A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp tỉnh Hậu Giang

Ngày 15/7, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với Ban Quản lý các Khu công ngiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức “Hội thảo tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực công nghiệp tỉnh Hậu Giang”.

Tham dự Hội nghị có ông Vũ Bá Phú - Cục Trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương; ông Lê Công Lý - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang; ông Huỳnh Thanh Phong - Giám đốc Sở Công Thương; ông Nguyễn Phong Minh - Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh cùng đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp của tỉnh và các cơ quan thông tấn báo chí đế dự và đưa tin.

Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam sông Hậu bao gồm Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với phần còn lại của ĐBSCL và các vùng kinh tế khác của cả nước. Vị trí này thuận lợi để các doanh nghiệp lựa chọn đặt các nhà máy sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm, trung tâm logistics từ vùng nguyên liệu ĐBSCL. Vị trí cũng hấp dẫn với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng hoặc các tổng kho phân phối phục vụ thị trường ĐBSCL.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 2 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích là 490,85ha tỷ lệ lấp đầy 81,7%; 4 cụm công nghiệp (CCN) tập trung và 6 CCN, với tổng diện tích là 744,94ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 70%, thu hút được 110 dự án, đã có 69 dự án đi vào hoạt động, với tổng mức thu hút đầu tư là 77.531 tỷ đồng và 3.802,5 triệu USD. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đưa ra mục tiêu: Cơ cấu kinh tế của Tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I, tăng tỷ trọng khu vực II và III, đến năm 2025 khu vực I còn dưới 22%. Số doanh nghiệp được thành lập mới có hoạt động và kê khai thuế 5 năm là 1.000 doanh nghiệp. Tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển công nghiệp trong cơ cấu phát triển kinh tế, thể hiện vai trò đầu tàu của lĩnh vực này trong phát triển tổng thể kinh tế xã hội, giữ vững và đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh.

Hội nghị đã được nghe các tham luận của đại diện các chuyên gia của các viện, trường và các doanh nghiệp trong tỉnh về các giải pháp phát triển công nghiệp tỉnh Hậu Giang như: chỉ ra những tiềm năng và thách thức của tỉnh trong lĩnh vực kinh tế nhằm thu hút đầu tư trong giai đoạn mới; thực trạng đầu tư và trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh; cải thiện môi trường kinh doanh và các giải pháp phát triển công nghiệp tỉnh Hậu Giang.

Trong thời gian tới, nhằm thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp tỉnh Hậu Giang cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp như: Xây dựng và hoàn thiện danh mục ngành nghề và tiêu chí thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, hài hòa với các dự án đã đầu tư trước đó, sát với quy hoạch ngành nghề mà tỉnh đang định hướng phát triển; thu hút doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại chỗ, có cơ chế tiền lương, thu nhập cho người lao động ở mức khá so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long; ưu tiên phát triển hạ tầng công nghiệp, chú trọng đầu tư hạ tầng kết nối với khu, cụm công nghiệp và hạ tầng trong khu, cụm công nghiệp.

Sau Hội nghị này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Hậu Giang, tổng hợp lại những kiến nghị và đề xuất của các chuyên gia, doanh nghiệp để có cơ sở ban hành những chủ chương, chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ… đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp có cơ hội mở rộng quy mô đầu tư, phát triển mạnh và trở thành động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp của Hậu Giang.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website