Tiền Giang tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản và dệt may tận dụng các FTA thế hệ mới
Ngày 07/9, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang phối hợp với Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản và dệt may về kế hoạch cụ thể để tận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, UKVFTA). Ông Ngô Chung Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương và ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công Thương chủ trì hội thảo.
Đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang |
Phát biểu tại hội thảo, ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 22 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trong đó có 04 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn, chủ động khoảng 80% sản lượng nguyên liệu. Hàng hóa xuất khẩu thủy sản đến trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, hàng hóa thủy sản đã xuất khẩu sang nhiều nhất là Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Brazil, Canada, Hà Lan, Anh, Bỉ, Úc... Các mặt hàng xuất khẩu thủy sản như: Cá tra phi lê đông lạnh, cá tra nguyên con, cá tra xẻ bướm, cá đông lạnh, ghẹ đóng hộp, cá mòi, chả cá, chả cá surimi, cá tra Sushi, cá tra Sashimi,… Các mặt hàng xuất khẩu như cá tra vẫn duy trì ổn định tại các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Các FTA thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ cùng những cam kết cắt giảm thuế quan ở mức độ sâu nhất theo lộ trình, đã đẩy mạnh tăng trưởng thương mại, đa dạng hóa thị trường và tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang.
Hiện tỉnh Tiền Giang có trên 60 doanh nghiệp dệt may, trong đó có 26 doanh nghiệp có qui mô khá, chủ yếu sản xuất trang phục, sợi, dệt và thu hút khoảng 25.000 lao động. Về xuất khẩu, các doanh nghiệp hoạt động khá ổn định, tăng trưởng qua các năm; phần lớn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều sử dụng công nghệ tiên tiến đạt năng suất cao, mẫu mã đẹp. Hầu hết nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài và do khách hàng cung cấp, nguồn nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng; chất lượng lao động luôn được các doanh nghiệp chú trọng, hầu hết công nhân đều được đào tạo lành nghề, có kỹ thuật cao.
Tuy nhiên, quá trình thực thi các FTA đã đem lại kết quả khả quan, song đi liền với đó là không ít khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp ngành thủy sản tỉnh gặp phải về áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước do hàng hóa chất lượng cao từ các nước được mở rộng vào thị trường nước ta; doanh nghiệp phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội do năng lực sản xuất còn hạn chế, phần lớn doanh nghiệp chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường và các điều kiện ưu đãi thuế quan trong các FTA đã ký kết, cùng với các rào cản thương mại khác của các nước nhập khẩu trong thời hội nhập đã, đang và sẽ là một thách thức lớn cho ngành thủy sản Tiền Giang nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung.
Tại hội thảo, ông Ngô Chung Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương đã báo cáo về định hướng và giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA. Đồng thời, ông cũng đưa ra một số giải pháp khuyến nghị để tận dụng các FTA hiệu quả như: Các doanh nghiệp cần chú ý nhiều hơn đến sản phẩm chế biến, xây dựng thương hiệu; tập trung nâng cao chất lượng; xây dựng hệ sinh thái cho ngành; lập nhóm kết nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan liên quan…
Trong khuôn khổ của hội thảo, đại diện các cơ quan Trung ương, địa phương, các hiệp hội liên quan cùng các doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề như: Những tồn tại mà ngành thủy sản Tiền Giang đang gặp phải trong quá trình tận dụng các FTA; các giải pháp để giải quyết các tồn tại trong quá trình tận dụng các FTA hướng đến phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị;…
Hội thảo nhằm mục đích đánh giá các vấn đề mà doanh nghiệp ngành thủy sản của tỉnh đang gặp phải trong quá trình tận dụng các hiệp định của các FTA thế hệ mới. Nêu ra các cơ hội, thách thức đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng trong thời gian tới khi Việt Nam thực thi và tham gia nhiều hơn các FTA thế hệ mới.