Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách
Tiết kiệm năng lượng là một trong những giải pháp giúp hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm và đáp ứng các tiêu chí về môi trường mà thị trường đặt ra. Chia sẻ tại Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách” do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng ngày 19/8 tại Hà Nội, các chuyên gia đến từ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam đã có những trao đổi dưới những góc nhìn đa dạng và sâu sắc tập trung vào các vấn đề trên.
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) được phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 đã đề ra với mục tiêu đạt mức tiết kiệm từ 5% - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai trong giai đoạn 2019-2025 và từ 8% - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong cả giai đoạn từ 2019-2030.
Để đạt được mục tiêu này, nhiều nỗ lực đã được triển khai, qua đó ghi nhận những kết quả khả quan sau hơn 5 năm thực hiện. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam vẫn còn rất lớn và còn nhiều việc phải làm.
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho hay, thời gian qua rất nhiều chính sách đã được ban hành, đặc biệt là từ 2010 chúng ta đã có Luật sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và cho đến thời điểm này đã có khoảng 16 Thông tư, 2 Nghị định và 02 Quyết định cuả Thủ tướng Chính phủ cũng như khoảng 34 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành. Đây là những văn bản hiện hành cho đến thời điểm này và có thể thấy việc ban hành các văn bản chính sách góp phần cho chúng ta tiết kiệm từ 5 đến 7% cho giai đoạn trước.
Với mục tiêu đó, năm 2019 Thủ tướng đã ban hành Quyết định 280 với chương trình mục tiêu quốc gia thì chúng ta tiếp tục đặt mục tiêu là từ 7% đến khoảng 10% năm 2025, đến 2030 chúng ta phải tiết kiệm được khoảng 10% so với kịch bản tiêu thụ năng lượng bình thường.
Doanh nghiệp sản xuất chưa quan tâm một cách thực sự tới tiết kiệm điện
Đánh giá về thực trạng sử dụng năng lượng của các doanh nghiệp công nghiệp hiện nay và tiềm năng tiết kiệm năng lượng cũng như đóng góp của các cơ sở sản xuất trong việc thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ, trong năm 2023 và đặc biệt là 7 tháng đầu năm 2024 tốc độ phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt tăng trưởng về điện; năm 2023 chỉ đạt được 4,29%, tuy nhiên 7 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng về điện đạt mức 14%.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Đây là một mức tăng trưởng cao và đối với các ngành sản xuất hiện tại tỷ trọng của các ngành sản xuất trong cơ cấu về thương phẩm, về sản lượng chiếm tới 51% và đạt vào khoảng 210 tỷ kWh/năm. Chúng ta cũng thấy sử dụng năng lượng tiết kiệm đối với khu vực sản xuất tác động rất lớn tới vấn đề sử dụng điện tiết kiệm đối với toàn xã hội và đảm bảo vấn đề cung cấp đủ điện cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, ông Dũng nhận định vẫn có một số khó khăn đối với các doanh nghiệp. Thứ nhất, đối với một số doanh nghiệp, nhận thức về vấn đề tiết kiệm điện vẫn còn hạn chế, có những doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới vấn đề tiết kiệm điện và thậm chí không đủ năng lực hay cũng chưa tiếp cận được với những công nghệ hoặc khó khăn về mặt tài chính. “Đây là một trong những khó khăn lớn của các doanh nghiệp và thêm vào đó là nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng, chưa tối ưu hóa được dây chuyền sản xuất, quy trình sản xuất dẫn tới việc vẫn còn sử dụng năng lượng một cách lãng phí” - ông Dũng chia sẻ.
Thứ hai là về chính sách. Giá điện hiện tại đang thực hiện theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được ban hành từ năm 2014. Giá phụ thuộc vào các cấp điện áp. Thế nhưng chúng ta cũng thấy rằng đối với giá giờ bình thường của sản xuất chiếm chỉ từ khoảng độ 84 - 92% giá bình quân và giờ thấp điểm từ 52 đến 59% giá bình quân. Với giá điện thấp như vậy thì việc tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng chưa được quan tâm một cách thực sự.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở các doanh nghiệp sản xuất rất là lớn. Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, chúng ta có thể tiết kiệm được khoảng từ 20 - 30% năng lượng sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, theo thống kê đánh giá của Bộ Công Thương thậm chí lên tới khoảng 30 - 35%. Đây là con số rất lớn về tiềm năng tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Tiết kiệm năng lượng tốt sẽ có thế mạnh hơn khi cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm trong cung cấp giải pháp về phát triển bền vững tại Việt Nam hiện nay, ông Mạch Đình Khoa - Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam cho biết, thực sự tiết kiệm năng lượng có tác động rất lớn với doanh nghiệp.
Ông Mạch Đình Khoa - Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam
Có hai khía cạnh mà doanh nghiệp cần phải chú ý. Đối với một số ngành về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng chi phí điện đang chiếm từ 15 – 20% tổng giá thành sản xuất của mỗi sản phẩm. Với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc tối ưu hóa chi phí sản xuất, đồng thời có thể hạ giá bán sản phẩm hoặc giữ nguyên giá bán sản phẩm là việc rất quan trọng.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nếu không có yêu cầu về tiết kiệm năng lượng dẫn đến chi phí tiếp tục tăng cao và dẫn đến giảm lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Đặc biệt khi nói về thị trường xuất khẩu, hiện giờ tiêu chuẩn của các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản đang rất chú trọng vào việc thống kê và sử dụng phát thải carbon khi sản xuất sản phẩm. Nếu chúng ta tiết kiệm năng lượng tốt, thông qua đó giảm khí thải carbon tốt, đó là những tiền đề, những tiêu chuẩn quan trọng để giúp chúng ta có thế mạnh hơn khi cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu.
Rào cản chính về công nghệ, vốn và con người
Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Đặng Hải Dũng cho biết thêm, xu hướng chung hiện nay chúng ta cũng đang hòa nhập quốc tế và chúng ta cũng đã cam kết trung hòa carbon. Vì vậy, Chính phủ cũng như các bộ, ngành ban hành rất nhiều chính sách liên quan để trung hòa carbon và đặc biệt là tiết kiệm năng lượng.
Trong lĩnh vực năng lượng, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị trong đó có đặt ra rất nhiều vấn đề liên quan đến tiết kiệm năng lượng, từ khâu tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp, trong tòa nhà, rồi tiêu thụ năng lượng trong dân dụng, các chính sách liên quan đến vấn đề loại bỏ các công nghệ mà phương tiện, thiết bị lạc hậu để tiêu thụ năng lượng trở nên hiệu quả hơn.
Về phía Chính phủ, Nghị quyết 140 của Chính phủ trong đó có đặt ra rất nhiều giải pháp để các bộ, ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp có định hướng rất rõ ràng về xu hướng của quốc tế mà chúng ta đã cam kết và cũng như đặt ra các bài toán phải giải trong tương lai.
Ông Dũng nhấn mạnh, chúng ta có thể thấy xu hướng giảm carbon trong tiêu thụ các sản phẩm mà một phần lớn năng lượng nằm trong cơ cấu giá thành của sản phẩm để tạo ra một sản phẩm mới. Đối với châu Âu, năm 2026 họ sẽ bắt đầu đánh thuế và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đối với hàng hóa xuất khẩu. Chính vì vậy chúng ta đang có những thách thức do các thị trường ở ngoài nước đặt ra.
Vì vậy ông Dũng cho rằng các doanh nghiệp cũng nên nắm bắt được thông tin về các rào cản liên quan đến môi trường. Tuy nhiên để giảm được tiết kiệm năng lượng hoặc giảm dấu vết carbon thì có thể thấy bài toán công nghệ đi liền theo các vấn đề liên quan đến nguồn lực đầu tư, từ đầu tư trang thiết bị hạ tầng cho đến đầu tư về con người, về đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng được các yêu cầu của các thị trường quốc tế. Đây là những rào cản chính về công nghệ, vốn và con người để đáp ứng được yêu cầu trong thời gian tới.
Phụ thuộc nhiều vào ý thức của người dân và doanh nghiệp
Chia sẻ những khó khăn trong công tác đảm bảo cung cấp điện cũng như ý nghĩa của việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng cho hay, qua 7 tháng của năm 2024, tốc độ tăng trưởng đã đạt ở mức độ rất cao và công suất cực đại đã đạt tới mức 48.955 megawatt, tức là tăng trưởng 7,5%, công suất cực đại.
Đại diện EVN chia sẻ, ngày có sản lượng lớn nhất đạt ở mức là 1,020 tỷ kWh và tăng trưởng ở mức là 11,1%. Đây là một mức tăng trưởng rất lớn và để hệ thống điện đáp ứng được mức tăng trưởng này cần một sự nỗ lực rất lớn và thực sự cũng có rất nhiều khó khăn.
Ngoài việc tốc độ tăng trưởng quá cao, chi phí nhiên liệu tăng dần lên theo xu thế tăng của thế giới. Rất nhiều nguồn nhiên liệu của chúng ta đang nhập khẩu, ví dụ như than, dầu khí… cũng đang theo giá của thế giới, cho nên cũng đang ở mức độ tăng cao.
Thứ hai là công tác vận hành, khi các nguồn nhiên liệu, nhiên liệu tăng cao, còn các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời là những nguồn điện tính ổn định rất thấp, việc vận hành hệ thống điện trong những điều kiện như vậy thực sự khó. Để có thể giải quyết được những vấn đề này, một trong những giải pháp có thể thực hiện được ngay và không mất gì đấy là vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Nếu như tất cả các doanh nghiệp đều hướng tới vấn đề sử dụng điện tiết kiệm và nếu như chúng ta tiết kiệm được đúng theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là 2% thì riêng những ngành công nghiệp của chúng ta mỗi năm tiết kiệm được vào khoảng độ 2,8 tỷ kWh tương đương với 5.000 tỷ đồng. Với lượng điện thương phẩm khoảng 2,8 tỷ kWh như vậy có thể cung cấp điện cho tương đương 10 tỉnh như Lai Châu. Đây là một con số rất lớn.
Như vậy việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của các doanh nghiệp, người dân trong vấn đề sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Doanh nghiệp đầu tư cầm chừng, chưa quyết liệt
Ngoài những khó khăn trên của cơ quan quản lý, ông Mạch Đình Khoa cũng chia sẻ thêm những khó khăn đối với góc nhìn từ phía doanh nghiệp. Cụ thể, ông Khoa thẳng thắn chia sẻ, về mặt chủ trương, chính sách của Chính phủ đã có những mặt tích cực liên quan đến Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hay việc công bố chiến lược quốc gia như ông Dũng đã chia sẻ ở trên, mỗi năm chúng ta cần phải tiết kiệm 2%. Nhưng trong 7 tháng vừa rồi chúng ta đã tăng trưởng tới 14% sản lượng điện. Rõ ràng về mặt doanh nghiệp, yếu tố tiết kiệm năng lượng đang là yếu tố hàng đầu. Ông Mạch Đình Khoa cho biết, khảo sát và tiếp xúc với các doanh nghiệp thường xuyên đã nhận thấy doanh nghiệp gặp phải những khó khăn như:
Thứ nhất về khó khăn liên quan đến yếu tố chính sách và tiêu chuẩn. Rất nhiều doanh nghiệp hiện giờ đang rất hăng hái tìm những giải pháp, những công nghệ tiếp cận về tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là một số các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoặc là các doanh nghiệp Việt Nam lớn. Nhưng một số doanh nghiệp sau khi tìm hiểu xong vẫn mang tính chất cầm chừng và thậm chí không đầu tư gì.
Thứ hai là việc tiếp cận công nghệ, tiêu chuẩn và nguồn vốn. Các doanh nghiệp Việt vẫn có quan điểm đây là câu chuyện để chấp nhận theo yêu cầu của Chính phủ hơn là nhìn thấy cơ hội tối ưu của mình. Và thực tế cho thấy, mức đầu tư hiện giờ của các doanh nghiệp vẫn khá cầm chừng, chưa quyết liệt.
Thứ ba là yếu tố liên quan đến chính sách, về thưởng phạt. Ở một số nước, như Singapore, Chính phủ có những quỹ để khuyến khích doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng và thông qua đó doanh nghiệp sẽ sử dụng tốt nguồn vốn đó để tái đầu tư và chúng ta sẽ có những câu chuyện về kinh doanh tốt hơn và tối ưu hóa được chi phí hiệu quả hơn.
Cuối cùng là yếu tố về con người, con người cần được trang bị những kiến thức đầy đủ, có những ý tưởng táo bạo để một mặt giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng hơn và thông qua đó hỗ trợ nguồn lực quốc gia để giảm tải cho ngành điện.
Tăng cường quản lý năng lượng trong các cơ sở sản xuất và tiêu thụ năng lượng
Ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương
Để giải quyết những khó khăn trên, tại Tọa đàm, ông Đặng Hải Dũng đã đề xuất một số giải pháp liên quan đến Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhằm tăng cường quản lý năng lượng trong các cơ sở sản xuất và tiêu thụ năng lượng.
Theo ông Đặng Hải Dũng, triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, trong đó Bộ Công Thương sẽ phải thể chế hóa một số nhiệm vụ đặt ra của Nghị quyết 55 có việc chúng ta phải sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường quản lý năng lượng trong các cơ sở sản xuất và tiêu thụ năng lượng.
Những vấn chủ yếu chúng ta gặp khó khăn khi triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng chủ yếu vẫn là vấn đề về công nghệ, nguồn vốn và con người. Liên quan đến công nghệ thường liên quan đến việc đầu tư các trang thiết bị và khi có đầu tư này thường đòi hỏi các nguồn vốn vay tương đối hấp dẫn và có khả năng chi trả cho trong quá trình vay trả. Vì vậy một trong những yêu cầu đặt ra rất quan trọng, thứ nhất là chúng ta sẽ cố gắng để trình Quốc hội xây dựng một quỹ để hỗ trợ cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Giải pháp thứ hai là bên cạnh quỹ chúng ta cũng sẽ tăng cường việc quản lý nhà nước các quy định về các mức tiêu hao năng lượng trong các ngành công nghiệp lớn, tức là chúng ta sẽ phải sửa đổi mức tiêu thụ năng lượng xuống để đưa ra được nhiều hoạt động về quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn.
Vấn đề thứ ba về con người, cần tăng cường đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực. Bởi vì khi công nghệ mới vào chúng ta cũng phải có sự chuẩn bị về con người thích hợp, thích nghi để có thể tiếp cận hoặc vận hành các công nghệ mới. Đặc biệt chúng ta có thể thấy thời gian gần đây thì các công nghệ mới liên tục được đưa ra như công nghệ blockchain, AI, công nghệ điện toán đám mây...
Tất cả những công nghệ này, ông Dũng dự báo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình quản lý các dây chuyền sản xuất và kể cả những hoạt động quản lý kinh doanh của doanh nghiệp và sẽ hỗ trợ nhiều trong việc ra quyết định của doanh nghiệp.
“Tuy nhiên chúng ta cũng đặt ra rất nhiều vấn đề rủi ro về công nghệ thông tin và an toàn thông tin trong các hệ thống sản xuất. Cho nên chúng ta có thể có công nghệ, nhưng nếu con người không được đào tạo thì cũng đặt ra rất nhiều thách thức để kịp thời làm chủ công nghệ” - ông Dũng chia sẻ.
Với những thông tin trao đổi tại Tọa đàm, cộng đồng xã hội nói chung và các doanh nghiệp, người dân có thêm nhận thức rõ hơn về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.