A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á - Âu

Ngày 02/12/2022 tại thành phố Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn thương mại với các đối tác khu vực Á – Âu năm 2022 bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ phát biểu

Diễn đàn được tổ chức thường niên nhằm cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thông tin cập nhật về tình hình thị trường, chính sách ngoại thương, các cơ hội giao thương và đầu tư tại khu vực Á-Âu (Eurasia), từ đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và đầu tư, cũng như tận dùng các lợi thế sẵn có của khu vực Á-Âu để đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Nhiều tiềm năng hợp tác

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết khu vực Eurasia gồm 28 nước, trải dài từ Đông Âu sang Trung Á, với tổng diện tích khoảng 23,5 triệu km2, dân số hơn 410 triệu người, tổng GDP gần 3.400 tỷ USD, là thị trường truyền thống và đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Về thương mại, năm 2021, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Eurasia đạt hơn 14,7 tỷ USD, tăng 17,6% so với 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 9,9 tỷ USD tăng 11,7%, nhập khẩu đạt 4,8 tỷ USD tăng 32,2%.

Riêng trong năm 2022, do những bất ổn địa chính trị trong khu vực, kéo theo đó là khủng hoảng năng lượng, lương thực và lạm phát tăng cao ở các nước Eurasia đã tác động tiêu cực đến thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước khu vực Á – Âu. Trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch hai chiều giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 11,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 7,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 3,8 tỷ USD.

Về đầu tư, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến hết tháng 10 năm 2022, các quốc gia khu vực Á-Âu hiện có khoảng 339 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD, tương đương với 0,4% trong tổng vốn đăng ký từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư tại nước ta. Việt Nam đã đầu tư 24 dự án sang khu vực Á - Âu với tổng vốn đăng ký 1,65 tỷ USD, trong đó chủ yếu là tại LB Nga, tương đương với 8% trong tổng vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Có thể thấy các con số thống kê hiện nay cho thấy giữa hai Bên còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, đặc biệt là khi giữa Việt Nam và các quốc gia khu vực Á-Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ vững chắc làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương, bao gồm hai Hiệp định tự do thương mại: VNEAEUFTA với Liên minh kinh tế Á - Âu (LB Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan) và EVFTA với Liên minh Châu Âu; Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA); 14 Ủy ban Hỗn hợp/ Ủy ban liên Chính phủ và 1 cơ chế Tham vấn hợp tác kinh tế song phương.

Tìm kiếm cơ hội tại thị trường ngách

Tại Diễn đàn, Lãnh đạo Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ và các Tham tán thương mại Việt Nam tại khu vực Á-Âu, Tham tán thương mại Đại sứ quán Uzbekistan tại Indonesia kiêm nhiệm Việt Nam... đã cung cấp các thông tin cập nhật về tình hình thị trường, chính sách đầu tư của các nước sở tại, các cơ hội hiện có từ các Hiệp định VN-EAEU FTA và EVFTA nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tối đa các lợi thế trên.

Ông Dương Hoàng Minh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga – cho rằng, hiện dư địa các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nga vẫn còn rất lớn. Các sản phẩm có thể kể đến như chè, cà phê, hạt tiêu, thủy hải sản. Tuy nhiên chúng ta mới dừng lại ở xuất khẩu thô, sơ chế hoặc một số mặt hàng chúng ta chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở làm gia công cho các đối tác nước ngoài là chính như như hàng may mặc, giày da, điện tử…

Trong thời gian tới, để rộng đường cho việc đưa hàng Việt Nam vào thị trường Nga, ông Dương Hoàng Minh kiến nghị sớm giải quyết khó khăn về vận tải, logistic, nối lại đường bay trực tiếp với Nga. Hiện 22 quốc gia đã nối lại đường bay trực tiếp với Nga. Đồng thời với đó là kết nối lại các chương trình hợp tác với Liên bang Nga. Nhà nước nên tổ chức một số chương trình xúc tiến thương mại giữa hai bên để xúc tiến một số mặt hàng có tiềm năng như hàng may mặc, đồ uống, đồ gỗ, cà phê, chè…

Trong khi đó, tại thị trường Ba Lan, hiện Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu các loại hoa quả tươi như thanh long, bưởi, dừa tươi... Một số mặt hàng đồ khô như bún miến mỳ cũng đang được nhập chính ngạch. Ông Nguyễn Thành Hải - Tham tán thương mại tại Ba Lan – chia sẻ, hiện nay, nông sản và thực phẩm Việt Nam đang có một số thuận lợi tại Ba Lan, như ưu đãi mới về thuế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Nhiều mặt hàng thuế đã về 0% như rau tươi, một số loại củ, quả tiềm năng, tôm nguyên liệu… của Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường không yêu cầu quá khắt khe đối với chất lượng sản phẩm, không khó tính như các thị trường khác như Đức, Italia, Pháp.

Hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ của người Việt bắt đầu phát triển và dần tạo dựng chỗ đứng trên chuỗi cung ứng tại thị trường bản địa. ​Ví dụ, tại Ba Lan, Séc hiện có khoảng 5- 7 nhà phân phối hàng nông sản, thực phẩm châu Á do người Việt làm chủ, tại Hungary, Bungari có từ 3-5 nhà phân phối của người Việt”- ông Nguyễn Thành Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh thuận lợi, theo ông Nguyễn Thành Hải vẫn có một số khó khăn đối với xuất khẩu nông sản và thực phẩm vào Đông Âu, như bất lợi trong hoạt động logistcs để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng bản địa; rất khó tiếp cận và xâm nhập vào hệ thống siêu thị bán buôn, bán lẻ tại thị trường bản địa.

Vì vậy, để gia tăng xuất khẩu vào thị trường Đông Âu, cần khai thác thế mạnh của cộng đồng người Việt, doanh nghiệp người Việt tại thị trường bản địa. Cùng với đó, phát triển kênh logistics để đưa hàng vào thị trường nhanh và đảm bảo chất lượng hơn. Hiện nay, Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan đang hỗ trợ hãng hàng không Ba Lan LOT mở đường bay thương mại trực tiếp giữa Việt Nam và Ba Lan, tiếp sau đó là đường bay vận chuyển hàng hóa”- ông Nguyễn Thành Hài thông tin.

Thị trường tiềm năng khác tại khu vực Á – Âu là thị trường Tây Balkan (với 6 nước: Albani, Bosnia, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedoni và Serbia). Bà Phạm Thị Thu Hà - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Rumani – cho biết, các lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam có thể  tận dụng được cơ hội ở thị trường các nước Tây Balkan. Đó là năng lượng; công nghệ thông tin; xây dựng và chế biến thực phẩm.

Hiện các nước Tây Balkan đang có các dự án đầu tư vào sản xuất điện, cải thiện và hiện đại hóa mảng phân phối điện. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu thiết bị lưới điện của Việt Nam”- bà Phạm Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn còn diễn ra phần Tọa đàm giữa đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, các doanh nghiệp về những kinh nghiệm, cơ hội, thách thức khi kinh doanh, đầu tư tại khu vực Á-Âu. Trong đó, các Bên đã tập trung chia sẻ: kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước sở tại khi kinh doanh, đầu tư tại thị trường của nhau; các cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Đông Âu; giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực vận tải, thanh toán khi giao thương tại thị trường Á-Âu.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới thời gian tới được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn như suy thoái trong ngắn hạn, lạm phát cao và các vấn đề địa chính trị sẽ còn diễn biến phức tạp, ông Tạ Hoàng Linh cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để hỗ trợ xử lý những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động giao thương, đồng thời phối hợp xây dựng giải pháp tổng thể thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với thị trường châu Âu - châu Mỹ nói chung và thị trường Á - Âu nói riêng.


Tác giả: Tuệ Minh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website