A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lãnh đạo Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á tiếp đại diện tổ chức OIF và ITC

Ngày 17/1/2013, tại trụ sở Bộ Công Thương, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á Lý Quốc Hùng đã có buổi tiếp đoàn đại biểu của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) nhân dịp đoàn vào Việt Nam tham dự Cuộc gặp giữa các ngân hàng thuộc ba khu vực Mekong-UEMOA và CEMAC diễn ra trong hai ngày 15-16/1/2013 tại Hà Nội. Tham dự buổi tiếp còn có đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Phát biểu tại buổi tiếp đoàn, ông Lý Quốc Hùng cho biết, thời gian qua, hưởng ứng sáng kiến của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), nhằm triển khai Chương trình hành động Siem Reap về đẩy mạnh trao đổi thương mại liên vùng, các cơ quan XTTM như Bộ Công Thương, VCCI, doanh nghiệp của Việt Nam và của các nước khu vực Tây và Trung Phi nói tiếng Pháp đã tích cực phối hợp và tham gia nhiều hoạt động do ITC và OIF tổ chức (như các cuộc gặp bên mua/bên bán về gạo, điều, dệt may, gỗ.., các chuyến khảo sát thị trường, XTTM, các hội thảo DN...) và kết quả thu được là rất khả quan. Nhiều hợp đồng XNK giữa các doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi đã được ký kết, góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước thuộc hai khu vực này.

Năm 2011, trong khuôn khổ hợp tác với OIF và ITC, Bộ Công Thương Việt Nam đã tổ chức đoàn nghiên cứu thị trường và XTTM tại Cộng hoà Trung Phi và Cameroon. Nhân dịp này, Bộ Công Thương Việt Nam đã ký với Bộ Công Thương CH Trung Phi ký thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp. Năm 2012, Bộ Công Thương cũng đã chủ trì tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự Cuộc gặp bên mua/bên bán về gỗ tại Cộng hoà Congo vào tháng 5/2012; tổ chức đoàn nghiên cứu chính sách và xúc tiến thương mại tại Senegal vào giữa tháng 10/2012; xuất bản cuốn sách song ngữ Pháp-Việt giới thiệu tiềm năng hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam-UEMOA-CEMAC; phối hợp với VCCI tổ chức Cuộc gặp giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam và các ngân hàng châu Phi đầu năm 2013. Hi vọng sau Cuộc gặp lần này, các doanh nghiệp hai bên sẽ tiếp cận được nguồn vốn và giải quyết một phần khó khăn trong khâu thanh toán xuất nhập khẩu, góp phần đẩy mạnh trao đổi thương mại giữa Việt Nam và ba khối nước.

Ông Lý Quốc Hùng cảm ơn OIF và ITC đã hỗ trợ về kỹ thuật trong việc tổ chức một số hoạt động xúc tiến thương mại và đề nghị hai tổ chức tiếp tục duy trì Chương trình phát triển thương mại giữa 3 khu vực Mekong-UEMOA-CEMAC đồng thời khẳng định, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng tham gia và đóng góp vào các hoạt động trong phạm vi có thể, thúc đẩy hợp tác liên vùng vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp mỗi nước.

Thay mặt đoàn, ông Torek Farhadi, cố vấn kỹ thuật, Ban tiếp cận tài chính cho các DN vừa và nhỏ của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) đã cảm ơn Bộ Công Thương thời gian qua đã tích cực phối hợp và tham gia nhiều hoạt động chung cùng với OIF và ITC. Nhân dịp này, đại diện ITC cũng thông báo những kết quả của Cuộc gặp ngân hàng vừa mới tổ chức tại Hà Nội. Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình đẩy mạnh thương mại liên vùng giữa 3 nước khu vực sông Mekong nói tiếng Pháp (Việt Nam, Lào, Campuchia) với 8 nước thuộc Liên minh Kinh tế, Tiền tệ Tây Phi-UEMOA (gồm Bờ Biển Ngà, Benin, Burkina Faso, Guinea Bissau, Mali, Niger, Senegal, Togo) và 6 nước thành viên Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi-CEMAC (Cameroon, CH Congo, Guinea Xích đạo, Gabon, CH Chad và CH Trung Phi) do Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và Trung tâm Thương mại quốc tế khởi xướng.

Mặc dù có những tiến triển nhất định trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam, Lào, Campuchia và các nước khu vực UEMOA/CEMAC song trao đổi thương mại giữa ba khối nước còn ở mức khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân chính cản trở hoạt động xuất nhập khẩu giữa ba khu vực là do doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và khó khăn trong khâu thanh toán, trong đó phải kể đến sự thiếu liên kết giữa các ngân hàng thương mại 3 vùng. Hầu hết ngân hàng của các quốc gia Châu Phi không có chi nhánh tại 3 nước sông Mekong và ngược lại, các ngân hàng Việt Nam, Lào, Campuchia cũng không có quan hệ đại lý với các ngân hàng tại những nước đó. Do vậy, doanh nghiệp hai bên không được chấp nhận phương thức thanh toán bằng L/C từ ngân hàng nước sở tại. Việc sử dụng ngân hàng châu Âu, Hoa Kỳ để xác nhận L/C lại khá tốn kém và mất thời gian.

Nhằm góp phần giải quyết vấn đề này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) đã phối hợp tổ chức Cuộc gặp giữa các ngân hàng thuộc ba khối nước. Tham dự Cuộc gặp, ngoài đại diện các cơ quan, tổ chức nói trên còn có đại diện khoảng 60 ngân hàng, doanh nghiệp đến từ các nước Tây Phi, Trung Phi, Việt Nam, Lào và Campuchia.

Hội thảo là dịp để các bên nhìn lại quan hệ thương mại giữa khối UEMOA, CEMAC và 3 nước sông Mékong nói tiếng Pháp, những thuận lợi, khó khăn và giải pháp nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại liên vùng. Đặc biệt, các chuyên gia đã có những bài thuyết trình về tình hình hoạt động và triển vọng hợp tác ngân hàng giữa ba khu vực, vấn đề tài chính trong đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vấn đề tài chính trong thương mại quốc tế, tầm quan trọng và ưu đãi của các ngân hàng khu vực Mekong đối với các nước châu Phi, những chính sách và phương tiện thanh toán, cách thức phát triển quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp khu vực sông Mekong nói tiếng Pháp và các ngân hàng châu Phi, v.v... Các bên tham dự cũng đã nhất trí, để tiến tới việc cụ thể hóa quan hệ hợp tác, Hiệp hội ngân hàng và ngân hàng các bên cần tiếp tục trao đổi và tổ chức cuộc gặp lần hai vào cuối tháng 6/2014 cũng tại Hà Nội.

Cũng tại buổi tiếp, Đại diện Trung tâm Thương mại quốc tế cũng gợi ý trong thời gian tới, OIF, ITC, Bộ Công Thương và Chính phủ Nhật Bản có thể phối hợp tìm nguồn tài trợ để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại phục vụ doanh nghiệp.

Ông Alain Le Noir, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà lãnh đạo ngân hàng ở châu Phi cho biết sau Hội thảo này, tập đoàn ngân hàng Oragroup Togo sẽ cử cán bộ sang Việt Nam để làm việc với Viettinbank nhằm thiết lập quan hệ ngân hàng đại lý. Ông cũng đề xuất thời gian tới các nước thuộc khối UEMOA, CEMAC và Mekong nói tiếng Pháp cần mở các cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại tại thủ đô của nhau, đặc biệt tại các thị trường lớn để hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt hơn.

Nhân dịp này, ông Madou Sangueh, chuyên gia phụ trách các chương trình của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ. Chính tại Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ tổ chức tại Hà Nội năm 1997, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến đưa hợp tác kinh tế vào trong chương trình hợp tác giữa các nước nói tiếng Pháp. Việt Nam cũng là quốc gia tích cực nhất trong khu vực sông Mekong nói tiếng Pháp tham gia vào các hoạt động của OIF và ITC trong khuôn khổ chương trình mở rộng thương mại liên vùng MEKONG-UEMOA-CEMAC thời gian qua.

Năm 2012, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với với khối UEMOA đạt 831 triệu USD, tăng 13% so với năm 2011 trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 497 triệu USD và nhập khẩu đạt 334 triệu USD. Trao đổi thương mại giữa Việt Nam với CEMAC đạt khoảng 296 triệu USD tăng 11%, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 160 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 136 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang hai khu vực này những mặt hàng thế mạnh như gạo, linh kiện và phụ tùng xe máy, máy vi tính, sản phẩm điện tử, hạt tiêu, nguyên liệu thuốc lá, chất dẻo, thuỷ sản, v.v... và nhập khẩu các mặt hàng bông, hạt điều thô, gỗ, sắt thép phế liệu, v.v... Các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Bờ Biển Ngà, Senegal, Cameroon, Benin, Togo, Cộng hòa Congo và Gabon.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website