A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy vai trò của thị trường nội địa trong bối cảnh dịch hậu Covid-19

Giữ vững thị trường trong nước thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, ngành phân phối là là việc làm cần thiết trong bối cảnh hậu dịch bệnh Covid-19 khi mà các quốc gia trên thế giới trong nỗ lực tăng tốc phục hồi kinh tế, nối lại chuỗi sản xuất, trong đó có Việt Nam.

Lưu thông hàng hóa được đẩy mạnh

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo đó, các địa phương có phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo từng cấp độ diễn biến của dịch Covid-19 và sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khác khi cần thiết, với phương châm "4 tại chỗ" (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ) và "3 sẵn sàng" (chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương).

Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối lớn tăng lượng dự trữ, bảo đảm cung ứng các hàng hóa thiết yếu trên toàn hệ thống. Đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa, diễn biến dịch bệnh để ổn định tâm lý của người dân, tránh việc đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ...

Phát huy vai trò của thị trường nội địa trong bối cảnh dịch Covid-19

Trong năm 2020, để phục hồi và phát triển nền kinh tế, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa. Điển hình là chương trình "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020" được thực hiện trong tháng 7-2020 trên phạm vi toàn quốc; chương trình “Tự hào hàng Việt Nam” cũng trên quy mô toàn quốc. Cùng với đó là các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa đơn vị sản xuất và hệ thống phân phối; kết nối xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm đặc sản vùng miền tại nhiều địa phương...

Bộ cũng phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Long, Yên Bái, Quảng Ninh… tổ chức các hoạt động kích cầu, hội nghị kết nối cung cầu bình ổn thị trường... thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Điển hình là thành phố Hà Nội đã tổ chức rất thành công các chương trình khuyến mãi tập trung trên địa bàn, như “Hà Nội đêm không ngủ” với mức khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn, thu hút đông đảo người tiêu dùng.

Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp tục được đẩy mạnh. Qua đó góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Kết quả rõ nhất là lưu thông hàng hóa được đẩy mạnh, thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân, từ đó tạo đầu ra tại thị trường nội địa cho các doanh nghiệp.

Sức cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng trưởng tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 5.059,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm trước. Tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90% trong hệ thống phân phối do doanh nghiệp trong nước làm chủ và trên 70% trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài ở Việt Nam. Giá cả hàng hóa được bảo đảm, mục tiêu kiểm soát lạm phát được thực hiện tốt.

Tin tức sự kiện - Bình Dương đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông...

Việc phát triển mạnh hạ tầng thương mại tạo cơ sở quan trọng để phát triển thị trường trong nước. Đến hết năm 2020, cả nước đã có 94 chợ đầu mối, 8.500 chợ truyền thống, 1.085 siêu thị, 240 trung tâm thương mại, 69 trung tâm logistics và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Đáng chú ý là sự lớn mạnh nhanh chóng của các thương hiệu bán lẻ trong nước, như: Saigon Co.op, Hapro, Satra, Vinmart… Kênh phân phối được hình thành và vận hành thông suốt theo hướng văn minh hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Tăng cường xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa

Thời gian qua, Việt Nam đã phát triển mạnh hạ tầng thương mại song việc phân bố chưa đều, tập trung ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Các chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa phát triển kịp với nhu cầu. Việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chính sách quản lý, giá cả hàng hóa thế giới. Giá các nguyên liệu đầu vào và giá các hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới có nhiều biến động bất thường, ảnh hưởng tới biến động giá nhiều hàng hóa thiết yếu trong nước, gây nên những khó khăn trong việc đưa ra các biện pháp ứng phó.

Cung cầu hàng hóa về cơ bản được bảo đảm nhưng vẫn có những biến động do mất cân đối cục bộ, như việc tăng giá đối với mặt hàng thịt lợn hay giảm giá nông sản khi vào cao điểm thu hoạch. Vẫn còn thiếu sự liên kết giữa nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng trong chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là đối với mặt hàng thực phẩm thiết yếu, nên thị trường dễ bị biến động do tác động của tâm lý người tiêu dùng. Công tác thông tin, dự báo còn hạn chế nên có những khó khăn trong việc đánh giá tổng thể thị trường để đưa ra biện pháp ứng phó kịp thời…

Năm 2021, Bộ Công Thương đề ra mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 8% so với năm 2020. Do đó, Bộ sẽ thúc đẩy sự phát triển và phát huy hiệu quả vai trò thị trường trong nước, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết với các loại hình thương mại truyền thống.

Bộ cũng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng đến các mặt hàng nông sản. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam và cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tăng cường quản lý, kiểm tra thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại... để bảo vệ sản xuất trong nước.

Liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã trong tiêu thụ hàng hóa | Kinh doanh |  Vietnam+ (VietnamPlus)

Các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa, như: Tháng khuyến mại tập trung, hội nghị kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương… sẽ tiếp tục được tăng cường trong năm nay. Đồng thời, việc đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước được gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, bảo đảm hàng hóa sản xuất trong nước đủ tiêu chuẩn chất lượng dự báo có thể thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại nhập khẩu.

Bộ cũng sẽ tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, hoàn thiện hệ thống chợ truyền thống, trong đó ưu tiên nâng cấp các chợ ở khu vực nông thôn, miền núi; phát triển mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời phát triển các kênh phân phối bảo đảm cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu.


Tác giả: An Hạ

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website