A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn cho doanh nghiệp về biện pháp phòng vệ thương mại trong CPTPP

Việc nâng cao hiểu biết về quyền và nghĩa vụ trong Hiệp định CPTPP sẽ đảm bảo lợi ích từ các hiệp định thương mại đến được với cộng đồng các doanh nghiệp và người tiêu dùng tại các nước đối tác tham gia các hiệp định thương mại.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các cam kết trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại. Việc ký kết hiệp định này giúp mở rộng thị trường, thu hút đầu tư và mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, nhưng cũng khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong bối cảnh năng lực ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại của doanh nghiệp xuất khẩu còn nhiều bất cập, để thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu bền vững, tránh bị áp thuế phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp phải có những thích ứng phù hợp với bối cảnh mới.

Phòng vệ thương mại (PVTM) là nội dung thuộc Chương 6 của Hiệp định CPTPP gồm 2 phần chính: Các quy định về biện pháp tự vệ và các quy định về chống bán phá giá và chống trợ cấp. 

Hiện nay, các vụ việc liên quan đến PVTM đang có xu hướng ngày càng gia tăng, từ đó đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam, cụ thể: Khả năng huy động nguồn lực ứng phó với PVTM: Tập hợp bằng chứng về việc không có hành vi bán phá giá, không được hưởng trợ cấp, không gây thiệt hại đáng kể đến DN nước đối tác, thuê luật sư tư vấn, tư vấn theo kiện… đều là những công việc đòi hỏi nguồn lực gồm cả nhân lực và tài lực rất lớn; Khả năng tập hợp bằng chứng chứng minh cho các vụ PVTM: Trong bối cảnh các thông tin liên quan tới hàng hoá nhập khẩu hầu như chưa minh bạch, nguồn lực cho việc tìm kiếm thông tin tại thị trường nước ngoài suy đoán còn rất hạn chế, việc kết nối và chia sẻ thông tin với nhau hầu như chưa thực hiện được, việc tập hợp thông tin càng là một thách thức lớn hơn nữa. Đây chính là một thách thức rất lớn đối với DN xuất khẩu khi ứng phó với các vụ kiện PVTM; Khả năng tập hợp lực lượng DN xuất khẩu nhằm ứng phó với PVTM: Kiện PVTM không phải là một “cuộc chơi” của cá nhân mỗi DN riêng lẻ, mà là cuộc chiến mang tính tập thể - là chiến lược hay hành động của cả một ngành sản xuất nội địa sản phẩm liên quan. Trong bối cảnh quy mô của các DN Việt Nam hầu hết đều rất nhỏ, tính kết nối chưa cao, đa số DN cho rằng việc tập hợp lực lượng là rất khó khăn.

Hướng dẫn cho doanh nghiệp về các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được xây dựng trong khuôn khổ hợp tác giữa Chính phủ Canada và Việt Nam nhằm hỗ trợ việc thực hiện Hiệp định CPTPP. Việc nâng cao hiểu biết về quyền và nghĩa vụ trong Hiệp định CPTPP sẽ đảm bảo lợi ích từ các hiệp định thương mại đến được với cộng đồng các doanh nghiệp và người tiêu dùng tại các nước đối tác tham gia các hiệp định thương mại.

Ấn phẩm này được xây dựng với mục tiêu nâng cao nhận thức về lĩnh vực phòng vệ thương mại trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên các biện pháp này chỉ được sử dụng trong chừng mực cần thiết nhằm đảm bảo tác động thúc đẩy thương mại của Hiệp định CPTPP, đồng thời đảm bảo thương mại tự do, công bằng và có tính đến các vấn đề nhạy cảm về xã hội và môi trường của các nước thành viên. Hướng dẫn này được xây dựng bởi Luật sư trong lĩnh vực thương mại quốc tế - Ông Greg Somers với sự tham vấn Cục Phòng vệ thương mại.

CTPP và các biện pháp tự vệ

Tự vệ chuyển tiếp: Hiệp định CPTPP trao quyền cho các bên trong việc thực hiện các biện pháp tự vệ toàn cầu tương tự quy định của WTO, như trường hợp của các biện pháp phòng vệ thương mại khác đã được thảo luận. Tuy nhiên, Hiệp định cho phép một thành viên CPTPP loại trừ các thành viên khác khỏi bất kỳ biện pháp tự vệ toàn cầu nào nếu hàng hóa của bên đó không phải là nguyên nhân gây thiệt hại nghiêm trọng.

Hiệp định CPTPP cho phép bổ sung hai loại biện pháp tự vệ chung, cũng như một biện pháp tự vệ áp dụng cho hàng dệt may, mặc dù một nước chỉ có thể sử dụng một loại biện pháp tự vệ tại một thời điểm. Một “biện pháp tự vệ chuyển tiếp” được gọi như vậy vì nó chỉ có thể được sử dụng trong giai đoạn chuyển tiếp của Hiệp định CPTPP.

Giai đoạn chuyển tiếp là giai đoạn bắt đầu từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực (đối với Việt Nam, ngày 14 tháng 01 năm 2019) và kết thúc trong ba năm, hoặc khi thuế quan đối với sản phẩm điều tra được loại bỏ hoàn toàn theo lịch trình gỡ bỏ cụ thể của hàng hóa đó, tùy theo thời hạn nào đến sớm hơn. Biện pháp này là một nỗ lực để cho phép các Bên nhập khẩu giảm bớt tác động của việc cắt giảm thuế quan trong trường hợp gia tăng thiệt hại từ các sản phẩm nhập khẩu.

Điều kiện để sử dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp cũng giống như đối với tự vệ toàn cầu, nghĩa là, trong đó hàng hóa từ một Bên khác hoặc các Bên trong CPTPP được nhập khẩu vào Bên đó với số lượng tăng tuyệt đối hoặc tương đối gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước. Nếu có thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng, Bên liên quan có thể tăng thuế đối với hàng hóa gây ra thiệt hại lên tối đa bằng mức thuế suất hiện hành trước khi CPTPP có hiệu lực. Một biện pháp như vậy chỉ có thể được sử dụng một lần cho một hàng hóa cụ thể, và có thể được duy trì trong tối đa 03 năm, hoặc đến cuối giai đoạn cắt giảm thuế quan cho hàng hóa đó, tùy theo thời hạn nào xảy ra trước. Ngoài tính chất giới hạn thời gian của biện pháp tự vệ, một Bên sử dụng nó cũng có nghĩa vụ bồi thường cho các Bên CPTPP bị ảnh hưởng về “hình thức nhượng bộ có tác động thương mại đáng kể tương đương hoặc tương đương với trị giá của các khoản thuế bổ sung của biện pháp tự vệ chuyển tiếp”. Nếu các Bên bị ảnh hưởng không hài lòng với những nhượng bộ được đưa ra, họ có thể trả đũa bằng cách đình chỉ áp dụng nhượng bộ tương đương đáng kể đối với thương mại của Bên áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp. 

Các biện pháp tự vệ hiện có: Các thành viên CPTPP được phép đưa vào như một phần của cam kết cắt giảm thuế quan của họ, việc tiếp tục duy trì các biện pháp tự vệ đã được áp dụng tại thời điểm CPTPP có hiệu lực, miễn là những điều này đã được công khai trong lộ trình giảm thuế. Trong số các Bên ký kết CPTPP, chỉ có Nhật Bản đã thực hiện (liên quan đến một số hàng nông sản và lâm sản), và theo đó, không có hành động tự vệ bổ sung nào có thể được đưa ra liên quan đến những hàng hóa đó.

Hành động khẩn cấp đối với hàng dệt may: CPTPP đã tạo ra một hệ thống tự vệ đặc biệt cho hàng dệt may, làm thay đổi các điều khoản điều tra, các ngưỡng để thiết lập hành động, thời gian của biện pháp và các yêu cầu thủ tục khác nhau sẽ áp dụng cho các biện pháp tự vệ toàn cầu và chuyển tiếp. CPTPP cũng đề cập đến hệ thống sửa đổi này như một hành động khẩn cấp. Sự khác biệt đầu tiên là Bên điều tra xem một hành động liên quan hàng dệt may có phù hợp hay không phải xác định trước tiên liệu hàng dệt may có được nhập khẩu hay không “với số lượng gia tăng tuyệt đối hoặc tương đối gây ra thiệt hại nghiêm trọng, hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.” Ngôn ngữ này được lấy từ Hiệp định Dệt may WTO (TCA), do đó có thể sẽ được giải thích trong bối cảnh tranh chấp do phụ thuộc vào các quyết định của WTO được đưa ra theo TCA, mặc dù Hiệp định đó đã chấm dứt vào năm 2005. CPTPP quy định bên nhập khẩu phải tham khảo ý kiến của các bên xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải có thủ tục điều tra được công bố, trước khi bắt đầu hành động, phải thông báo công khai về cuộc điều tra và các yếu tố sẽ tính đến, tiến hành điều tra các yếu tố kinh tế được quy định trong CPTPP để quyết định xem hành động khẩn cấp có được bảo đảm hay không và không được tính đến những thay đổi về công nghệ hoặc sở thích của người tiêu dùng trong việc đưa ra quyết định. Nó phải cho thấy rằng thiệt hại nghiêm trọng đã hoặc sẽ là do nhập khẩu tăng - nguyên nhân là do cắt giảm thuế quan theo cam kết của Hiệp định CPTPP.

Trường hợp tìm thấy thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng, biện pháp tự vệ chỉ có thể duy trì hiệu lực trong 04 năm và không thể cao hơn thuế suất của mặt hàng đó có hiệu lực vào thời điểm tháng 01 năm 2019 hoặc mức thuế không ưu đãi hiện tại, tùy theo mức nào ít hơn. Ngoài ra, không có hành động khẩn cấp nào có thể được thực hiện hơn 05 năm sau khi kết thúc việc áp thuế đối với sản phẩm dệt may đó. Cuối cùng, như trường hợp của các biện pháp tự vệ chuyển tiếp, một Bên đưa ra hành động khẩn cấp phải đưa ra thỏa thuận bồi thường cho các Bên xuất khẩu bị ảnh hưởng, thường là trong lĩnh vực dệt may. Nếu các Bên liên quan không thể thống nhất về số tiền bồi thường khi đến hạn, Bên xuất khẩu bị ảnh hưởng có thể thực hiện «hành động thuế quan» (áp đặt tăng thuế) đối với bất kỳ sản phẩm nào của Bên thực hiện hành động khẩn cấp lên một số tiền tương đương về giá trị. Tranh chấp thêm về số tiền sẽ được giải quyết theo cơ chế tranh chấp của CPTPP.

Chi tiết, xem tại đây. 


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website