa được nhiều. Hiện nay, việc nhận thức và tuân thủ quy định pháp luật trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp đã tốt hơn. Một số doanh nghiệp có sự quan tâm, làm việc với nước ngoài có những yêu cầu chặt chẽ nên thực hiện rất tốt các quy định của luật về kiểm toán, thực hiện các giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng.
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã chia sẻ và đưa ra những khó khăn và thách thức thực tế trong quá trình triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cùng với nhiều giải pháp về cơ chế và chính sách đang được Bộ Công Thương xem xét để có những điều chỉnh sửa đổi phù hợp trình Quốc hội và Chính phủ trong thời gian tới.