A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam trong CPTPP

Thực thi Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở rộng đường cho hàng hóa Việt sang các thị trường mới mẻ và tiềm năng trong Hiệp định.  Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực thi, tỷ lệ tận dụng những ưu đãi xuất xứ thực hiện trong CPTPP còn chưa cao, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết cơ hội ưu đãi thuế quan từ hiệp định này.

Tỷ lệ sử dụng ưu đãi tại các thị trường mới trong CPTPP tăng cao

Tại toạ đàm “Gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam trong CPTPP” diễn ra ngày 1/12 do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – cho biết, thời gian qua, kiến thức và hiểu biết của doanh nghiệp về FTA nói chung và hiệp định CPTPP nói riêng đã cải thiện đáng kể. Tỉ lệ các doanh nghiệp hiểu về Hiệp định CPTPP hay hiểu rõ về Hiệp định CPTPP đã tăng trưởng rất mạnh.

Đơn cử, doanh nghiệp hiểu rõ đã tăng từ hơn 2% (cách đây hơn 2 năm) cho đến gần 9% trong năm 2021- đầu 2022. Mặc dù tỷ lệ vẫn còn khiêm tốn, song chúng ta thấy mức độ tăng, số lượng doanh nghiệp hiểu rõ đã đáng kể”- ông Ngô Chung Khanh dẫn chứng.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang CPTPP nói chung và đặc biệt là sang ba thị trường FTA mới, tức thị trường chưa có FTA khi ký CPTPP là Canada, Mexico, Peru tăng trưởng rất mạnh và thặng dư thương mại từ riêng hai thị trường Canada và Mexico đã là một con số rất đáng kể. Tuy nhiên, theo ông Ngô Chung Khanh, dù xuất khẩu sang Canada, Mexico tăng giá trị tăng nhưng tỷ trọng của hai thị trường này còn tương đối khiêm tốn. Cùng đó là những mặt hàng có tỷ lệ tận dụng tốt thì giá trị còn tương đối hạn chế. Ngoài ra, những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu giá trị cao cũng đang dừng lại ở tỷ lệ chưa cao. Đây là những điểm cần chú ý để tập trung cải thiện hơn trong thời gian tới.

Thông tin về tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi trong CPTPP, bà Đỗ Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết,  con số về tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi trong CPTPP là 6,7% nghe có vẻ thấp, nhưng thực tế con số này tính trên tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra toàn bộ khối gồm 11 nước thành viên và trong đó mới có 6 nước thành viên đã thực thi CPTPP thì tỷ lệ sẽ cao  chứ không phải là 6,7%.

Ngoài ra, trong số 11 nước hoặc là 10 nước đối tác của Việt Nam trong CPTPP thì bảy nước đã có FTA với Việt Nam rồi, ba nước là đối tác mới và thực chất ra cơ hội thị trường chủ yếu của CPTPP đem lại chỉ là ba nước này Canada, Mexico và Peru. Riêng Peru mới thực thi từ cuối năm 2021 trở lại đây. Cho nên nếu tính trên tổng thể ba năm vừa qua thì Canada và Mexico sẽ là hai thị trường chính mà chúng ta có thể đánh giá về hiệu quả sử dụng.

Nếu tính chỉ riêng thị trường Canada và Mexico thì tỷ lệ sử dụng ưu đãi này tăng hơn hẳn mức trung bình, chiếm khoảng xấp xỉ 24% và con số này cao hơn tỷ lệ sử dụng ưu đãi trong Hiệp định với EU (EVFTA) và UKVFTA. Bên cạnh đó, khả năng đáp ứng tiêu chí xuất xứ CPTPP là như nhau nhưng tỷ lệ sử dụng C/O CPTPP sang Mexico và Canada khá là khác nhau. Với Canada tỷ lệ khoảng 10% theo thống kê của phía Việt Nam và với Mexico tỉ lệ là 40%” – bà Hương dẫn chứng.

Còn đối với các thị trường đã có FTA như Nhật Bản, Úc hay New Zealand, bà Hương cho rằng, các doanh nghiệp sẽ chủ yếu tận dụng những hiệp định mà Việt Nam đã ký kết trước đây, ví dụ như Hiệp định ANZFTA hoặc là Hiệp định Việt Nam - Nhật Bản, ASEAN - Nhật Bản. Dù tỷ lệ sử dụng Hiệp định CPTPP đối với các thị trường này hiện đang ở mức thấp nhưng tăng dần đều trong những năm vừa qua, cho nên sự quan tâm của doanh nghiệp đối với CPTPP cũng đang tăng. Đối với những thị trường khác cũng như vậy.

Đứng về góc độ mặt hàng, bà Đỗ Thu Hương chia sẻ, nếu tính trên tổng thể chung của khối CPTPP bao gồm những nước đã thực thi, những nước chưa thực thi, bao gồm cả những nước đã có FTA và những nước mà chưa có FTA thì tỷ lệ những nhóm hàng chúng ta sử dụng tốt là giày dép chiếm khoảng 43%, xơ sợi cũng khoảng 33%, sắt thép và các sản phẩm sắt, thép 76%, điện thoại và linh kiện điện thoại là 13% và thủy sản là 6%. Tất nhiên là trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này thì dệt may vẫn là nhóm hàng mà hiện nay tỷ lệ sử dụng C/O CPTPP thấp và cũng gần như không tăng trong ba năm vừa qua.

Ở góc độ địa phương, ông Trần Thế Phương - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Bình Dương – sau 3 năm thực hiện, có thể nói hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đều có nhận thức và hiểu biết nhất định về cam kết và thị trường các nước CPTPP, đặc biệt là các cam kết cắt giảm thuế quan, các quy định để được cấp xuất xứ hàng hóa C/O sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, do đặc thù các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của tỉnh còn mang nặng hình thức gia công, chế biến, đặc biệt là hai ngành dệt may, da giày nên việc tận dụng nguyên liệu, vật liệu trong nước và các nước thuộc khối CPTPP còn hạn chế, tuy có tăng dần theo từng năm nhưng vẫn chưa đạt theo kỳ vọng.

Chủ động nắm bắt thông tin để tận dụng tối đa ưu đãi

Để tận dụng tối đa ưu đãi, bà Đỗ Thị Thu Hương mong muốn cộng đồng doanh nghiệp chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan theo các hiệp định đem lại để biết được rằng cơ hội ở đâu, thị trường nào và nhóm hàng nào.

Mặt khác, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến những quy định về quy tắc xuất xứ, tìm hiểu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

Nhằm đáp ứng được cấp C/O cũng cần phải có đầu tư về chuyện lưu trữ chứng từ để chứng minh xuất xứ. Đây cũng là một gánh nặng tài hành chính về mặt hành chính cho doanh nghiệp khá nhiều khi mà các cơ quan chức năng cũng như là nước nhập khẩu vào kiểm tra, điều tra về quy tắc xuất xứ.

Liên quan đến việc tổ chức hệ thống cấp C/O, bà Đỗ Thị Thu Hương cho biết, Bộ Công Thương sẽ tăng cường chuyển giao cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ.

Hiện nay phần lớn đều là do tổ chức cấp C/O, doanh nghiệp phải đến đăng ký nộp hồ sơ cho các tổ chức cấp để Bộ Công Thương theo xu hướng sẽ chuyển dịch dần sang cho doanh nghiệp tự chứng nhận và hiện nay đã làm với ASEAN rồi và sẽ sang các hiệp định khác.

Tuy nhiên sự quan tâm của doanh nghiệp liên quan đến việc tự chứng nhận xuất xứ hiện nay còn đang rất hạn chế nên doanh nghiệp cần quan tâm hơn, tham gia nhiều hơn và đảm bảo được tính chủ động, tiết kiệm về mặt thời gian, chi phí.

Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp khá chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng; trong đó, có Hiệp hội Dệt may để tổ chức cuộc hội thảo, tọa đàm. Một mặt đưa những thông tin về hiệp định, thuế suất lẫn quy tắc xuất xứ với doanh nghiệp ngành hàng; đồng thời cũng có trao đổi hai chiều để tiếp nhận những khó khăn, những vướng mắc của Hiệp hội ngành hàng gặp phải trong quá trình thực thi.

Bộ Công Thương cũng đã tăng cường những hội thảo cũng như những hoạt động xúc tiến thương mại sang các thị trường có FTA để tìm kiếm các cơ hội thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp.


Tác giả: Huy Dương

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website