A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng Credit Suisse công bố kế hoạch tái cấu trúc

Ngày 27/10/2022, ngân hàng Credit Suisse đã công bố kế hoạch tái cấu trúc với một loạt các hành động có tính quyết định nhằm tạo ra một ngân hàng đơn giản hơn, tập trung hơn và ổn định hơn trong những năm tới.

Ban Giám đốc Credit Suisse, sau khi tiến hành những đánh giá chiến lược tổng thể, đã đi đến quyết định tái cơ cấu triệt để mảng ngân hàng đầu tư, đẩy nhanh quá trình giảm chi phí, củng cố và phân bổ lại nguồn vốn.

Kế hoạch tái cấu trúc chiến lược của Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sỹ, được khơi mào bởi một chuỗi những sự kiện tai hại mà ngân hàng phải chịu thời gian qua, bao gồm những khoản thua lỗ do các quỹ Archegos Capital Management và Greensill Capital bị sụp đổ vào năm 2021, cũng như những cáo buộc pháp lý liên quan đến rửa tiền và các hoạt động kinh doanh gây tranh cãi.

Credit Suisse đã liên tục thua lỗ trong 12 tháng gần đây. Đặc biệt, theo báo cáo công bố hôm nay 27/10/2022, ngân hàng phải chịu khoản thua lỗ Quý 3/2022 lên đến 4 tỷ CHF, cao hơn rất nhiều so với dự báo trước đó của các chuyên gia cho rằng ngân hàng sẽ thua lỗ khoảng 600 triệu CHF trong quý 3/2022. Trong kế hoạch tái cấu trúc, Credit Suisse sẽ tập trung vào mảng quản lý tài sản, vốn là thế mạnh của ngân hàng, cũng như các mảng hoạt động có trụ sở tại Thụy Sỹ.

Những giải pháp lớn dự kiến sẽ được Credit Suisse thực hiện từ 2022 đến 2025 tập trung vào:

• Cơ cấu lại toàn diện mảng ngân hàng đầu tư để giảm đáng kể tài sản rủi ro: Chủ tịch Credit Suisse, Ông Axel Lehmann thừa nhận rằng ngân hàng đã mất tập trung trong những năm gần đây, dẫn đến việc cần phải có “chiến lược cấp tiến và kế hoạch thực hiện rõ ràng để tạo ra một ngân hàng mạnh hơn, linh hoạt hơn và hiệu quả hơn với nền tảng vững chắc”.

Đối với mảng ngân hàng đầu tư đang gặp khó khăn, ban lãnh đạo ngân hàng đã cam kết "thực hiện các biện pháp quyết định để tái cấu trúc" mảng kinh doanh này, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình. Các biện pháp này sẽ giúp giảm 40% tài sản rủi ro trong vòng ba năm tới.

Các phần quan trọng trong hoạt động ngân hàng đầu tư của Credit Suisse, chủ yếu có trụ sở tại Mỹ, sẽ được bán bớt để vừa huy động thêm tiền mặt vừa giảm bớt rủi ro.

Ngân hàng cũng thành lập một bộ phận mới có tên "Đơn vị bán vốn" để bán bớt bất kỳ tài sản nào mà ngân hàng cho là quá rủi ro và có tầm quan trọng chiến lược thấp.

Đơn vị mới được thành lập Credit Suisse First Boston, có các hoạt động trên thị trường vốn và tư vấn, sẽ phải hoạt động độc lập. Ông Michael Klein sẽ rời Ban Giám đốc Credit Suisse và trở thành tổng giám đốc của Credit Suisse First Boston vào năm tới.

Với kế hoạch mới, Credit Suisse sẽ tái cấu trúc lại mảng ngân hàng đầu tư của mình và quyết tâm thoát khỏi di sản từ đầu những năm 2000, khi mảng ngân hàng đầu tư còn cực thịnh.

Ngoài việc cắt giảm hoạt động ngân hàng đầu tư, Credit Suisse cũng đang bán bớt một số danh mục đầu tư khác, bao gồm 334 triệu euro (328 triệu CHF) cổ phần trong công ty fintech Tây Ban Nha Allfunds.

• Đẩy nhanh quá trình giảm chi phí : Credit Suisse quyết tâm giảm các khoản chi phí xuống 15%, tương đương khoảng 2,5 tỷ CHF, xuống còn 14,5 tỷ CHF vào năm 2025.

Một trong biện pháp thực hiện giảm chi phí là Credit Suisse sẽ giảm số nhân viên từ 52.000 người hiện nay xuống còn 43.000 người vào cuối năm 2025. Trong số 9.000 nhân sự cắt giảm này có 2.000 tại Thụy Sỹ (tương đương với 10% nhân sự tại Thụy Sỹ). Việc cắt giảm việc làm này sẽ bắt đầu ngay trong Quý 4 năm 2022, với số lượng cắt giảm ban đầu là 2.700 người.

• Củng cố và phân bổ lại nguồn vốn : Đến năm 2025, ngân hàng sẽ tập trung phân bổ gần 80% nguồn vốn cho 3 mảng kinh doanh có thế mạnh là quản lý tài sản (Wealth Management), mảng hoạt động có trụ sở tại Thụy Sỹ (Swiss Bank), và quản lý tài sản có (Asset Management).

Credit Suisse cũng sẽ huy động thêm 4 tỷ CHF (tương đương 4 tỷ USD) để củng cố nền tảng vốn đang bị suy yếu của mình bằng cách phát hành cổ phiếu mới. Khoản vốn tăng thêm này bao gồm cả khoản mua cổ phần 1,5 tỷ CHF từ Ngân hàng Quốc gia Ả-rập Xê-út, nếu được thông qua tại đại hội cổ đông bất thường của Credit Suisse dự kiến diễn ra ngày 23/11 tới.

Sau khi kế hoach tái cấu trúc của Credit Suisse, cũng như kết quả kinh doanh Quý 3/2022 được công bố, các chuyên gia tài chính ngân hàng của Thụy Sỹ nhận định về cơ bản Credit Suisse sẽ không có nguy cơ phá sản như những lo sợ thời gian qua. Việc tái cấu trúc này sẽ hướng đến một ngân hàng tinh gọn, hiệu quả hơn, với những tham vọng vừa phải, tránh hoạt động dàn trải. Một số tỏ ra lo ngại việc Ngân hàng Quốc gia Ả-rập Xê-út tham gia mua vốn Credit Suisse giá trị 1,5 tỷ CHF, tương đương khoảng 10%. Tuy nhiên tỷ lệ này được coi là không đáng lo và Credit Suisse vẫn nằm trong tay người Thụy Sỹ. Ngoài Ả-rập Xê-út thì Qatar cũng đang sở hữu 5% vốn của Credit Suisse.

Trước thông tin thua lỗ của kết quả kinh doanh Quý 3/2022 và quá trình tái cấu trúc Credit Suisse được cho là khó khăn thời gian tới, thị trường chứng khoán đã phản ứng một cách tiêu cực. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/10/2022, giá cổ phiếu Credit Suisse chỉ còn 3,88 CHF, giảm 18,6% so với phiên giao dịch hôm trước. Mức giá này đã xuống sát mức giá thấp nhất trong gần 30 năm qua là 3,83 CHF vào ngày 29/9/2022.


Nguồn:Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website