Tiết kiệm điện trong công nghiệp, giải pháp hướng đến phát triển bền vững
Trong thời gian vừa qua, cùng với việc phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu năng lượng của Việt nam đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhu cầu sử dụng và tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam hiện chiếm tới gần 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.
Theo ông Hoàng Việt Dũng, thành viên Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng về nhu cầu năng lượng cao so với khu vực và trên thế giới. Trong 10 năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng năng lượng trung bình của Việt Nam khoảng 7%/năm nhưng tốc độ tăng trưởng về nhu cầu điện thì cao hơn nhiều, khoảng 9,5% trong giai đoạn 2011-2019. Trong các năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu năng lượng tăng trưởng chậm lại, ở mức trên 2%/năm. Tuy nhiên, theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện trong giai đoạn tới vẫn tăng trưởng 8-9%/năm, điều này đặt ra thách thức trong vấn đề đảm bảo cân bằng cung cầu năng lượng, đặc biệt là điện. Các khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng về mặt kỹ thuật trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam có thể đạt từ 20-30%, để tiềm năng tiết kiệm năng lượng này trở thành hiện thực thì Việt Nam sẽ phải triển khai rất nhiều công việc, giải pháp từ nay đến 2030 mới có thể đạt được con số này.
Xác định tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng, ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 280/QĐ-TTg - phê duyệt Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Chương trình đề ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn 2019-2030 tương đương việc tiết kiệm 60 – 80 triệu tấn dầu quy đổi, các mục tiêu cụ thể nhằm đạt mức giảm tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng từ 6,8% lên tới 24,81% theo ngành/phân ngành. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành, địa phương phải cùng phối hợp đẩy mạnh triển khai các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ và cụ thể, tập trung vào những giải pháp chính bao gồm: rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bộ Công Thương đang nghiên cứu và chuẩn bị báo cáo rà soát sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dự kiến trình chính phủ trong tháng 9/2022; Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong giai đoạn 2019 – 2030 Bộ Công Thương sẽ tập trung kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; Tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các đơn vị liên quan triển khai các Chương trình như: người quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng…; Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong đó nổi bật là tổ chức 03 giải thưởng hiệu quả năng lượng, đây là hoạt động thường niên tôn vinh các doanh nghiệp tiêu biểu về tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; Xây dựng cơ chế tài chính thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng thông qua các dự án hợp tác quốc tế cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư thực hiện tiết kiệm năng lượng; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Chia sẻ dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Mã Khai Hiền – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (Enerteam) nhận định, thực trạng việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất lãng phí. Cường độ sử dụng năng lượng trên GDP ở nước ta rất cao so với mức bình quân trên thế giới, nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì lượng năng lượng nhập khẩu chắc chắc sẽ ngày càng cao. Theo ông Mã Khai Hiền, đã đến lúc phải chấm dứt việc sử dụng năng lượng lãng phí mà còn phải cải thiện chất lượng "cầu" của năng lượng, phải hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn, bền vững hơn. Đặc biệt, các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều như xi măng, sắt thép… cần phải áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm năng lượng để cắt giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống.
Ông Mã Khai Hiền cho biết, hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật luật về tiết kiệm năng lượng đã và đang dần hoàn thiện trong tương lai gần, sẽ giúp cho việc thúc đẩy các nguồn lực của xã hội thực thi đầy đủ các hoạt động tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông và nâng cao năng lực đã được triển khai trong Chương trình vneep1 và 2 cần tiếp tục duy trì và thúc đẩy mạnh hơn. Ngoài ra, việc doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, quan tâm đến chất lượng đầu ra nhưng làm sao để giảm chi phí vận hành để có thể cạnh tranh. Trong khi việc thực hiện đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng lại đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ nhưng doanh nghiệp khó khăn về ngồn vốn thực hiện. Đây là một trở ngại, do vậy doanh nghiệp rất cần sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, các chuyên gia và các tổ chức. Cần phải có cơ chế tài chính trong nước rõ ràng để huy động và khơi thông các nguồn vốn giá rẻ, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính giá rẻ này để đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, Nhà nước phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp và người dân tuân thủ, thực hiện tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi hoặc thưởng cho doanh nghiệp đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra nên đầu tư nâng cao năng lực quản lý cho các cơ quan quản lý ở địa phương như các Sở Công Thương, trung tâm tiết kiệm năng lượng.