A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Singapore chính thức mở cửa thị trường một số sản phẩm thịt và trứng gia cầm từ Việt Nam

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường thông qua các buổi làm việc cấp Lãnh đạo Bộ và cấp kỹ thuật để vận động chính sách, đề nghị phía Singapore mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, ngày 11/3/2025, Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore (SFA) đã có văn bản chính thức chấp thuận mở cửa thị trường nhập khẩu một số loại sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông nghiệp giữa hai quốc gia.

Các sản phẩm được chấp thuận bao gồm thịt gia cầm đã qua chế biến nhiệt (của công ty CPV Food Co LTd và công ty MeatDeli HN Company Ltd); và trứng gia cầm và thịt (không bao gồm thịt bò) đóng hộp/tiệt trùng ở nhiệt độ cao và áp suất cao theo khuyến nghị của Cục Chăn nuôi và Thú y. Việc Singapore mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm thịt và trứng của Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang lại cú huých đáng kể đối với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đạt hơn 533 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2023 [1]. Về phía Singapore, theo số liệu do Cơ quan chức năng Singapore công bố định kỳ, năm 2024 Singapore nhập khẩu từ thế giới hơn 3,87 tỷ SGD [2] giá trị các mặt hàng thịt và trứng gia cầm. Trong đó giá trị các mặt hàng thịt tươi sống, giữ mát hoặc đông lạnh là hơn 1,69 tỷ SGD; giá trị các mặt hàng thịt đã qua chế biến là 216 triệu SGD và giá trị các mặt hàng trứng gia cầm là hơn 261 triệu SGD.

Singapore là quốc gia nhập khẩu tới hơn 90% thực phẩm tiêu thụ, và cũng được biết đến là một trong những thị trường có tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật nghiêm ngặt. Về quy định đảm bảo an toàn thực phẩm tại Singapore, tất cả thực phẩm nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA). Thực phẩm chỉ có thể được đưa vào bởi các nhà nhập khẩu được cấp phép và tất cả các lô hàng phải được khai báo và kèm theo giấy phép nhập khẩu hợp lệ. Thịt và các sản phẩm từ thịt phải được nhập khẩu qua các nguồn được công nhận tại những nước đã được chứng nhận đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm của Singapore.

Để được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Singapore, các Bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore (SFA) tiến hành các cuộc khảo sát, kiểm định, đánh giá thực địa và trực tuyến nghiêm ngặt. 02 doanh nghiệp là Công ty TNHH Meatdeli Hà Nội, Công ty TNHH CPV Food đã đầu tư đổi mới quy trình, công nghệ sản xuất, tuân thủ các tiêu chuẩn của SFA (bao gồm hệ thống an toàn thực phẩm, quy định vận hành tiêu chuẩn, khả năng truy xuất nguồn gốc và đào tạo công nhân). Do đó, 2 doanh nghiệp này được chấp thuận xuất khẩu các sản phẩm gia cầm chế biến nhiệt sang Singapore. Bên cạnh đó SFA cũng mở cửa thị trường cho các sản phẩm trứng gia cầm và thịt (không bao gồm thịt bò) đóng hộp/tiệt trùng ở nhiệt độ cao và áp suất cao (theo danh sách khuyến nghị của cơ quan chức năng của Việt Nam).  

Thành công này là minh chứng cho thấy các sản phẩm chăn nuôi nói riêng, sản phẩm nông sản nói chung của Việt Nam có khả năng và tiềm năng lớn trong việc chinh phục các thị trường khó tính. Đây là một dấu mốc có ý nghĩa đối với ngành công nghiệp chăn nuôi của Việt Nam, là tiền đề quan trọng không chỉ đối với các doanh nghiệp được cấp phép lần này mà còn là bước đệm để các doanh nghiệp khác có thể thâm nhập thị trường Singapore - một thị trường có các quy định, tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc kiểm soát, duy trì chất lượng, sản lượng ổn định để giữ vững chỗ đứng trên thị trường nhiều đối thủ cạnh tranh.

Singapore là trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn thứ hai trên thế giới, do đó, việc xuất khẩu sang thị trường Singapore cũng là bước đà để các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam tiếp cận thị trường, mở rộng chuỗi cung ứng tới các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn của Singapore, đẩy mạnh xúc tiến ngành hàng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý để duy trì uy tín trên thị trường quốc tế.

[1] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, “Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt hơn 533 triệu USD”, Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2025.

[2] Tương đương 2,91 tỷ USD, tính theo tỷ giá quy đổi 1 USD = 1,33 SGD ngày28/3/2025 của Ngân hàng UOB.


Nguồn:Vụ Phát triển thị trường nước ngoài và Thương vụ Việt Nam tại Singapore Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website