Tăng trưởng xuất khẩu sang Singapore tăng 40,1% so với cùng kỳ năm 2024
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore cho thấy, riêng trong tháng 6 năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore với thế giới đạt 106,3 tỷ SGD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Xuất khẩu đạt 57,5 tỷ SGD, tăng 10,5%, Nhập khẩu đạt 48,9 tỷ SGD, gần như không tăng.
Trong xuất khẩu hàng hóa, giá trị xuất khẩu sản phẩm sản xuất nội địa đạt 23,2 tỷ SGD, tăng 1,1%, giá trị tạm nhập tái xuất (trung chuyển) đạt 34,3 tỷ SGD, tăng 17,9%.
Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore với thế giới đạt 668,1 tỷ SGD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Xuất khẩu đạt 355,6 tỷ SGD, tăng 7,6%; Nhập khẩu đạt 312,4 tỷ SGD, tăng 4,1%.
Trong xuất khẩu hàng hóa, giá trị xuất khẩu sản phẩm sản xuất nội địa đạt 140,5 tỷ SGD, giảm 3,1%, giá trị tạm nhập tái xuất (trung chuyển) đạt 215,2 tỷ SGD, tăng 16%.
Nhìn chung, trao đổi thương mại của Singapore với 15 đối tác chính đa số duy trì tăng trưởng dương.
Trong đó, về giá trị trao đổi thì Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục tạm thời giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Singapore với kim ngạch trao đổi song phương đạt 78,2 tỷ SGD, tăng 42,8% so với cùng kỳ năm 2024. Top 5 đối tác thương mại lớn nhất của Singapore còn có Trung Quốc (trao đổi song phương đạt 76,2 tỷ SGD, giảm 8,4%), Malaysia (70,7 tỷ SGD, tăng 2,5%), Hoa Kỳ (69,9 tỷ USD, tăng 12,1%), và Hồng Công (41,5 tỷ SGD, tăng 7,9%).
Riêng trong tháng 6 năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore với Việt Nam đạt 3,2 tỷ SGD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Xuất khẩu của Singapore tới Việt Nam đạt 2,2 tỷ SGD, tăng 22,8%, Nhập khẩu từ Việt Nam đạt 993,6 triệu SGD, tăng 51,9%. Trong xuất khẩu hàng hóa của Singapore, giá trị xuất khẩu sản phẩm sản xuất nội địa đến Việt Nam đạt 608,5 triệu SGD, tăng 26,3%, giá trị tạm nhập tái xuất (trung chuyển) sang Việt Nam đạt 1,6 tỷ SGD, tăng 21,5%.
Tham tán Cao Xuân Thắng tham gia tọa đàm tại Hội nghị ASEAN – Vị trí chiến lược của Việt Nam trong kinh tế khu vực
Sau 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí đối tác thương mại thứ 10 của Singapore với kim ngạch trao đổi song phương đạt tổng cộng 19,5 tỷ SGD, tăng 28,5% so với cùng kỳ 2024, trong đó: Xuất khẩu tới Việt Nam đạt 13,9 tỷ SGD, tăng 24,4%; Nhập khẩu từ Việt Nam đạt 5,5 tỷ SGD, tăng 40,1%. Trong xuất khẩu hàng hóa của Singapore, giá trị xuất khẩu sản phẩm sản xuất nội địa đến Việt Nam đạt gần 3,9 tỷ SGD, tăng 13,4%, giá trị tạm nhập tái xuất (trung chuyển) sang Việt Nam đạt 10,1 tỷ SGD, tăng 29,2%.
Trong thương mại với Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025, Singapore đang là nước xuất siêu với giá trị xuất siêu sang Việt Nam theo ghi nhận của phía bạn đạt 8,4 tỷ SGD, tăng 15,9% so với cùng kỳ 2024.
Tuy nhiên, nếu chỉ xét về xuất xứ hàng hóa, Việt Nam xuất siêu sang Singapore đạt hơn 1,6 tỷ SGD.
Về xuất khẩu, số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore cho thấy, trong 06 tháng đầu năm 2025, hai nhóm hàng là Máy móc và thiết bị điện và bộ phận (HS 85) và Nhiên liệu, dầu mỏ và sản phẩm chưng cất; các chất chứa bi-tum; các loại sáp khoáng chất (HS 27) tiếp tục là hai nhóm hàng hóa xuất khẩu thứ 1 và 2 của Singapore tới Việt Nam.
Tổng giá trị xuất khẩu của hai nhóm này đạt 9,5 tỷ SGD, chiếm đến 68,3% tổng giá trị xuất khẩu của Singapore sang Việt Nam trong 06 tháng đầu năm 2025. Hai nhóm này hiện cũng đang chứng kiến mức tăng trưởng khá, cụ thể là: nhóm Máy móc và thiết bị điện và bộ phận (HS 85) có giá trị xuất khẩu tới Việt Nam đạt 7,2 tỷ SGD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2024; còn nhóm Nhiên liệu, dầu mỏ và sản phẩm chưng cất; các chất chứa bi-tum; các loại sáp khoáng chất (HS 27) đạt 2,3 tỷ SGD, tăng 24,7%.
Tuy cùng chiếm tỷ trọng cao, nhưng bản chất xuất khẩu của Singapore đối với hai nhóm này tới Việt Nam có sự khác biệt khá rõ rệt. Nếu như nhóm Máy móc và thiết bị điện và bộ phận (HS 85) có tỷ lệ tạm nhập tái xuất từ nước thứ ba đến 97,4%, thì nhóm Nhiên liệu, dầu mỏ và sản phẩm chưng cất; các chất chứa bi-tum; các loại sáp khoáng chất (HS 27) lại chủ yếu được sản xuất trong nước tại Singapore, với tỷ lệ của giá trị nội địa trong xuất khẩu sang Việt Nam chiếm đến 98,9%.
Ngoài hai nhóm nêu trên, trong Top 15 các nhóm hàng xuất khẩu chính của Singapore tới Việt Nam trong 06 tháng đầu năm 2025, có một số nhóm hàng khác đáng chú ý với giá trị xuất khẩu khá hoặc tăng trưởng ấn tượng như nhóm: Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và thiết bị cơ khí và bộ phận (HS 84), đạt 1,1 tỷ SGD, tăng 65,1%; Nhựa và sản phẩm từ nhựa (HS 39), đạt 535,4 triệu SGD, tăng 6,0%; và Tinh dầu, nước hoa, mỹ phẩm hoặc chế phẩm vệ sinh (HS 33), đạt 296,5 triệu SGD, giảm 10,7%.
Về nhập khẩu, số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore cho thấy, trong 06 tháng đầu năm 2025, nhóm Máy móc và thiết bị điện và bộ phận (HS 85) cũng tiếp tục là nhóm hàng hóa có giá trị nhập khẩu cao nhất mà Singapore nhập khẩu từ Việt Nam, đạt 2,7 tỷ SGD, tăng 80,7% so với cùng kỳ năm 2024 và chiếm đến 49,8% tổng giá trị nhập khẩu của Singapore từ Việt Nam.
Hội nghị kết nối giao thương các doanh nghiệp Việt Nam – Singapore trong lĩnh vực AI
Đứng thứ 2 và 3 về giá trị nhập khẩu của Singapore từ Việt Nam lần lượt là các nhóm: Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và thiết bị cơ khí và bộ phận (HS 84), đạt 1,2 tỷ SGD, tăng 80,9%; và Thủy tinh và sản phẩm bằng thủy tinh (HS 70), đạt 430,5 triệu SGD, tăng 16,8%.
Ngoài ra, các nhóm còn lại trong Top 15 nhóm hàng nhập khẩu chính của Singapore từ Việt Nam hầu hết đều ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2024, duy chỉ có ba nhóm ghi nhận tăng trưởng dương là: Dụng cụ và thiết bị quang học/nhiếp ảnh/điện ảnh/đo lường chính xác/kiểm tra y tế hoặc phẫu thuật và bộ phận/phụ kiện (HS 90), đạt 59,5 triệu SGD, tăng 69,6%; Cá và động vật giáp xác/thân mềm/thủy sinh không xương sống khác (HS 03), đạt 57,2 triệu SGD, tăng 10,8%; và Ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy, đá quý hoặc đá bán quý, kim loại quý, kim loại được dát phủ kim loại quý và sản phẩm; đồ trang sức làm bằng chất liệu khác; tiền kim loại (HS 71), đạt 27 triệu SGD, tăng 184,6%.
Về tình hình kinh tế của Singapore, theo số liệu công bố của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, trong quý II năm 2025, kinh tế Singapore tăng trưởng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 4,1% của quý I. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP trung bình tăng 4,2%. Tuy nhiên, triển vọng nửa cuối năm vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do chính sách thuế của Mỹ còn chưa rõ ràng.
Đối với từng lĩnh vực cụ thể, thống kê của phía Singapore ghi nhận: Sản xuất tăng 5,5% so với cùng kỳ, bước đầu có sự phục hồi sau khi suy giảm trong quý I; Xây dựng tăng 4,9%, được cho là nhờ vào các dự án xây dựng khu vực công; Bán buôn, bán lẻ và vận tải, kho bãi tăng 4,8%, dẫn đầu bởi vận tải đường thủy và thương mại thiết bị, máy móc; Công nghệ thông tin - truyền thông, tài chính - bảo hiểm và dịch vụ chuyên nghiệp tăng 3,8%, được hỗ trợ bởi nhu cầu công nghệ và hoạt động ngân hàng; Lưu trú, bất động sản, dịch vụ hỗ trợ và các dịch vụ khác tăng 3,4%, nhờ lượng du khách quốc tế gia tăng.
Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore, quan hệ thương mại Việt Nam -Singapore trong nửa đầu năm 2025, mối quan hệ thương mại song phương tiếp tục khởi sắc rõ rệt. Sau 6 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục duy trì được vị trí thứ 10 trong số các đối tác thương mại của Singapore với tổng trị giá trao đổi song phương 19,5 tỷ SGD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó Singapore xuất khẩu sang Việt Nam 13,9 tỷ SGD (tăng 24,4%) và nhập khẩu từ Việt Nam 5,5 tỷ SGD (tăng 40,1%).
Việc Việt Nam duy trì được vị trí là một trong những đối tác hàng đầu của Singapore đã củng cố thêm mối liên kết kinh tế ngày càng sâu sắc và là nền tảng để cộng đồng doanh nghiệp khai thác cơ hội hợp tác mới từ những xu hướng đầu tư kinh doanh trong khu vực mà cả hai bên cùng quan tâm như liên kết các chuỗi sản xuất-cung ứng, thâm nhập thị trường halal và các dự án xanh–số.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn, Thương vụ sẽ tiếp tục cập nhật tình hình, cơ chế, chính sách của địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, trưng bày hàng hóa, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại địa bàn; hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Singapore; hỗ trợ các đoàn công tác từ Singapore vào Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ vào Việt Nam.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý cập nhật các quy định của địa bàn, đảm bảo ổn định tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, cải tiến mẫu mã bao bì, công nghệ nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế.