A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Nam: Tập huấn Cập nhật các quy định về xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định

Ngày 24/8/2023, Sở Công Thương Quảng Nam tổ chức tập huấn “Cập nhật, hướng dẫn tra cứu các quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do cho hàng hóa xuất nhập khẩu - Hướng dẫn thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.

Măng cụt, dưa hấu, chuối, gỗ… sẽ được quy hoạch, phát triển thành các sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu các ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt 300 triệu USD

Tính đến năm 2023, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA đã giúp mang lại nhiều lợi thế thúc đẩy hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp, mang sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam trong đó có Quảng Nam đến nhiều thị trường lớn trên thế giới. Không ít doanh nghiệp đã tận dụng tốt những ưu đãi trong FTA đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường có FTA cũng vướng những rào cản đòi hỏi doanh nghiệp nắm bắt và hiểu rõ những quy định bắt buộc như xuất xứ hàng hóa, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản… Theo ban tổ chức, việc tổ chức tập huấn không chỉ là cơ hội cập nhật những nội dung về quy tắc xuất xứ và mã số vùng trồng cho hàng hóa có thế mạnh của tỉnh mà còn mang đến những thông tin hữu ích giúp cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tận dụng ưu đãi từ các thị trường có FTA đồng thời hạn chế rủi ro từ các hiệp định thương mại tự do để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa đơn vị.

Tại buổi tập huấn, các học viên đã được diễn giả hướng dẫn thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, cập nhật các quy định về xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Thực hành tra cứu quy tắc xuất xứ cho hàng hóa xuất nhập khẩu theo từng từng nhóm, mặt hàng cụ thể là thế mạnh xuất khẩu của địa phương và doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Nam.

Liên quan đến Hiệp định UKVFTA, Hiệp định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021 đã tạo bước chuyển biến tích cực trong quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nước. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả hơn những ưu đãi từ hiệp định, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt cần nắm vững cam kết về quy tắc xuất xứ của Vương quốc Anh.

Theo Hiệp định UKVFTA, Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực (từ ngày 1/1/2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ ngày 1/1/2027 và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%). Với các cam kết này, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, hoa quả, cà phê, gạo, dệt may, đồ gỗ… sẽ có lợi thế khi tiếp cận thị trường này, đặc biệt khi dư địa của thị trường này vẫn còn rất lớn cho xuất khẩu.

Ngoài ra, để thực thi Hiệp định UKVFTA, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, như Nghị định 53/2021/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam. Với quy tắc xuất xứ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP năm 2022 về ký công hàm trao đổi với Hàn Quốc để triển khai nguyên tắc cộng gộp xuất xứ theo UKVFTA. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng ban hành Thông tư 02/2021/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong UKVFTA.

Theo đó, để hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải được nộp cho cơ quan hải quan Việt Nam trong thời gian 2 năm kể từ thời điểm nhập khẩu. Cơ quan hải quan có thể yêu cầu bản dịch nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ không phải bằng tiếng Anh.

Theo Thông tư, cơ chế chứng nhận xuất xứ trong UKVFTA được triển khai như sau: Đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam: Với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ; Với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.

Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam: Với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ; Với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của UK mới được tự chứng nhận xuất xứ.

Về quy định về tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa từ Việt Nam, nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định khi hàng hóa có xuất xứ Việt Nam và đáp ứng quy định khác của UKVFTA. Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa, bằng cách đánh máy, đóng dấu hoặc in nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa trên chứng từ.

Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ có thể phát hành sau khi xuất khẩu hàng hóa với điều kiện được xuất trình tại nước thành viên nhập khẩu không muộn hơn 2 năm hoặc theo quy định của Nước thành viên nhập khẩu kể từ khi hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Nước thành viên nhập khẩu.

Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ, nhà xuất khẩu khai báo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu theo quy định từ điểm c đến điểm h khoản 1 Điều 15 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn của Bộ Công Thương.

Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày phát hành tại nước thành viên xuất khẩu và phải nộp cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực.


Tác giả: Anh Phương

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website